Xuất huyết giữa chu kỳ

    Xuất huyết giữa chu kỳ là hiện tượng chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí khi đang mang thai. Máu thường có màu đỏ nhạt hoặc nâu sẫm như ở đầu hoặc cuối kỳ kinh, nhưng tùy thuộc vào nguyên nhân mà có thể giống với máu kinh thông thường. Lượng máu có thể  đủ nhiều để cần phải sử dụng băng vệ sinh, nhưng cũng đôi khi chỉ là những vết lốm đốm. 

    Điều gì gây ra hiện tượng xuất huyết giữa chu kỳ?

    Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra hiện tượng này, có thể kể đến như sau:

    1. Các phương pháp tránh thai sử dụng nội tiết:

    Hiện tượng này thường gặp trong vài tháng đầu tiên bắt đầu tránh thai nội tiết, chẳng hạn như dùng viên uống tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ có progestin, miếng dán tránh thai, cấy que, tiêm thuốc tránh thai, hoặc sử dụng vòng tránh thai nội tiết.

    Xuất huyết giữa chu kỳ cũng có thể xảy ra khi bạn quên uống viên tránh thai, nôn hoặc tiêu chảy liên tục làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu hormone của cơ thể, hoặc dùng thuốc tránh thai kéo dài để tránh kinh.

    Tương tự như vậy, bạn cũng có thể mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng hoặc thay đổi chế độ ăn uống. Điều này khá bình thường và bạn không cần quá lo lắng.

    Bên cạnh đó, đối với những bé gái mới bắt đầu có kinh hoặc phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh thì kinh nguyệt thường không đều. Đôi khi, việc ra kinh sớm có thể khiến bạn dễ nhầm lẫn với hiện tượng ra máu bất thường giữa kỳ kinh.

    Xuất huyết bất thường do tránh thai bằng nội tiết tố có thể không nguy hiểm và tự biến mất theo thời gian, nhưng bạn nên thăm khám bác sĩ nếu hiện tượng này kèm theo các triệu chứng bất thường khác như đau bụng, tức ngực, chảy máu nhiều, thay đổi thị lực, hoặc xảy ra nhiều lần trong chu kỳ kinh. 

    2. Mắc bệnh lây qua đường tình dục hoặc tình trạng viêm nhiễm khác

    Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) như chlamydia và bệnh lậu có thể gây chảy máu đột ngột. Đôi khi, nó cũng có nguyên do từ tình trạng viêm nhiễm khác, chẳng hạn như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, bệnh viêm vùng chậu.

    Cùng với xuất huyết đột ngột, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu như đau hoặc rát vùng chậu, nước tiểu đục, tiết dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi hôi. Trong trường hợp này, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến vô sinh và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. 

    3. Lạc nội mạc tử cung

    Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản… Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên vô sinh ở phụ nữ, với gần 2/5 phụ nữ có lạc nội mạc tử cung không thể có thai tự nhiên.

    Nếu bạn gặp các triệu chứng bất thường như đau bụng trước và trong khi hành kinh, đau khi quan hệ tình dục, kinh nguyệt ra nhiều kéo dài… thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

    Hình minh họa - nguồn internet

    4. Một số nguyên nhân khác

    Có khá nhiều nguyên nhân gây xuất huyết bất thường giữa kỳ kinh. Do đó, bên cạnh những nguyên nhân chính kể trên thì bạn cần lưu ý thêm một số nguyên nhân khác, bao gồm polyp phát triển trong lòng tử cung, u xơ tử cung, mang thai ngoài tử cung hoặc xuất huyết do động thai, dọa sẩy thai.

    Chấn thương khiến âm đạo bị tổn thương có thể gây chảy máu giữa chu kỳ, đặc biệt là khi quan hệ tình dục. Điều này thường xảy ra đối với phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh bị khô âm đạo. 

    Bạn nên làm thế nào khi bị xuất huyết giữa kỳ kinh?

    Tùy thuộc vào nguyên nhân gây xuất huyết bất thường giữa kỳ kinh mà sẽ có hướng xử lý phù hợp. Trong trường hợp bị nhiễm trùng hay mắc các bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hay đôi khi phẫu thuật để điều trị. Nếu hiện tượng này có nguyên do từ biện pháp tránh thai bạn sử dụng, có thể bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp tránh thai khác.

    Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng xuất huyết xảy ra thường xuyên, gây khó chịu. Hoặc nếu nó có kèm theo các triệu chứng bất thường khác, cách tốt nhất là bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

    Hoa Phượng

    Lược dịch

    Tài liệu tham khảo:

    https://www.medicalnewstoday.com

    https://www.healthline.com/health/womens-health/breakthrough-bleeding#causes

    Hoa Phượng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ