Biếng ăn và kén ăn ở trẻ nhỏ

    1. Khái niệm biếng ăn và kén ăn

    Trẻ được coi là biếng ăn khi trẻ ăn không đủ khẩu phần ăn theo nhu cầu, dẫn đến trẻ có biểu hiện chậm tăng trưởng.

    Trẻ kén ăn là trẻ không ăn một số loại thức ăn nhất định dẫn đến trẻ bị thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định.

    Trẻ nhỏ đôi khi có biểu hiện biếng ăn và kén ăn. Thực tế có khoảng 25% đến 35% trẻ ở lứa tuổi chập chững biết đi và lứa tuổi mẫu giáo được cha mẹ cho là kén ăn hoặc khảnh ăn. Tuy nhiên, đa số những trẻ này đều có cảm giác ngon miệng phù hợp với lứa tuổi và đều phát triển bình thường. Vì vậy cần giúp gia đình và người chăm sóc trẻ thực hành cho trẻ ăn hiệu quả.

    2. Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ biếng ăn và kén ăn

    Trẻ không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn bị kéo dài (hơn 1 giờ).

    Trẻ bú ít, ăn ít hơn bình thường.

    Trẻ ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nuốt.

    Trẻ không ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa, rau, quả.

    Trẻ từ chối không chịu ăn, chạy trốn khi thấy thức ăn.

    Trẻ nhìn thấy thức ăn là có phản ứng buồn nôn.

    3. Chẩn đoán nguyên nhân trẻ biếng ăn và kén ăn

    3.1. Nguyên nhân từ phía trẻ

    Biếng ăn do sợ:

    ● Trẻ sợ vì những đau đớn, cảm giác khó chịu trẻ đã trải qua trước đó như hóc, khó thở, đặt ống thông mũi - dạ dày;

    ● Trẻ sợ vì phải ăn bổ sung quá sớm (trước 6 tháng tuổi) khi trẻ phát triển chưa đầy đủ phản xạ và khả năng phối hợp để đáp ứng với chế độ ăn bổ sung.

    Biếng ăn do tâm lý:

    ● Do trẻ quá tập trung vào các hoạt động khác và từ chối khi được cho ăn;

    ● Do trẻ phản ứng khi bị ép ăn, trẻ có thể sẽ phản kháng lại vì chúng có nhu cầu tự chủ;

    ● Do trẻ thay đổi tâm sinh lý trong quá trình phát triển và điều đó cũng dẫn đến biểu hiện biếng ăn hay kén ăn.

    Kén ăn do sợ thức ăn mới:

    ● Do trẻ nhỏ thường sợ và không thích ăn thức ăn mới, thức ăn lạ. Tuy nhiên, nếu cho trẻ tập làm quen dần với thức ăn mới, thức ăn lạ thì trẻ sẽ chấp nhận.

    ● Do trẻ đã có lần sợ hãi nào đó khi được cho ăn thức ăn mới. Nếu cha, mẹ không biết cách xử lý giai đoạn sợ thức ăn mới này, chế độ ăn của trẻ sẽ bị giới hạn trong một số ít những thức ăn mà trẻ tin tưởng.

    3.2. Nguyên nhân từ phía gia đình

    Do kỳ vọng thiếu thực tế của gia đình: Do gia đình chưa có đầy đủ kiến thức về mức độ tăng trưởng và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau của trẻ theo từng lứa tuổi, vì vậy không nhận định được chính xác sự phát triển bình thường của trẻ hoặc đặt ra kỳ vọng quá mức, muốn trẻ phải bụ bẫm và cao hơn so với bình thường

    Do tâm lý của gia đình:

    ● Bắt trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu thật của trẻ làm trẻ sợ ăn;

    ● Không hiểu được giảm cảm giác thèm ăn sinh lý xuất hiện ở giai đoạn trẻ từ 1 đến 5 tuổi;

    Cho trẻ ăn thức ăn bổ sung không hợp lý:

    ● Cho trẻ uống quá nhiều các loại nước uống như sữa, nước trái cây hoặc ăn quá nhiều bánh, kẹo sẽ làm trẻ giảm cảm giác thèm ăn và không ăn được các thức ăn giàu năng lượng và dinh dưỡng;

    ● Cho trẻ ăn vặt giữa các bữa chính và các bữa phụ cũng có thể ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ.

    ● Cho trẻ ăn không phù hợp với nhu cầu lứa tuổi của trẻ .

    Cho trẻ ăn không đúng cách: Ép buộc trẻ ăn, không cho trẻ ăn theo đáp ứng và tín hiệu của trẻ sẽ làm trẻ chán ăn, sợ ăn.

    Hành vi ăn uống của các thành viên trong gia đình: Hầu hết trẻ nhỏ giai đoạn tập đi đều thích bắt chước hành vi ăn, uống của cha, mẹ, gia đình và trẻ xung quanh. Gia đình và bạn bè chính là những tấm gương để trẻ xây dựng sở thích và thói quen ăn, uống hợp lý.

    4. Xác định nguyên nhân trẻ biếng ăn và kén ăn:

    Xem xét tiền sử bệnh chi tiết là cần thiết để xác định nguyên nhân biếng ăn do giảm cảm giác thèm ăn sinh lý hay do nguyên nhân bệnh lý.

    Ghi lại nhật trình ăn chi tiết trong thời gian 3 đến 7 ngày sẽ giúp tính toán được mức năng lượng mà trẻ hấp thụ:

    ● Xem xét các thông tin nhật trình ăn hàng ngày của trẻ như: Khẩu phần ăn, thời gian để trẻ ăn xong một bữa ăn, không khí bữa ăn...

    ● Nếu trẻ ăn ngon một món ăn nào đó vào hôm trước nhưng hôm sau trẻ lại từ chối ăn món đó thì có thể do kỳ vọng không thực tế của cha, mẹ.

    ● Nếu giảm cảm giác thèm ăn xuất hiện đột ngột và xảy ra với tất cả các loại thức ăn là biểu hiện của bệnh lý.

    Kiểm tra toàn diện và định kỳ các chỉ số sức khỏe:

     

     

     

    ● Để loại trừ khả năng trẻ bị mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính đi kèm với hội chứng biếng ăn. Một số loại thuốc cũng có thể làm cho trẻ ăn không ngon miệng;

    ● Để tìm ra các dấu hiệu thiếu dinh dưỡng;

    ● Để loại trừ nguyên nhân sâu xa làm giảm cảm giác thèm ăn.

    ● Nếu trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường, tình trạng chán ăn thường là do vấn đề sinh lý.

    5. Dự phòng biếng ăn và kén ăn ở trẻ nhỏ

     

    Về dinh dưỡng:

    ● Cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm (tròn 6 tháng), không cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn;

    ● Cho trẻ ăn đủ số lượng và số bữa phù hợp với tuổi của trẻ. Không cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa hoặc quá nhiều lần trong ngày (khoảng cách giữa các bữa quá gần) làm trẻ quá no, khó chịu và sợ ăn;

    ● Cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn để phòng tránh thừa hoặc thiếu các chất dinh dưỡng;

    ● Cố gắng cho trẻ ăn đúng bữa.

    Về tâm lý:

    ● Giúp trẻ vui vẻ, thoải mái khi ăn;

    ● Kiên nhẫn, động viên, khuyến khích trẻ ăn;

    ● Không ép buộc trẻ ăn;

    ● Không để trẻ mất tập trung khi ăn.

    6. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn và kén ăn

    6.1. Chuẩn bị thức ăn

    Thay đổi thức ăn cho trẻ hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều món khác nhau. Cho trẻ ăn thức ăn trẻ thích;

    Cho trẻ ăn cân đối các dạng thức ăn khác nhau, không nên cho trẻ ăn quá nhiều tinh bột hoặc quá nhiều thịt, cá. Thay đổi cách chế biến để trẻ ăn ngon miệng; Ø Trang trí, chuẩn bị món ăn đẹp, nhiều màu sắc, hương vị hấp dẫn;

    Chuẩn bị một số thức ăn nhỏ, mềm, bắt mắt để trẻ có thể tự cầm và tự ăn.

    6.2. Cách cho trẻ ăn

    Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày và ăn xen kẽ các bữa phụ;

    Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, không nên ép trẻ mà sẽ thử lại vào thời điểm khác;

    Không cho trẻ ăn quà vặt như bánh, kẹo, nước ngọt... trước bữa ăn vì sẽ làm trẻ mất cảm giác đói, cảm giác thèm ăn làm cho trẻ không chịu ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng khác;

    Cho trẻ ăn khi trẻ thấy đói. Khi trẻ từ chối ăn, không nên ép trẻ ăn mà đợi trẻ thấy đói, muốn ăn và đòi ăn thì cho trẻ ăn;

    Thời gian ăn của trẻ nên giới hạn trong khoảng 20- 30 phút. Sau bữa ăn không để trẻ tiếp xúc với thức ăn, như vậy trẻ sẽ không bị chán ăn trong bữa tiếp theo;

    Cho trẻ vận động, chơi hoặc tắm trước khi ăn để trẻ có cảm giác đói;

    Cho trẻ ăn cùng bạn, cùng gia đình. Cha mẹ ăn thức ăn của trẻ hoặc cho trẻ ăn thức ăn của mình nếu phù hợp để động viên trẻ ăn. Khen thức ăn ngon, khen ngợi trẻ, khuyến khích trẻ để trẻ tự tin và thích thú khi ăn;

    Nên cho trẻ tự xúc ăn, tự cầm thức ăn để ăn và kết hợp hỗ trợ trẻ trong khi ăn;

    Không nên dùng các thuốc kích thích ăn ngon cho các trường hợp trẻ biếng ăn, có thể bổ sung vitamin và chất khoáng nếu chất lượng bữa ăn của trẻ chưa đảm bảo;

    Khi trẻ tăng trưởng tốt, không cần cho trẻ sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng vì các sản phẩm này không thể thay thế cho các thực hành ăn, uống hợp lý.

    Đưa trẻ đến cơ sở y tế khám nếu trẻ có các biểu hiện sau:

    ● Trẻ không tăng cân trong hai tháng liên tiếp;

    ● Trẻ biếng ăn trong một thời gian dài;

    ● Trẻ chậm chạp, không đùa nghịch;

    ● Trẻ bị ốm, sốt, ho, tiêu chảy, đau trong miệng, họng...

    Tài liệu “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” – Bộ Y tế ban hành theo QĐ số 5063/QĐ-BYT


    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ