Tại sao con từ chối sữa mẹ trữ đông
CNHS Đinh Thị Huyền Trang lược dịch
Phòng Công tác xã hội
Con bạn vẫn đang uống sữa mẹ bình thường, và đến một ngày bạn trở lại với công việc và bắt đầu trữ đông sữa, thế nhưng con bạn không chịu uống sữa lấy ra từ sữa trữ đông đó nữa. Tại sao lại như vậy?
Sữa mẹ trữ đông có mùi chua
Một số bà mẹ nói rằng sữa trữ đông khi lấy ra cho con uống có mùi chua giống như sữa bò lên men. Nếu sữa của bạn trữ đông lấy ra cũng có mùi chua đó nhưng vị của nó không bị chua hoặc không bị hư thì sữa đó vẫn an toàn cho bé bú, chỉ là con không thích mùi chua đó nên con từ chối.
Nếu gặp tình trạng này, bạn hãy kiểm tra lại quy trình lưu trữ có đảm bảo an toàn chất lượng sữa không nhé:
Hộp đựng:
- Bình thủy tinh hoặc nhựa tiêu chuẩn để đựng sữa mẹ. Vật liệu tốt nhất là thủy tinh hoặc nhựa cứng trữ thực phẩm polypropylene hoặc polybutylene. Nhựa polyetylen không bảo quản tốt bằng.
- Nếu bạn đang sử dụng các loại túi/ chai nhựa tiêu chuẩn, hãy thử sử dụng các loại túi được thiết kế đặc biệt để đựng sữa mẹ.
- Nếu bạn đang bảo quản bằng nhựa, hãy thử bằng thủy tinh.
Điều kiện bảo quản:
- Nếu sữa vắt ra và chưa có dự định dùng trong vòng 4 ngày thì hãy đông lạnh càng sớm càng tốt sau khi vắt. Sau khi rã đông thì nên sử dụng càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ.
- Đảm bảo rằng tất cả các gói sữa trong tủ lạnh hoặc tủ đông của bạn được đậy kín để sữa của bạn không thể hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác. Một số mẹo giúp hút bớt mùi trong tủ lạnh hoặc tủ đông bạn có thể thử như đặt vào hộp baking soda, ở Việt Nam có thể dùng vỏ bưởi/quýt.
- Bảo quản sữa của bạn ở phía TRÁI của tủ lạnh hoặc tủ đông, không phải ở cửa ra vào. Không để sữa bảo quản dựa vào thành của tủ.
- Tủ đông của bạn có đủ lạnh không? Nếu được bạn hãy trang bị thêm nhiệt kế tủ lạnh/ tủ đông để đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ bảo quản
Sữa mẹ trữ đông có mùi xà phòng?
Một số bà mẹ nói rằng sữa của họ sau trữ lạnh hoặc trữ đông có mùi xà phòng, mùi hắc rất khó chịu mặc dù đã tuân thủ đúng hướng dẫn bảo quản sữa mẹ. Đó cũng là lý do con từ chối sữa mẹ.
Theo Lawrence & Lawrence, có thể sữa của những bà mẹ này dư thừa enzyme Lipase, enzyme này phân hủy chất béo trong sữa ngay sau khi vắt sữa. Hầu hết trẻ sơ sinh không bận tâm đến sự thay đổi mùi vị nhẹ và sữa có nhiều Lipase này không có hại, nhưng mùi vị càng mạnh thì khả năng từ chối của trẻ sẽ cao.
Lipase là một loại enzyme thường có trong sữa mẹ và có một số chức năng có lợi như:
+ Lipase giúp giữ cho chất béo trong sữa được trộn đều (được nhũ hóa) với phần “whey” của sữa, và cũng giúp phân nhỏ các phân tử chất béo để trẻ dễ tiêu hóa
+ Lipase cũng giúp phân hủy chất béo trong sữa, do đó các chất dinh dưỡng khác có thể hòa tan trong chất béo (ví dụ như vitamin A & D) và các axit béo tự do giúp tăng cường đề kháng cho trẻ bú mẹ.
Làm gì nếu sữa lưu trữ của tôi dư thừa Lipase?
Hầu hết trẻ sơ sinh đều từ chối sữa mẹ có nhiều lipase. Bạn có thể thử một số cách sau để giúp bé ăn ngon hơn:
Trộn sữa đông lạnh hâm nóng và sữa mới vắt:
Cách này có khả năng thành công cao nhất. Bạn bắt đầu cử ăn của bé bới một ly sữa mới vắt ra và thêm một ít sữa trữ đông làm ấm. Nếu bé chịu ăn thì lần tiếp theo hãy thêm nhiều sữa trữ đông một ít cho đến khi em bé từ chối hoặc bạn được dung dịch một nửa sữa mới/ một nửa sữa mẹ trữ đông. Đây có thể là một việc khá phức tạp và bạn phải thực hiện thường xuyên cho đến khi sử dụng hết lượng sữa trữ đông của mình.
Thêm một giọt vani không cồn
Một số bà mẹ đã chia sẻ rằng con họ chịu ăn sữa lipase khi cho một giọt vani không cồn vào đó. Hiện tại chưa có nghiên cứu nào nói về độ an toàn của phương pháp này, tuy nhiên các bà mẹ thực hiện phương pháp này đều được sự đồng ý từ bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn muốn thử hãy xin ý kiến từ bác sĩ nhi khoa nhé.
Thử sữa đông lạnh từ một thời điểm khác:
Nếu bạn đã trữ đông một lượng lớn sữa mẹ đã hút trong nhiều tháng, hãy thử sữa của nhiều khoảng thời gian khác nhau, đừng bỏ cuộc sau khi thử vài bình.
Đôi khi sữa mới hơn có thể không ảnh hưởng, nhưng đôi khi sữa cũ lại ổn hơn. Đôi khi sữa cấp đông ngay lập tức sau khi vắt và sữa để trong tủ lạnh vài ngày mới cấp đông cũng có sự khác biệt. Phương pháp này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và đôi khi có cả thất vọng của cả mẹ và con để tìm ra túi sữa mà trẻ chịu uống.
Thử cho bé ăn vào buổi sáng
Bạn có thể thử cho trẻ ăn sữa lipase (có thể pha loãng hoặc không) vào buổi sáng khi trẻ đói nhất để xem trẻ có chấp nhận hay không. Nếu trẻ từ chối nhận thì bạn hãy cho trẻ uống sữa mới. Nếu trẻ chấp nhận thì phương pháp này dễ dàng thực hiện hơn so với việc liên tục trộn sữa đông lạnh với sữa mới.
Thử làm ấm sữa hơn.
Hãy thử làm ấm sữa hơn bình thường để xem có hiệu quả với trường hợp của bạn không. Một số mẹo cho rằng đun nóng sữa ở nhiệt độ 820C hoặc khi thấy có ít bọt xung quanh mép nồi có thể khử hoạt tính của lipase, tuy nhiên một số khuyến cáo cho rằng việc đun trên bếp sẽ làm giảm kháng thể trong sữa.
Tiếp tục cố gắng
Ngay cả khi không có phương pháp nào hiệu quả với bạn, hãy cố gắng và đừng bỏ cuộc. Trẻ sơ sinh thay đổi rất nhanh. Nếu con từ chối vào tháng 6 hãy lấy sữa ra thử cho con vào tháng 7. Hoặc khi con bắt đầu ăn dặm, bạn có thể trộn một ít sữa mẹ vào thức ăn như một cách sử dụng sữa. Bạn cũng có thể hiến tặng sữa trữ đông của mình cho ngân hàng sữa mẹ.
Sữa của tôi có mùi ôi thiu?
Nếu sữa mẹ trữ đông của bạn có mùi ôi thiu, nguyên nhân có thể là do oxy hóa hóa học chứ không phải lipase. Việc oxy hóa này có thể xảy ra do mẹ bổ sung các chất béo không bão hòa đa thể từ thực phẩm hoặc do các ion sắt, ion đồng tự do trong nước uống của mẹ. Một vài thực phẩm không bão hòa đa thể gây mùi ôi thiu cho sữa mẹ là hạt nguyên cám, dầu, gạo lứt…
Một số gợi ý để giảm mùi ôi thiu trong sữa mẹ:
+ Kiểm tra nguồn nước uống của bạn.
+ Tránh dầu cá và các chất bổ sung từ hạt lanh và các thực phẩm như cá cơm.
+ Tăng cường các loại thực phẩm có chất chống oxy hóa như beta carotene và vitamin E.
Nếu bạn có quá nhiều sữa trữ đông và sau khi thử các cách mà con bạn vẫn không chấp nhận. Hãy cân nhắc tặng sữa đó cho Ngân hàng sữa mẹ, Lipase và các vấn đề về mùi vị khác không phải là vấn đề đối với ngân hàng sữa.
Khuyến cáo rằng nếu trẻ từ chối sữa trữ đông, các bà mẹ hãy cố gắng cho trẻ bú mẹ trực tiếp hoặc sữa mới vắt, hoặc cung cấp cho trẻ sữa đông lạnh dưới 7 ngày. Tuy nhiên đảm bảo nhu cầu của bé đồng thời phù hợp với cuộc sống của cha mẹ.
Nếu gặp những vấn đề trên, các bà mẹ hãy đừng căng thẳng, hít thở sâu, yêu cầu sự hỗ trợ từ gia đình, ôm con vào lòng và cho bú khi có thể.
Nguồn tham khảo
https://milk-drunk.com/why-baby-rejecting-frozen-stored-breast-milk/
https://exclusivepumping.com/high-lipase-breastmilk/
https://kellymom.com/bf/pumpingmoms/milkstorage/lipase-expressedmilk/