tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
27tháng 03

Chào em,

- Thông tin em cung cấp quá thiếu: thai 9 tuần là tính đến ngày tháng nào? Em nổi ban là ngày 20 của tháng nào...?

- Kết quả xét nghiệm em làm vào ngày thứ mấy tính từ lúc nổi ban? (ví dụ em nổi ban ngày 11/2/2011. Em làm xét nghiệm ngày 15/11/2011) em phải nói rõ như vậy. Kết quả xét nghiệm em kể có lẽ em đã đánh máy sai vì cả 2 kết quả em đều ghi là IGG, đúng ra phải là IgM và IgG.

--->Vậy muốn chẩn đoán chính xác em cần đi khám ngay và mang toàn bộ xét nghiệm đã có theo, nhớ là đi ngay, vì nều trễ sẽ bỏ qua mất thời điểm xét nghiệm chẩn doán chính xác bệnh.

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Thùy Trang thân mến.

- Nếu chỉ nói về khám thì không mất nhiều thời gian hơn khám phụ khoa thông thường, tuy nhiên việc hỏi bệnh sẽ lâu hơn, cặn kẽ hơn, việc cho đi xét nghiệm cũng sẽ nhiều hơn, đặc biệt là việc   đọc kết quả và giải thích kết quả xét nghiệm (nếu có bất thường) sẽ lâu hơn.

- Chi phí khám là như nhau, nhưng chi phí xét nghiệm sẽ khác nhau, tùy thuộc loại xét nghiệm em cần làm, nên không trả lời cụ thể được.

-  Lưu ý khi đi khám: mang tất cả hồ sơ có liên quan đến sức khỏe bản thân, thai kỳ trước đó đã có theo (của cả 2 vợ chồng), nên đi khám vào lúc vừa sạch kinh, tốt nhất nên đi cả 2 vợ chồng để nếu cần bác sĩ hỏi và cho kiểm tra thêm người chồng luôn. 

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

- Nếu muốn biết thai có vấn đề gì không thì cần khám thai đều đặn, siêu âm định kỳ đặc biệt là những mốc quan trọng ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa, cần làm đủ các xét nghiệm tầm xoát trong thai kỳ mới sơ bộ trả lời thai bình thường hay không được.Chỉ với thông tin em cung cấp: thai 39   tuần, dư ối, thì không trả lời thai có vấn đề hay không được.

- Thai chưa xoay đầu là thai chưa thuận, tuy nhiên thai là ngôi ngang hay ngôi mông? Kích thước các số đo của thai là bao nhiêu? Còn khung chậu của em nữa? Có rộng rãi không? Em cần cung cấp đầy đủ thông tin bác sĩ mới trả lời cụ thể được. Với những gì em cung cấp, bác sĩ chỉ có thể nói rằng thai em khó sanh thường được, có thể sẽ phải mổ lấy thai.

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

- Với kết quả Triple test bình thường, nghĩa là thai của em được xếp vào nhóm an toàn, không lo lắng về nguy cơ em bé bị hội chứng Down. Tuy nhiên, còn nguy cơ về 2 nhóm bệnh nữa thì không thể trả lời bằng xét nghiệm Triple test được, đó là :

                                        * Nhiễm trùng trong thai kỳ : ví dụ nhiễm Rubella chẳng hạn, phải xét nghiệm máu cho loại bệnh này mới biết được.
                                        * Nguy cơ em bé bị Thalassemia: phải xét nghiệm huyết đồ mới có gợi ý về bệnh này được.

- U nang của em nếu bác sĩ quyết định không phẫu thuật trong lúc mang thai thì cần được theo dõi kỹ, nếu u có biến chứng( xoắn, vỡ, nghi ngờ ác tính...) thì sẽ mổ ngay, nếu mổ u khi thai đã đủ trưởng thành thì em bé không sao, nhưng nếu mổ u khi thai còn non tháng, lỡ có sanh non (mặc dù ít khi) thì em bé dễ bị ảnh hưởng không tốt của thai non tháng .

- Nếu tất cả cuộc sanh diễn ra bình thường, em cần đi khám kiểm tra u nang sau sanh, trong thư em không nói rõ tính chất của u qua mô tả của siêu âm (điều này cũng rất quan trọng trong việc đánh giá u có nghi ngờ ác tính hay không). 

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Bạn Thư thân mến,

Độ trưởng thành của nhau được xếp theo độ vôi hóa bánh nhau. Nhau vôi hóa càng nhiều thì độ trưởng thành càng cao, độ trưởng thành nhau thay đổi theo tuổi thai. Theo nhiều nghiên cứu, các tác giả nhận thấy rằng: với những thai phụ có bệnh lý mạch máu, cao huyết áp, tiểu đường, mang thai lần đầu… thì độ vôi hóa tăng. Người đã sinh nhiều lần thì độ vôi hóa có giảm. Nếu nhau vôi hóa quá nhiều thì có ảnh hưởng đến lưu lượng tuần hoàn nhau thai và có thể ảnh hưởng đến sự  phát triển thai nhi.

Thông thường với thai 24 tuần, nhau trưởng thành độ 0 hoặc độ 1. Trường hợp của bạn, thai 24 và nhau trưởng thành độ 2, bạn cần kiểm tra sức khỏe xem có bệnh lý gì kèm hay không. Nếu không có vấn đề gì thì bạn cần dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước. Việc theo dõi sự  phát triển thai nhi qua khám lâm sàng và siêu âm định kỳ là cần thiết.

Thân ái. 

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Mai thân mến,

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là cần thiết. Lần đầu tiên khám thai bạn được xét nghiệm nước tiểu nhằm đánh giá những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai như: bệnh lý về thận, nhiễm trùng tiểu... Khi thai > 20 tuần bạn được xét nghiệm lại mỗi tháng để đánh giá thêm về nguy cơ tiền sản giật (có đạm niệu và cao huyết áp).

Thai kỳ có tiền sản giật là thai kỳ nguy cơ cao. Nếu không được xử trí hợp lý và kịp thời có thể diễn biến xấu: tiền sản giật nặng hoặc sản giật, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mẹ và con.

Thân ái. 

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

U nang buồng trứng type III thường là u bì buồng trứng dạng lành tính. Hiện tại thai 22 tuần, với kích thước 35 x 37mm là nhỏ, có thể theo dõi tiếp tục thai kỳ, không dùng thuốc để điều trị u. Thường u buồng trứng như trên không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, ngoại trừ khi u bị xoắn gây đau dữ dội và cần phải mổ cấp cứu. Sau sinh khám phụ khoa để điều trị phù hợp. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Với xét nghiệm rubella 2 lần như vậy có thể lý giải như sau:

Rubelle: IgM âm tính cả 2 lần và IgG dương tính (lần sau tăng hơn lần trước khoảng 3 lần) thời gian cách 10  ngày. Như vậy bạn đã nhiễm rubella trước lần xét nghiệm thứ 1 khoảng 10  – 12 tuần nên IgM đã trở về âm tính và IgG  tiếp tục gia tăng. Vào thời điểm nhiễm bệnh bạn chưa mang thai. Biết rằng nhiễm rubella có 50% trường hợp không thể hiện triệu chứng lâm sàng.

Triệu chứng sốt phát ban lúc thai 5  tuần là do nguyên nhân khác như sởi, hồng ban trẻ thơ, nhiễm parovirus, sốt  tinh hồng nhiệt, dị ứng…

Tóm lại bạn có thể tiếp tục thai kỳ. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Theo mô tả của bạn thì bạn có hiện tượng sốt phát ban khi thai được 5 tuần tuổi. Những bệnh lý khác nhau có thể gây sốt phát ban như sởi, hồng ban trẻ thơ, nhiễm parovirus, sốt tinh hồng nhiệt, dị ứng… Trong đó có 1 số nguyên nhân có thể gây sẩy thai. Tuy nhiên chỉ  có rubella là gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. 

XN Rubella lúc thai 6 tuần IgM âm tính và Ig G dương tính (24,34 UI/ml) chứng tỏ bạn đã từng bị nhiễm rubella cách đó tối thiểu 10 tuần, lúc này bạn chưa mang thai. Như vậy bạn bị sốt phát ban do nguyên nhân khác chứ không phải do rubella. Hiện tại, bạn có thể tiếp tục  thai kỳ. Thân ái.   

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Bạn đã một lần bỏ thai vì nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ. Như vậy bạn đã có kháng thể bảo vệ và bạn có thể mang thai sau đó. Việc xét nghiệm lại IgG hay IgM của rubella là không cần thiết. Tuy nhiên, bạn đã xét nghiệm và kết quả như trên: IgM âm tính và IgG dương tính (306,8 UI/ml), chứng tỏ bạn đã có kháng thể bảo vệ, tương tự như đã tiêm ngừa rubella.

Với xét nghiệm CMV IgM âm và IgG dương chứng tỏ bạn đã từng bị nhiễm CMV và đã có kháng thể. Hiện tại bạn có thể mang thai được. Kháng thể IgG tồn tại trong cơ thể lâu dài và không đáng ngại. Đáng lo là bạn bị nhiễm nguyên phát (lần đầu tiên) khi đang mang thai 3 tháng đầu mà thôi.

Tóm lại bạn có thể yên tâm mang thai kể từ bây giờ. Khi có thai bạn nên khám thai định kỳ.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Bình thường trong dây rốn liên kết  giữa mẹ và thai có 3 mạch máu: 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Bất thường ở dây rốn thường gặp nhất là 1 động mạch rốn, chiếm 0,08% - 1,9% trong tổng số thai kỳ. Bất thường cấu trúc khác có thể kèm theo gồm: hệ niệu sinh dục, hệ tim mạch, hệ  xương khớp, hệ thần kinh và rối loạn nhiễm sắc thể. Khi có 1 động mạch rốn duy nhất thì cần khảo sát kỹ hình thái thai nhi (siêu âm hình thái học) xem có kèm bất thường nào khác hay không. Một số tác giả đề nghị rằng chọc ối để khảo sát nhiễm sắc thể chỉ thực hiện khi có kèm bất thường cấu trúc khác. Nếu chỉ  có 1 động mạch rốn duy nhất và không kèm bất thường nào khác thì tiên lượng tốt. Sau sinh bé cần được khám kỹ về tim để xem có bất thường hay không, vì chẩn đoán trước sinh có thể phát hiện được khoảng 62% những bất thường về tim.

Bạn cần ăn uống đầy đủ các chất như các sản phụ khác, không có chế độ ăn đặc biệt nào.

Các xét nghiệm thường qui và sàng lọc trước sinh theo qui trình khám thai là đầy đủ. Với những trường hợp có 1 động mạch rốn, bạn nên được siêu âm Doppler màu để khảo sát kỹ hơn nữa về hệ  tim mạch thai nhi.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Tử cung hai sừng có thể gây sẩy thai hoặc sinh non, nếu có sẩy thì thai sống và thường tuồi thai lớn  (khoảng > 13 tuần). Trường hợp của bạn có > 2 lần thai ngừng tiến triển ở tuổi thai < 9 tuần thì nghĩ nhiều đến bất thường của phôi thai chứ không nghĩ do cấu trúc hai sừng của tử cung. Để chuẩn bị có thêm 1 cháu bé, hai vợ chồng bạn nên khám tổng quát, làm những xét nghiệm cần thiết liên quan đến tiền căn sẩy thai lưu, …và kiểm tra về yếu tố di truyền (karyotype)

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ