Chào em,
Đơn thuốc được chỉ định cho em gồm những thuốc có thể được chỉ định cho phụ nữ đang cho con bú. Em nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn.
Thân mến
Ds. Đặng Thị Thuận Thảo
Khoa Dược, Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn, con bạn 10 tháng tuổi, 73cm và 8.4 kg là bình thường.
Ở tuổi này dinh dưỡng chủ yếu vẫn là bú sữa, vì vậy nếu bé thích bú sữa mẹ hơn thì bạn nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn theo nhu cầu của bé kèm theo ăn dặm bột thêm 3 cữ/ngày.
Bạn không nhất thiết phải ép bé bú sữa công thức hay uống nước. Ngoài ra theo bạn mô tả thì có thể bé của bạn thiếu vitamin D và Canxi, vì vậy bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để được đánh giá lại và bổ sung chất nếu cần.
Mến chào!
BS. CK1 Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Sơ sinh
Chào bạn, bé 24 tháng tuổi 87cm là bình thường, tuy nhiên 15kg là thừa cân bạn chỉ nên giữ bé không quá 14kg thôi. Bạn không nói rõ chế độ ăn của bé nên không thể tư vấn được.
Còn về ngón tay của bé, có thể do bé thường xuyên mút ngón tay khiến cho ngón tay luôn để ở 1 tư thế nên khi gập duỗi sẽ bị khó khăn gây nên tiếng kêu. Bạn nên nhắc nhở bé không mút ngón tay nữa. Nếu sau 1 tuần mà ngón tay vẫn không hết tình trạng này thì bạn nên cho bé đến khám tại khoa cơ xương khớp bệnh viện Nhi Đồng nhé.
Mến chào!
BS. CK1 Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Sơ sinh
Chào bạn,
Bé của bạn tăng trưởng như vậy là chưa tốt. Ba cữ cháo/bột của bé với lượng 50ml thì quá ít (phải từ 150-200ml), còn lượng sữa bú 1 lần như vậy là đủ. Bạn có thể tăng cho bé thêm 1 cữ sữa nữa. Bạn cũng nên đa dạng cách nấu các chén cháo/bột để kích thích bé ăn. Lúc cho ăn cũng phải nghiêm túc, tập trung ăn đừng cho bé xem tivi hay điện thoại khi ăn. Ngoài ra, bạn nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế hoặc trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể hơn về cách cho ăn và được đánh giá thêm về tình trạng của bé xem có cần bổ sung thêm vi chất hoặc bé có bệnh lỳ thực thể gì kèm theo gấy nên sự biếng ăn của bé không.
Mến chào!
BS. CK1 Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa sơ sinh
Chào ban, bé của bạn tăng cân như vậy là bình thường, lượng bú 100ml/cữ là bình thường. Một số bé có thói quen bú khi ngủ, nên nếu bé không chịu bú khi thức thì bạn cứ thuận theo sở thích của bé. Tuy nhiên khi cho bú bạn nên bế bé đúng tư thế, vai và đầu bé ở tư thế hơi cao, mặt bé hơi nghiêng 1 bên để tránh tình trang ọc ói gây hít sặc.
Mến chào!
BS. CK1 Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Sơ sinh
Chào bạn,
Con bạn 24 tháng tuổi, đạt 14 kg là rất tốt. Bé không chịu ăn thức ăn lợn cợn là do bé chưa quen và không thích, vì vậy bạn hãy tập cho bé từ từ, không cần quá căng thẳng phải buộc bé ăn được ngay lúc này. Bình thường 2 răng cửa dưới sẽ mọc trước lúc 6-8 tháng tuổi, nếu đến tuổi này mà chưa mọc thì bạn hãy đưa bé đến nha sĩ để đánh giá lại nhé! Bạn nên cho bé được giao tiếp với nhiều người hơn (như đi học hoặc ra ngoài vui chơi) và bạn cũng nên trò chuyện với bé nhiều hơn, gợi ý cho bé nói để bé mạnh dạn nói nhiều hơn. Nếu bé nói không chuẩn cũng không nên chê cười bé, người lớn cũng không nên lặp lại không chuẩn theo bé mà phải phát âm chuẩn để bé bắt chước. Chúc bạn thành công!
Mến chào!
BS. CK1 Nguyễn Thị Thanh Hương - Khoa sơ sinh
Chào bạn, theo như bạn mô tả có thể khối mềm này được hình thành lúc bé sanh do đầu bé cúi không đươc tốt. Tuy nhiên nếu bạn thấy bé vẫn hồng hào, bú tốt, vận động tốt, tươi tỉnh thì khối mềm này sẽ không nguy hiểm, nó sẽ mất đi sau vài tuần đến khoảng 1-2 tháng. Còn nếu bạn thấy khối này to dần, hoặc to lan xuống mang tai hoặc bé xanh xao dần, vận động yếu hay bú kém thì bạn phải đưa bé đến khám tại sơ sở y tế ngay.
Mến chào!
BS. CK1 Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Sơ sinh
Chào bạn,
Bé bú sữa mẹ sẽ có phân hơi xanh, lỏng nếu bé bú nhiều và đi cầu nhiều lần trong ngày. Về việc bổ sung vitamin & khoáng chất, bạn nên đưa bé đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám, tư vấn bổ sung vitamin D và canxi với liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bé.
Thân mến.
DS. Võ Trương Diễm Phương – Khoa Dược.
Chào em,
Dầu gió gừng Thái Dương chứa Tinh dầu bạc hà, Tinh dầu tràm, Menthol, Tinh dầu long não, Tinh dầu hương nhu, Tinh dầu quế, gừng. Một số thành phần có trong dầu gió có thể được hấp thụ qua da, thông qua nhau thai thâm nhập vào thai nhi. Tuy nhiên, em cũng đừng lo lắng quá, không nên tiếp tục sử dụng dầu gió nữa mà hãy đi khám thai đinh kỳ để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mẹ và thai, đồng thời em cần báo cho bác sĩ biết về tiền sử bị sùi mào gà để bác sĩ thăm khám và có hướng dẫn cụ thể.
Chúc mẹ và bé khỏe
DS. Nguyễn Thị Thúy Anh
Bệnh viện Từ Dũ
Chào Bạn!
Cám ơn Bạn đã đặt câu hỏi cho diễn đàn bệnh viện.
Để có nhiều sữa mẹ Bạn cần cho bé bú sữa mẹ nhiều, bú thường xuyên và đúng cách. Cần cho bé bú sữa mẹ theo nhu cầu, là khi nào bé cần, Bạn sẽ cho bé bú sữa mẹ. Khi bé bú sữa mẹ sẽ giúp tạo nguồn sữa mới liên tục.
Ngoài ra để có nhiều sữa, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức, uống đủ nước từ 2,5 lít đến 3 lít, bao gồm nước chín để nguội, nước soup, sữa ... Bà mẹ cần có niềm tin mình có đủ sữa, nhiều sữa để nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Ngoài ra bà mẹ cần ngủ đủ giấc, thư giãn ... sẽ giúp tạo sữa nhiều.
Một số cách giúp kích thích sự tạo sữa mẹ:
- Bế con tiếp xúc da kề da hoặc ngắm nhìn bé, vuốt ve bé.
- Chườm ấm 2 bầu vú mẹ.
- Dùng ngón tay kéo hoặc vê núm vú một cách nhẹ nhàng.
- Massage bầu vú nhẹ nhàng: dùng các đầu ngón tay, nắm tay lăn, massage nhẹ nhàng từ chân vú đến núm vú.
- Xoa bóp lưng bà mẹ:
Bà mẹ mặc quần áo nhưng lưng và hai bầu vú để trần.
Hai bầu vú được thả lỏng
Người xoa bóp nắm tay và dùng 2 ngón tay cái day 2 bên cột sống, tạo thành những vòng tròn nhỏ, từ trên cổ xuống hai bã vai.
Khi cho bé ăn sữa ngoài, Bạn nên cho bé ăn bằng ly và muỗng, không nên cho bé bú bình vì sẽ làm cho bé nhầm lẫn vú mẹ và bỏ bú sau này.
Bạn có thể vắt sữa mẹ ( để duy trì tạo sữa mẹ) và cho bé ăn bằng ly và muỗng.
Ăn dặm ( ăn bổ sung) là cho bé ăn thêm các thức ăn giàu năng lượng và chất dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ dưới dạng mềm hoặc đặc, giai đoạn bé từ 6 đến 24 tháng tuổi, các nguy cơ khi cho bé ăn dặm sớm ( trước 6 tháng;
- Bé giảm bú sữa mẹ, sẽ làm giảm khả năng tạo sữa mẹ.
- Bé tăng nguy cơ mắc bệnh, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, dị ứng do thức ăn bổ sung không phù hợp với khả năng tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé.
Bạn nên cho bé ăn đúng số tháng tuổi.
Bạn có thể sắp xếp gặp trực tiếp nhân viên y tế để đuôc tư vấn cụ thể.
Chúc gia đình Bạn nhiều sức khỏe.
Chào Bạn.
Chào Bạn!
Cám ơn Bạn đã đặt câu hỏi cho diễn đàn.
Đây là phản ứng lao tố sau chủng ngừa lao. một số bé tại vị trí tiêm nổi hạt đỏ lên một lần, sau đó vỡ và tạo thành sẹo gọi là sẹo BCG ( lao). Tuy nhiên một số bé nổi đi, nổi lại 2,3 lần, mới tạo thành sẹo, vẫn không phải là bất thường.
Lần nổi thứ 2 này, bé có vặn mình, quấy khóc là do trùng hợp thời điểm bé có các dấu hiệu này thôi, chớ không phải do phản ứng lao tố.
Bé quấy khóc, giật minh, gắt ngủ không thể trả lời bao lâu sẽ khỏi. Bạn cần kiểm tra lượng sữa bé bú, cách cho bé bú, số lượng sữa bú có giảm so với bình thường không, có ói, ọc không, tình trạng phân, tốc độ lên cân, bé có vấn đề bệnh lý gì khác đi kèm không ...
Bạn có thể đưa bé đi khám bác sĩ sơ sinh, để được bác sĩ thăm khám, tư vấn trực tiếp nha bạn.
Chúc bé mau ăn, chóng lớn.
Chào Bạn.
Xin chào bạn Song Lợi,
Theo mô tả của bạn thực sự rất khó cho bác sĩ chẩn đoán rằng con bạn có bị viêm hay không và mức độ ảnh hưởng đến đâu.
Tuy nhiên việc bé ho nhiều và sổ mũi là một bất thường, ho và sổ mũi cũng có nhiều nguyên nhân, bé có thể bị viêm phổi do virus, vi khuẩn...hay do môi trường.
Lời khuyên hiện tại là bạn nên cho con đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác đúng tình trạng của bé và có hướng điều trị phù hợp.
Chúc bạn và con luôn vui khỏe nhé!
Thân chào!