banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai

Hỏi - 17/03/2011
Chào bác sĩ!

Em có một thắc mắc muốn nhờ bác sĩ giải đáp. Đó là việc xét nghiệm nước tiểu có phải là một chỉ định bắt buộc đối với tất cả các thai phụ không hay chỉ dành cho các thai phụ tăng cân quá nhiều?

Từ lúc có thai đến khi thai 26 tuần, em vẫn khám định kỳ ở Từ Dũ nhưng chưa một lần nào các bác sĩ chỉ định cho xét nghiệm nước tiểu. Em nghĩ có thể vì em tăng cân không nhiều (5kg). Có phải vậy không, thưa bác sĩ?

Em chồng em ở quê cũng tăng cân không nhiều, nhưng khi đi khám thai mốc 22 tuần, bác sĩ chỉ định xét nghiệm nước tiểu thì phát hiện trong nước tiểu có dịch nhầy, đục và phải uống thuốc để không ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ cho em hỏi đây là bệnh gì? Có ảnh hưởng nhiều đến thai nhi không ạ?

Em cảm ơn bác sĩ nhiều!



Trả lời

Bạn Mai thân mến,

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là cần thiết. Lần đầu tiên khám thai bạn được xét nghiệm nước tiểu nhằm đánh giá những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai như: bệnh lý về thận, nhiễm trùng tiểu... Khi thai > 20 tuần bạn được xét nghiệm lại mỗi tháng để đánh giá thêm về nguy cơ tiền sản giật (có đạm niệu và cao huyết áp).

Thai kỳ có tiền sản giật là thai kỳ nguy cơ cao. Nếu không được xử trí hợp lý và kịp thời có thể diễn biến xấu: tiền sản giật nặng hoặc sản giật, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mẹ và con.

Thân ái. 

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ