Tôi có thể cho con bú mẹ ngay sau sanh mổ không?
Sau sanh, tôi nên bắt đầu cho con bú sữa mẹ khi nào? Bé mới sanh ra thì bú bao nhiều là đủ?
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu cho bé bú mẹ là trong vòng 1 giờ đầu tiên ngay sau sanh,
Sữa non chứa nhiều kháng thể tốt nhất cho hệ miễn dịch của bé sơ sinh. Bạn có thể đang thắc mắc rằng liệu một lượng sữa non rất ít như vậy có đủ cho bé. Thực ra, lượng sữa non tuy ít nhưng lại cung cấp nhiều năng lượng, phù hợp với dung tích dạ dày còn rất nhỏ của bé sơ sinh. Đối với những trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh trẻ đã có sẵn năng lượng dự trữ, nên mẹ không cần lo lắng.
Một em bé khỏe mạnh sanh đủ tháng thường thức trong 2 giờ đầu tiên sau sanh, ngay sau sanh bé được tiếp xúc da kề da với mẹ và ngậm bắt vú mẹ để lấy được những giọt sữa non đầu tiên; sau đó bé sẽ vào giai đoạn nghỉ ngơi, một số trẻ sẽ ngủ một giấc dài và chỉ thức dậy 1-2 lần. Trong ngày đầu tiên, bé sẽ ngủ rất nhiều, mẹ cần đánh thức bé dậy để bú mẹ nếu bé ngủ quá 4 giờ. Từ ngày thứ hai trở đi, trẻ sẽ thức nhiều hơn vì thế mẹ cần tăng số lần cho bú từ 8 đến 12 lần một ngày.
Tôi có thể cho con bú sữa mẹ sau sanh mổ không?
Các mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú sau sanh mổ. Ngay khi mẹ hồi tỉnh hoàn toàn và bé khỏe mạnh nằm bên cạnh mẹ, mẹ có thể bắt đầu cho con bú. Đối với các mẹ sau sanh mổ, có thể sẽ khó khăn trong việc vận động để tìm thấy tư thế thoải mái và ít tác động vết mổ nhất. Lúc này, nhân viên y tế hoặc người thân có thể giúp các mẹ thực hiện các động tác vận động tại giường để việc cho bé bú mẹ được dễ dàng.
Có nhiều tư thế cho con bú sữa mẹ thoải mái, các mẹ sanh mổ có thể áp dụng:
Tư thế nằm:
- Mẹ nằm nghiêng 1 bên và đặt bé ngay bên cạnh.
- Em bé nằm nghiêng hướng về mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ, sao cho tai – vai – hông bé phải nằm thẳng hàng.
- Mẹ có thể dùng gối để tựa đầu, tựa lưng và kẹp giữa 2 gối sao cho thoải mái nhất. Lưu ý gối tựa đầu của mẹ phải đảm bảo không được quá gần đầu hay mặt bé. Mẹ dùng 1 tay để chặn gối lại để gối ko chạm vào bé.
- Tay còn lại mẹ dùng hỗ trợ bé nằm đúng tư thế và nâng đỡ bầu vú để bé dễ dàng ngậm bắt vú.
- Cuộn khăn hoặc mền lót phía lưng bé để hỗ trợ bé nằm nghiêng bú được dễ dàng. Lưu ý cần lấy khăn/mền ra khỏi khi bé đã bú xong.
Tư thế ngồi hoặc tư thế nằm nửa ngồi: mẹ có thể ngồi trên giường, đặt một chiếc gối lên đùi, sau đó đặt bé lên gối giúp tránh được việc bé cử động chạm đến vết mổ. Cùng với sự trợ giúp của người thân mẹ hoàn toàn có thế cho bé bú sữa mẹ thành công.
Ảnh minh họa - Nguồn internet
Một số mẹ cho biết rằng sau sanh mổ họ dường như có rất ít sữa, sữa mẹ chậm về hơn so với các mẹ sanh thường hay so với lần sanh thường trước.
Điều này có thể lý giải được vì các mẹ sau sanh mổ phải chịu nhiều áp lực như: mệt mỏi, đau vết mổ, băn khoăn lo lắng về tình trạng sức khỏe, hơn nữa một số mẹ lại có cảm giác “có lỗi” với con vì sanh mổ hạn chế việc cho con bú mẹ sớm ngay trong 1 giờ đầu sau sanh.
Những áp lực này cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tạo và tiết sữa ở người mẹ.
Để cải thiện những vấn đề này mẹ có thể áp dụng:
- Ôm con và âu yếm con ngay khi hai mẹ con được gặp nhau sau sanh.
- Cho con bú mẹ thường xuyên, mỗi 3 tiếng, cả ngày lẫn đêm. Mẹ có thể thường xuyên áp dụng tư thế bú nằm trong ngày đầu tiên, tư thế này sẽ giúp bé được bú mẹ thường xuyên và mẹ đồng thời cũng được nghỉ ngơi nhiều.
- Trường hợp không có bé bên cạnh, người mẹ vẫn có thể bắt đầu việc nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách tập vắt sữa bằng tay ngay trong vòng 12 giờ đầu sau sanh. Trong 2 ngày đầu tiên, việc vắt sữa bằng tay mang lại hiệu quả cao hơn vắt sữa bằng máy. Kiên trì vắt sữa mỗi vài giờ sẽ giúp sữa mẹ mau về nhiều, giúp mẹ tránh được tình trạng căng tức vú đồng thời mẹ cung cấp được lượng sữa non cần thiết cho con. Xem cách hướng dẫn vắt sữa non bằng tay tại link sau: https://drive.google.com/file/d/1FVfmlEHuKUKd6UImd2TZW7YEJzhOQWHs/view?usp=sharing
- Khi việc đau vết mổ gây ảnh hưởng nhiều đến việc cho con bú, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn và sử dụng thuốc giảm đau.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sanh sẽ thuận lợi nhất đối với người mẹ sanh thường, trong trường hợp có chỉ định phải mổ lấy thai, người mẹ vẫn có cơ hội cho con bú mẹ ngay khi con chào đời bằng phương pháp da kề da (áp dụng cho những ca mổ gây tê, điều kiện sức khỏe mẹ và bé ổn định).
CNHS. Phạm Thu Hằng
Phòng Công tác xã hội
Tài liệu tham khảo:
American College of Nurse
Midwives http://www.midwife.org/Share-With-Women
https://www.fhs.gov.hk/english/health_info/faq/breastfeeding/