Khởi phát chuyển dạ
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Ở hầu hết thai kỳ, chuyển dạ thường xảy ra tự nhiên trong giai đoạn từ 37 đến 40 tuần. Khi có chuyển dạ, cơ thể bạn sẽ có những thay đổi như:
- Cổ tử cung trở nên mềm hơn, xóa mỏng và mở ra, biểu hiện bởi chất dịch nhầy hồng thoát ra ở âm đạo.
- Bạn sẽ cảm nhận các cơn đau đều đặn, tăng dần, do sự co thắt của cơ tử cung.
- Màng ối có thể vỡ và chảy dịch ối.
Khi chuyển dạ xảy ra mà không có sự can thiệp của nhân viên y tế thì được gọi là chuyển dạ tự nhiên.
Khởi phát chuyển dạ là khi chủ động tạo ra cuộc chuyển dạ bằng sự can thiệp y khoa. Các phương pháp khởi phát chuyển dạ sẽ gây mềm cổ tử tử cung, kích thích tạo ra cơn co tử cung và thúc đẩy mở cổ tử cung. Khởi phát chuyển dạ được thực hiện khi thai phụ chưa có chuyển dạ tự nhiên nhưng có chỉ định chấm dứt thai kỳ bằng cách sinh ngả âm đạo.
Chỉ định thường gặp của khởi phát chuyển dạ:
- Thai quá ngày dự sinh.
- Chấm dứt thai kỳ vì sức khỏe thai: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, ối vỡ non, ối vỡ sớm, thiểu ối …
- Chấm dứt thai kỳ vì sức khỏe mẹ: tiền sản giật …
Các phương pháp khởi phát chuyển dạ hiện có:
Có nhiều cách để khởi phát chuyển dạ. Để lựa chọn phương pháp nào là phù hợp, bác sĩ cần khám âm đạo để kiểm tra tình trạng cổ tử cung tại thời điểm đó.
Dựa vào kết quả khám, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn một trong các phương pháp khởi phát chuyển dạ sau:
- Sử dụng hormone Prostaglandin tổng hợp (Propess)
- Phương pháp đặt bóng
- Lóc ối hoặc tia ối.
- Sử dụng hormone Oxytocin tổng hợp
Diễn tiến của khởi phát chuyển dạ khác nhau ở mỗi thai phụ. Đôi khi cần phối hợp nhiều phương pháp theo tuần tự để đạt được hiệu quả cao nhất.
1. Prostaglandin:
Là một hormone sinh lý của cơ thể, có tác dụng làm mềm cổ tử cung, kích thích cơn co tử cung và khởi phát sự chuyển dạ tự nhiên. Khi sử dụng hormone Prostaglandin tổng hợp dưới dạng thuốc, chúng sẽ có tác dụng tương tự. Thuốc được sản xuất để sử dụng bằng đường miệng hoặc đặt âm đạo.
Hiện nay, Dinoprostone (Propess đặt âm đạo) là loại prostaglandin được sử dụng để khởi phát chuyển dạ cho những trường hợp thai nhi có khả năng sống sau sinh. Ví dụ khi thai phụ có ối vỡ sớm nhưng không có chuyển dạ tự nhiên. Thuốc có tác dụng làm mềm và mở cổ tử cung, đồng thời khởi phát cơn co tử cung. Một vài trường hợp có thể cần sử dụng thêm thuốc tăng cơn co tử cung ở giai đoạn tiếp theo.
2. Phương pháp đặt bóng:
Sử dụng 1 catheter (một ống cao su dài), với 1 đầu được bơm lên thành 1 bóng nhỏ, đặt vào kênh cổ tử cung tạo một áp lực chèn lên cổ tử cung. Áp lực này có tác dụng làm mềm và mở cổ tử cung. Bóng được lưu ở cổ tử cung khoảng vài giờ cho đến khi nó rơi ra ngoài (cho thấy cổ tử cung đã mở) hoặc cho đến lần khám tiếp theo.
Ngoài ra, một dụng cụ khác có tác dụng tương tự như đặt bóng là Laminaria. Nó cũng có tác dụng khởi phát chuyển dạ khi được đặt vào cổ tử cung.
3. Tác động lên màng ối:
Lóc ối hoặc bấm ối sẽ kích thích cơ thể tổng hợp và giải phóng hormone prostaglandin nội sinh giúp làm mềm cổ tử cung và co thắt cơ tử cung.
Trong một số trường hợp, mẹ bầu chưa vào chuyển dạ nhưng cổ tử cung có mở một chút đủ để tiếp cận được với màng ối khi thăm khám. Bác sĩ thực hiện lóc ối hoặc bấm ối ở thời điểm khám sẽ có tác dụng khởi phát chuyển dạ.
4. Oxytocin:
Đây là một hormone tự nhiên của cơ thể, có tác dụng gây co thắt cơ tử cung tạo ra các cơn gò tử cung. Nồng độ hormone tăng lên khi có chuyển dạ. Sử dụng hormone oxytocin tổng hợp đưa vào cơ thể sẽ giúp khởi phát các cơn co tử cung, từ đó khởi phát chuyển dạ.
Nguy cơ khi khởi phát chuyển dạ là gì?
- Khởi phát chuyển dạ không thành công: Đôi khi, cổ tử cung không mở sau khi áp dụng một biện pháp khởi phát chuyển dạ. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ tiếp tục thảo luận với bạn về các lựa chọn khác như áp dụng thêm 1 phương pháp khởi phát chuyển dạ khác hoặc mổ lấy thai.
- Kích thích cơn gò tử cung quá mức: Một trong các tác dụng không mong muốn khi sử dụng hormone tổng hợp là gây cơn gò tử cung quá nhiều. Điều này gây stress cho cả thai phụ và thai nhi. Ngưng sử dụng thuốc (bằng cách ngưng truyền thuốc hoặc lấy thuốc ra khỏi âm đạo) có thể giúp giải quyết tình trạng này. Đôi khi cần mổ lấy thai cấp cứu để đảm bảo sức khỏe thai.
- Tăng nguy cơ vỡ tử cung, nhiễm trùng sau sinh, giúp sinh và mổ lấy thai.
Khi được đề nghị khởi phát chuyển dạ, bạn nên hỏi bác sĩ các vấn đề sau đây:
- Lý do cần khởi phát chuyển dạ là gì?
- Nguy cơ gì nếu tôi tiếp tục theo dõi thai kỳ cho đến khi có chuyển dạ tự nhiên?
- Khởi phát chuyển dạ bằng phương pháp nào?
- Nguy cơ khi thực hiện phương pháp này là gì?
Tham khảo:
https://www.acog.org/womens-health/faqs/labor-induction
https://ranzcog.edu.au/womens-health/patient-information-resources/induction-of-labour