18/02/2022

Đau vùng chậu mạn tính ở phụ nữ

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Phòng Công tác xã hội

Đau vùng chậu mạn tính (hay đau vùng chậu kéo dài) là tình trạng thường gặp, ảnh hưởng đến gần 1/6 phụ nữ. Biểu hiện bởi đau vùng bụng dưới hoặc vùng chậu trong thời gian kéo dài hơn 6 tháng. Đau có thể liên tục hoặc từng đợt, đôi khi có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, hoặc xuất hiện ở một thời điểm nhất định như trước hoặc sau ăn, khi đi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục.

Có nhiều nguyên nhân gây nên đau vùng chậu mạn tính. Phần lớn nguyên nhân gây đau có liên quan với cơ quan sinh sản như tử cung, vòi trứng, buồng trứng; nhưng cũng có một số nguyên nhân thuộc về các cơ quan khác như ruột, đường tiểu, cơ xương khớp …

Một số nguyên nhân gây đau vùng chậu thường gặp:

  • Bệnh lý lạc nội mạc tử cung

    Hình minh họa - nguồn internet

  • Bệnh lý viêm vùng chậu
  • Viêm bàng quang
  • Dính vùng chậu do di chứng của tình trạng nhiễm trùng, phẫu thuật trước đó hoặc do bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
  • Sa các tạng vùng chậu
  • Chèn ép hoặc tổn thương các dây thần kinh vùng chậu.
  • Đau do cơ, xương, khớp, dây chằng vùng chậu.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Chấn thương vùng chậu.
  • Trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh.

Phần lớn các nguyên nhân gây nên đau vùng chậu mạn tính không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, tuy nhiên về lâu dài, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tìm nguyên nhân gây đau là một bước quan trọng để điều trị có hiệu quả.

Làm thế nào để chẩn đoán nguyên nhân gây đau vùng chậu mạn tính?

Bệnh sử đau cũng như các triệu chứng khác có liên quan sẽ được ghi nhận nhằm định hướng nguyên nhân. Bên cạnh đó, bạn cần được khám bụng và khám vùng chậu qua ngả âm đạo để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường khác.

Một số xét nghiệm có thể cần được thực hiện để xác định nguyên nhân:

  • Xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng vùng chậu (đếm tế bào máu, soi nhộm dịch âm đạo, xét nghiệm nước tiểu …)
  • Siêu âm vùng chậu: thường sử dụng siêu âm qua ngả âm đạo để kiểm tra các cơ quan vùng chậu như tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng …
  • Chụp MRI vùng chậu: cũng có tác dụng khảo sát các cấu trúc và cơ quan ở vùng chậu.
  • Đôi khi bạn được yêu cầu nội soi ổ bụng để chẩn đoán đối với các tình trạng khó nhận biết nếu chỉ dựa vào lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh khác. Nội soi ổ bụng cũng đồng thời được chỉ định để giải quyết một số nguyên nhân gây đau như lạc nội mạc tử cung, dính vùng chậu nặng …
  • Soi bàng quang, soi đại trực tràng nếu nghi ngờ nguyên nhân gây đau thuộc về các cơ quan trên.

Để giải quyết đau vùng chậu mạn tính cần điều trị đúng nguyên nhân gây đau. Với một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân hoặc nguyên nhân chưa được giải quyết, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau dưới đây:

  • Thuốc giảm đau: Các thuốc NSAIDs có thể giúp giảm đau, đặc biệt trong trường hợp thống kinh hoặc đau do lạc nội mạc tử cung. Acetaminophen cũng có thể giảm đau trong một số trường hợp.
  • Các liệu pháp vật lý như bấm huyệt, châm cứu và một số liệu pháp kích thích thần kinh có thể giúp giảm đau do các nguyên nhân thần kinh, cơ xương.
  • Dinh dưỡng và thay đổi lối sống: Một chế độ ăn giàu vitamin B1, magnesium kết hợp với tập luyện đều đặn một số bài tập có thể giúp giảm đau vùng chậu.
  • Khi đau không giải quyết được bằng các biện pháp khác, có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ hoặc phá hủy dây thần kinh dẫn tín hiệu đau đến các cơ quan vùng chậu.

 

Tham khảo:

https://www.acog.org/womens-health/faqs/chronic-pelvic-pain

https://www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/long-term-pelvic-pain/