banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

25/07/2023

Huyết khối tĩnh mạch - Sát thủ thầm lặng cần cảnh giác, đặc biệt ở phụ nữ mang thai

BS. CK2. Bùi Thị Hồng Nhu
P. Công tác xã hội

Sáng 19/7 cả bệnh viện nhẹ nhõm sau khi thực hiện thành công ca mổ cho chị N với một chuỗi ngày căng thẳng, lo lắng với nguy cơ bệnh nhân bị tử vong ngay trên bàn mổ.

Ngày 13/7, Chị N.T.N 37 tuổi, nhà ở Vũng Tàu đến khám và nhập bệnh viện Từ Dũ với chẩn đoán con to, vết mổ cũ theo dõi huyết khối tĩnh mạch 2 chi dưới/thai 36 tuần 5 ngày.

Trước nhập viện hơn 1 tháng chị N thấy 2 chân sưng đau vùng đùi nhiều hơn ở chân trái, sau đó chị N có đi khám ở cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán bị suy van tĩnh mạch và không can thiệp gì, dặn bệnh nhân theo dõi và điều trị sau sanh. Sau 2 tuần chị N thấy tình trạng chân sưng đau ngày càng nhiều hơn nên đến bệnh viện Từ Dũ khám và nhập viện.

Chị N mang thai lần thứ 3 với tiền căn một lần sanh thường bé cân nặng 3500g và 1 lần mổ lấy thai bé cân nặng 4200g, cả 2 bé nay đã lớn (16 tuổi và 11 tuổi) nên chị chủ động sanh thêm bé nữa. Chị khám thai đều đặn tại địa phương có làm các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai (NIPT) và xét nghiệm tổng quát của mẹ không ghi nhận bất thường. Siêu âm hình thái và xét nghiệm dung nạp đường OGT cũng không phát hiện bất thường.

Sau khi nhập viện chị N được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy siêu âm mạch máu phát hiện tắc hoàn toàn tĩnh mạch kheo, tĩnh mạch hiển lớn và hiển bé chân trái do huyết khối kèm với tình trạng viêm mô tế bào vùng đùi 2 bên. Bệnh viện nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu sử dụng kháng đông Lovenox và theo dõi sát. 

Với tình trạng ghi nhận thai nhi to vượt ngưỡng kèm với tình trạng đa ối, Chị N được theo dõi sát đường huyết đói, đường huyết trước và sau ăn, HbA1C. Các xét nghiệm này cao vượt ngưỡng nên tiến hành hội chẩn với chuyên khoa nội tiết bệnh viện Chợ Rẫy. Chị N được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ và được điều trị tiêm Insulin (Novomix) sáng và tối. Tình trạng viêm mô tế bào ở bệnh nhân tiểu đường thai kỳ thường đáp ứng kém với điều trị nên bác sĩ phải sử dụng loại kháng sinh mạnh phối hợp để điều trị trong trường hợp này (Vancomycin + Sulbactam) nhằm hy vọng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. 

Sau 4 ngày điều trị (ngày 18/7) tình trạng viêm mô tế bào vẫn chưa cải thiện nhiều nên bệnh viện tiến hành hội chẩn lại với Chuyên khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định thay đổi 1 loại kháng sinh khác mạnh hơn nữa (Vancomycin + Imipenem) đánh giá đáp ứng sau 48 giờ và có thể tiến hành mổ lấy thai sau 24 giờ. Theo dõi sát nồng độ đáy và nồng độ đỉnh Vancomycin trong máu để chỉnh liều thuốc tốt nhất (AUC >400). 

Đối với bệnh nhân đang có nhiều huyết khối ở tĩnh mạch mà phải tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai thì phải đối diện với nguy cơ các cục huyết khối này nhanh chóng di chuyển về tim (vì ngay sau khi lấy bé ra ngoài tử cung, giảm áp lực chèn ép lên tĩnh mạch, máu tĩnh mạch dồn về tim kèm với huyết khối) và lên phổi gây thuyên tắc phổi và có thể ngưng tim ngay trên bàn mổ hay bất cứ lúc nào sau đó. 

Ngày 19/7 bệnh viện lên kế hoạch thật chi tiết, phối hợp chặt chẽ giữa ekip sản khoa và gây mê hồi sức tiến hành mổ lấy thai. Ngưng sử dụng kháng đông trước mổ 12 giờ để giảm bớt nguy cơ chảy máu không kiểm soát được trong khi mổ. Cuộc mổ tiến hành lúc 8g30, sau khi mổ bắt ra 1 em bé trai cân nặng 5300g, ekip nhanh chóng kiểm soát tình trạng hô hấp, tuần hoàn, tình trạng mất máu, co hồi tử cung…và cuộc mổ đã thành công tốt đẹp. Cả ekip thở phào nhẹ nhỏm và vui mừng cho sức khỏe của chị N đã tạm thời vượt qua thời điểm nguy kịch nhất trong thời khắc vượt cạn lần này.

Sau mổ 24 giờ, chị N hoàn toàn tỉnh táo, không sốt, Mạch& huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu đã được kiểm soát. Vết mổ khô, huyết âm đạo ít. Các bác sĩ quyết định sử dụng lại kháng đông để tiếp tục ngăn ngừa tình trạng thuyên tắc do huyết khối tĩnh mạch.

 

Sau mổ 3 ngày, chân chị N bớt sưng đỏ nhiều và không còn đau như lúc trước nữa, có thể vận động tại giường một cách thoải mái hơn và bắt đầu tập đi. Vết mổ cũng không còn đau nữa, ăn uống được nhiều loại thức ăn hơn. Chị N vẫn tiếp tục được điều trị kháng sinh phối hợp, loại mạnh nhất, với liều cao, kéo dài để ngăn ngừa nhiễm trùng và sử dụng Insiline để ổn định đường huyết.

Sáng ngày 25/7 đại diện ekip phẩu thuật – Bs Trưởng khoa Sản A, Bs Trưởng khoa hậu sản H và Bs Trưởng phòng Công tác xã hội đại diện bệnh viện đến thăm và gởi lời chúc mừng đến chị N cùng gia đình đã may mắn vượt cạn thành công với nhiều khó khăn thử thách hơn các trường hợp khác.

Qua đây, bệnh viện cũng xin cảnh báo là có rất nhiều trường hợp có huyết khối tĩnh mạch mà không có biểu hiện trên lâm sàng nên người bệnh và nhân viên y tế đều không phát hiện ra làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi trước trong và sau sinh. Bệnh viện Từ Dũ cũng đã tổ chức nhiều hội thảo với chuyên đề huyết khối tĩnh mạch trong sản khoa nhằm đẩy mạnh công tác sàng lọc và điều trị dự phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra. 

Chúc cho tất cả các mẹ bầu đều có sức khỏe thật tốt và vượt cạn thành công – Mẹ tròn con vuông!