Trẻ ăn dặm
Hỏi - 27/11/2015
Bé đi tiểu rùng mình có thể là một phản xạ tự nhiên, giống như một số bé khi muốn đi tiêu thì nấc cục. Tuy nhiên, có thể do một khó chịu nào đó khi đi tiểu. Nếu bé là bé trai thì bạn xem thử tia nước tiểu đầu dòng có bị nhỏ giọt, bé có phải rặn tiểu hay không. Nếu có thì có thể bé bị hẹp bao quy đầu, nên đưa bé đi khám chuyên khoa ngoại. Bạn cũng nên hứng nước tiểu và xem nước tiểu có bị đục không. Nếu có thì có thể bị nhiễm trùng tiểu, cần phải xét nghiệm nước tiểu và điều trị. Bạn không nên cho bé đi xe tập đi vì bé không tập được khả năng tự giữ thăng bằng, tự bước với xe này. Ngoài ra, nếu không trông chừng thì bé có nguy cơ bị té do lật xe, do xe chạy xuống cầu thang…
Bạn cho bé ăn dặm theo những nguyên tắc như sau: dưới 12 tháng tuổi, sữa vẫn là thức ăn chính. Ăn dặm là để bé làm quen với thức ăn đặc, với đa dạng thức ăn, học ăn bằng muỗng, học nhai, học bốc, học cầm muỗng, không nhầm mục đích ăn cho thật nhiều. Bé ăn bao nhiêu cũng được, không ép. Sau khi ăn thì cho bú hoặc uống sữa nếu thấy ăn chưa no. Tập cho bé ăn từ loãng đến đặc, từ những thực phẩm không có nguy cơ dị ứng (thịt heo, cá đồng) đến thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng (trứng, thịt gà), thực phẩm nguy cơ dị ứng cao (thịt bò, hải sản…) sau 9 tháng tuổi. Mỗi loại thức ăn mới ăn liên tục và đơn thuần trong 3 ngày liên tiếp để dễ phát hiện dị ứng. Từ 6 đến 9 tháng tuổi ăn mỗi ngày 2 cữ, từ 9 tháng tuổi trở đi ăn mỗi ngày 3 cữ. Bạn nên tập cho bé đa dạng thực phẩm, đặc biệt là rau củ, trái cây. Không cho bé ăn đường, muối, hạn chế các món ngọt.
Bạn có thể uốn tóc, trang điểm…Mẹ đẹp và vui vẻ thì bé cũng vui vẻ và tươi tắn. Chỉ cần bạn lưu ý không dùng các chất kích thích (rượu, bia, cà phê….), chất có mùi vị nặng (càri, nhiều hành tỏi…), chỉ uống thuốc theo toa bác sĩ để không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Thân mến,
BS. CK2. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ