10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Khám Thai

Hỏi - 10/08/2010

Tính đến thời điểm này, em mang thai được 32 tuần. Tuần vừa rồi em có đi khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ, siêu âm màu thì bác sĩ nói có hiện tượng dây rốn quấn cổ, thai ngôi mông chưa thuận. Xin bác sĩ tư vấn giúp em có cách nào để em bé quay đầu thuận và hiện tượng dây rốn quấn cổ như thế liệu em có sinh thường được không? Xin cảm ơn bác sĩ!

Trả lời

Chào bạn,

Ngôi thai (mông, đầu hay ngang) là do thai nhi tự bình chỉnh. Việc bình chỉnh này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ngôi mông (ngôi nghịch) thường kèm theo 1 trong những  yếu tố sau: 

  1. Tuổi thai: tuổi thai càng gần ngày sinh, tỉ lệ ngôi đầu (thuận) càng cao.
  2.  
  3. Kích thước đầu và mông thai nhi: những thai nhi có đầu lớn hơn mông thường là ngôi mông.
  4.  
  5. Tử cung: dạng hai sừng hay hình tim, tử cung đôi, tử cung có nhân xơ, có  vách ngăn.
  6.  
  7. Nhau: bám thấp hay nhau tiền đạo.
  8.  
  9. Ối: lượng ối ít quá hay đa ối.
  10.  
  11. Dây rốn: quấn cổ, dây rốn ngắn.
  12.  
  13. Khung chậu: giới hạn, hẹp hay méo.
Ngôi mông hay ngôi nghịch là sinh khó. Do vậy, những năm trước 1960, có phương  pháp để chuyển ngôi mông thành ngôi đầu gọi là ngọai xoay thai. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh dùng hai tay đặt bên ngoài thành bụng mẹ để nắn phần thai và xoay dần từ ngôi mông thành ngôi đầu, sau đó ép hai gối hai bên và cột cố định lại. Phương pháp này dễ gây tai biến là nhau bong non hoặc suy thai, vì vậy ngày nay không  được dùng phương pháp ngoại xoay thai trong thực hành sản khoa nữa.

Thai bạn hiện tại 32 tuần, cơ hội thai tự bình chỉnh thành ngôi đầu vẫn còn. Nhiều trường hợp thai lớn lên có thể tự xoay lại thành ngôi thuận. Nếu đến ngày sinh vẫn là ngôi mông thì bạn cũng có thể sinh ngã âm đạo được với những điều kiện sau:

     
  1. Ước tính cân nặng thai không to (con so < 3000g, con rạ < 3200g).
  2.  
  3. Đầu thai nhi cúi tốt.
  4.  
  5. Chỉ số ối bình thường qua siêu âm.
  6.  
  7. Khung chậu mẹ bình thường.
  8.  
  9. Diễn tiến chuyển dạ thuận lợi (cổ tử cung mở tốt, không bị ối vỡ sớm,thai  không suy…)

Dây rốn nối liền từ bánh nhau đến rốn thai nhi nằm trước bụng, bên trong dây rốn có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Chiều dài dây rốn trung bình từ 30 – 60 cm. Nhiệm vụ dẫn các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai và đưa những chất thải từ thai qua mẹ. Do thai nhi xoay trở, cử động trong buồng ối nên dây rốn có thể quấn cổ, quấn thân thai nhi. Nếu dây rốn quấn cổ hoặc quấn thân thai nhi sẽ làm chiều dài từ nhau đến thai ngắn lại, ảnh hưởng đế sự bình chỉnh ngôi thai và tiến trình chuyển dạ. Nếu dây rốn quấn cổ quá chặt hoặc nhiều vòng gây ảnh hưởng sự lưu thông máu bên trong dây rốn và hậu quả là suy  thai.

Trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp dây rốn quấn cổ vẫn chuyển dạ bình thường, sau sinh bé khỏe. Nếu là ngôi mông có kèm dây rốn quấn cổ nên mổ lấy thai vì sợ đầu bé không cúi tốt dễ gây kẹt đầu hậu lúc sinh. Nếu là ngôi thuận có thể theo dõi chuyển dạ bình thường, cần theo dõi sát tim thai trong suốt tiến trình chuyển dạ. Trong thai kỳ, người mẹ cần theo  dõi cử động thai mỗi ngày. Chúc bạn và bé khỏe mạnh

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ