Chích ngừa cúm và sởi
Hỏi - 01/06/2014
Nguyên tắc tiêm ngừa vaccin là không được sử dụng (tiêm) 2 loại vaccin sống giảm độc lực cùng lúc.
Đối với vaccin cúm, có các thông tin sau đây:
Vắc xin cúm là gì?
Vắc xin cúm có 2 loại, vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin cúm bất hoạt. Loại vắc xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam là loại vắc xin bất hoạt. Các vắc xin cúm bất hoạt chứa các kháng nguyên của 2 chủng cúm A (H1N1,H3N2) và 1chủng cúm B theo khuyến cáo hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới. Vắc xin dạng dung dịch, đóng sẵn trong bơm tiêm với liều lượng 0,5ml hoặc 0,25ml. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Không được để đông băng vắc xin. Nên lắc kỹ vắc xin trước khi sử dụng.
Ai nên tiêm vắc xin cúm?
Vắc xin cúm được khuyến cáo sử dụng cho các đối tượng:
- Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi. - Người lớn trên 60 tuổi.
- Người có bệnh mạn tính hô hấp hoặc tim mạch, bị bệnh rối loạn chuyển hoá, rối loạn chức năng thận hoặc bị suy giảm miễn dịch(do thuốc hoặc do nhiễm HIV).
- Phụ nữ dự định mang thai.
Vắc xin cúm được tiêm bắp hoặc dưới da.
Người lớn và trẻ em trên 3 tuổi tiêm 1 liều 0,5ml.
Trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi tiêm liều 0,25ml. Nên tiêm mũi thứ 2 sau ít nhất 4 tuần cho những trẻ chưa từng tiêm vắc xin trước đó.
Tất cả các đối tượng trên nên tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm.
Nên tiêm vắc xin cúm ngay từ khi bắt đầu có vắc xin cho mùa dịch cúm mới. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 10 và 11 hàng năm.
Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin?
Một số ít có sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ và mệt mỏi. Hiếm gặp đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác, co giật, giảm tiểu cầu thoáng qua. Rất hiếm gặp viêm mạch máu, ảnh hưởng đến thận. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng chống cúm, một căn bệnh nghiêm trọng và đôi khi làm chết người, nhất là trong đại dịch. Khi bạn tiêm phòng cũng là giúp bảo vệ những người khác.
Ai không nên tiêm vắc xin?
- Hoãn tiêm đối với những hợp trường đang sốt hoặc bị các bệnh lý cấp tính.
- Không tiêm cho các đối tượng bị phản ứng quá mẫn với vắc xin ở liều tiêm trước và mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Đối với vaccin sởi có các thông tin sau:
Vaccin sởi là chế phẩm đông khô virus sởi sống giảm độc lực. Chế phẩm hiện có chứa dòng virus sởi Ender giảm độc lực hơn tách từ chủng Edmonston giảm độc lực bằng cách cấy truyền nhiều lần trên nuôi cấy tế bào phôi gà ở nhiệt độ thấp. Mỗi liều 0,5 ml vaccin sau khi đã pha chứa không dưới một đương lượng 1000 TCID50 (liều gây nhiễm mô cấy 50%).
Các thành phần khác: Khoảng 25 microgam neomycin; dung dịch để pha. Vaccin không chứa các chất bảo quản, các chất sát khuẩn và chất tẩy rửa.
Do đó, tuỳ vào loại vaccin cúm sử dụng mà được tiêm chung với vaccin sởi hay không. Tuy nhiên ở Việt Nam thường hay sử dụng vaccin cúm là Fluarix hay Vaxigrip, là vaccin cúm bất hoạt chứa kháng nguyên thôi nên trên nguyên tắc có thể tiêm 2 loại vaccin cúm (ở trên) và sởi đồng thời được.
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ