Nguyên tắc tiêm ngừa vaccin là không được sử dụng (tiêm) 2 loại vaccin sống giảm độc lực cùng lúc.
Đối với vaccin cúm, có các thông tin sau đây:
Vắc xin cúm là gì?
Vắc xin cúm có 2 loại, vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin cúm bất hoạt. Loại vắc xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam là loại vắc xin bất hoạt. Các vắc xin cúm bất hoạt chứa các kháng nguyên của 2 chủng cúm A (H1N1,H3N2) và 1chủng cúm B theo khuyến cáo hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới. Vắc xin dạng dung dịch, đóng sẵn trong bơm tiêm với liều lượng 0,5ml hoặc 0,25ml. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Không được để đông băng vắc xin. Nên lắc kỹ vắc xin trước khi sử dụng.
Ai nên tiêm vắc xin cúm?
Vắc xin cúm được khuyến cáo sử dụng cho các đối tượng:
- Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi. - Người lớn trên 60 tuổi.
- Người có bệnh mạn tính hô hấp hoặc tim mạch, bị bệnh rối loạn chuyển hoá, rối loạn chức năng thận hoặc bị suy giảm miễn dịch(do thuốc hoặc do nhiễm HIV).
- Phụ nữ dự định mang thai.
Vắc xin cúm được tiêm bắp hoặc dưới da.
Người lớn và trẻ em trên 3 tuổi tiêm 1 liều 0,5ml.
Trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi tiêm liều 0,25ml. Nên tiêm mũi thứ 2 sau ít nhất 4 tuần cho những trẻ chưa từng tiêm vắc xin trước đó.
Tất cả các đối tượng trên nên tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm.
Nên tiêm vắc xin cúm ngay từ khi bắt đầu có vắc xin cho mùa dịch cúm mới. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 10 và 11 hàng năm.
Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin?
Một số ít có sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ và mệt mỏi. Hiếm gặp đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác, co giật, giảm tiểu cầu thoáng qua. Rất hiếm gặp viêm mạch máu, ảnh hưởng đến thận. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng chống cúm, một căn bệnh nghiêm trọng và đôi khi làm chết người, nhất là trong đại dịch. Khi bạn tiêm phòng cũng là giúp bảo vệ những người khác.
Ai không nên tiêm vắc xin?
- Hoãn tiêm đối với những hợp trường đang sốt hoặc bị các bệnh lý cấp tính.
- Không tiêm cho các đối tượng bị phản ứng quá mẫn với vắc xin ở liều tiêm trước và mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Đối với vaccin sởi có các thông tin sau:
Vaccin sởi là chế phẩm đông khô virus sởi sống giảm độc lực. Chế phẩm hiện có chứa dòng virus sởi Ender giảm độc lực hơn tách từ chủng Edmonston giảm độc lực bằng cách cấy truyền nhiều lần trên nuôi cấy tế bào phôi gà ở nhiệt độ thấp. Mỗi liều 0,5 ml vaccin sau khi đã pha chứa không dưới một đương lượng 1000 TCID50 (liều gây nhiễm mô cấy 50%).
Các thành phần khác: Khoảng 25 microgam neomycin; dung dịch để pha. Vaccin không chứa các chất bảo quản, các chất sát khuẩn và chất tẩy rửa.
Do đó, tuỳ vào loại vaccin cúm sử dụng mà được tiêm chung với vaccin sởi hay không. Tuy nhiên ở Việt Nam thường hay sử dụng vaccin cúm là Fluarix hay Vaxigrip, là vaccin cúm bất hoạt chứa kháng nguyên thôi nên trên nguyên tắc có thể tiêm 2 loại vaccin cúm (ở trên) và sởi đồng thời được.
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Các bé sanh non thường hay gặp hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Thông thường bé càng lớn thì hiện tượng này sẽ giảm dần. Khi bé có hiện tượng trớ sữa xa bữa ăn có nghĩa là bé chưa thể tiêu hoá hết lượng sữa mà mẹ đã cung cấp. Thường các bé non tháng hay bị gia đình ép cho ăn rất nhiều, nhiều hơn khả năng của bé có thể tiêu hoá hết, dẫn đến hiện tượng thức ăn không tiêu hết và ọc ra ngoài, thường là trước bữa ăn sau hay sau khi bé vận động mạnh. Bé càng lớn, nhu cầu năng lượng của bé có giảm lại. Cân nặng vì thế cũng tăng chậm hơn, tuy nhiên sự phát triển về tâm thần vận động lại phát triển mạnh mẽ. Chị cho bé ăn 3 cữ bột nhưng không nói rõ số lượng. Nếu 1 chén thì quá nhiều đối với bé. Khi mới tập ăn dặm thì nên cho ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. Khi thấy bé bị ọc ói thức ăn thừa thì nên cho ăn ít lại. Ở trường hợp này chị có thể giảm bớt lượng thức ăn mỗi cữ, có thể giảm xuống còn 2 cữ bột 1 ngày. Theo dõi sức khoẻ của bé không phải chỉ xem xét số lượng trẻ ăn vào, mà phải xem biểu đồ tăng trưởng thể chất (cân nặng và chiều cao) có bình thường hay không. Chị có thể cân đo bé và điền vào biểu đồ tăng trưởng trong sổ sức khoẻ của bé. Nếu các chỉ số vẫn trong kênh A thì bé vẫn bình thường cho dù có bú ít đi. Tuổi của bé sẽ là tuổi điều chỉnh, có nghĩa là tính từ khi bé được đủ ngày đủ tháng, không phải dựa trên ngày sinh của bé. Nếu chia nhỏ bữa ăn ra mà vẫn không cải thiện, chị có thể cho bé đến tại phòng khám bệnh viện Từ Dũ để được tư vấn và khám tổng quát tìm nguyên nhân.
Thân mến,
Bệnh viện hiện tại vẫn chưa có vaccin ngừa bệnh thuỷ đậu. Anh có thể liên lạc với số tổng đài của bệnh viện là (08) 54042829, bấm tiếp số nội bộ 340 là số điện thoại của phòng khám trẻ dịch vụ để hỏi vấn đề còn hay hết của các loại vacxin nha.
Thân mến,
Trẻ nhỏ ban đêm bị thức giấc và khóc là hiện tượng sinh lý có thể gặp. Nếu bé sau đó ngủ lại được bình thường và bé vẫn bú tốt, lên cân tốt thì lớn lên bé sẽ tự hết. Tuy nhiên hiện tượng này do bé thiếu các vi chất. Chị có thể cho bé bổ sung 1 số vi chất như vitamin và calci cũng như magnesium, kẽm... Ngoài ra nếu bé cứ khóc ngặt nghoẹo liên tục thì chị nên cho bé đến khám để bác sĩ kiểm tra tổng quát và tìm nguyên nhân gây nên hiện tượng như vậy.
Thân mến,
Phần lớn các thức ăn của mẹ mà mẹ ăn đều có thể qua sữa mẹ, và khi con bú sữa mẹ đương nhiên sẽ bú luôn các chất đó.Những hoạt chất có trong nha đam:
– Polysaccharid: cellulose, glucose, rhamnose, aldopentose, galactose, xylose, arabinose và acemannan, chính chất này có tác dụng kháng virút và giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
– rostaglandin và các axít béo chưa bão hoà như axít gama linolenic, nhóm chất này có tác dụng tiêu sưng, giải dị ứng và làm lành vết thương, mau lên da non.
– Nhiều men tiêu hoá giúp ăn ngon và làm thuốc bổ.
– Nhiều axít amin (gồm tối thiểu 23 loại), vitamin (B1, B5, B6, B12, C, A, E), khoáng tố vi lượng (Ca, P, Cu, Fe, Mn, Mg, Na, K).
– Nhóm anthraglycoside có khả năng chống oxy hoá tế bào, nhuận trường, giải độc, chống táo bón gồm aloin, barbaloin, emodin, aloe-emodin, ester của axít cinnamic, axít hysophanic.
Nha đam có nhiều loài, mỗi loài có sinh trưởng riêng và tuỳ theo thổ nhưỡng, khí hậu, vùng đất mà hàm lượng và thời kỳ thu hái có khác nhau, trong đó tốt nhất vẫn là A. vera và A. barbadensis, cây cho chất lượng tốt nhất vẫn là từ 2 - 3 năm tuổi. Điều cần biết là nhựa cây nha đam nguyên chất là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxy hoá làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất. Chất độc tố trong nha đam tuy không gây chết người nhưng có thể làm người ăn phải bị tiêu chảy, phụ nữ mang thai có thể sinh quái thai. Tiêu hoá một lượng lớn nha đam có thể gây co thắt bụng, nôn mửa, tiêu chảy, bên cạnh đó nó còn bài tiết qua nước tiểu làm cho nước tiểu có màu như máu.
Do đó nếu chị uống nha đam nhiều, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến bé. Đương nhiên liều thuốc sử dụng ở trẻ sẽ thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng chịu đựng ở người lớn.
Thân mến,
Ở trẻ nhỏ, da đầu vừa là nơi tăng tiết mồ hôi, vừa là nơi tăng tiết bã nhờn. Nếu lỗ chân lông ở da đầu bị bít lại, bé dễ bị các triệu chứng như chị đã nêu. Chỉ cần cho bé gội đầu sạch sẽ bằng Saforelle giúp lỗ chân lông vùng da đầu được thông thoáng là được.
Thân mến,
Thắc mắc của chị được giải đáp như sau :
1. Khi trẻ càng lớn, bàng quang cũng lớn nên độ chứa nước có phần tăng. Vì thế số lần đi tiểu cũng có thể giảm. Để biết bé có uống nước đủ chưa, chị phải xem màu sắc nước tiểu. Nếu nước tiểu vàng sậm thì bé chưa uống đủ nước, cần uống nhiều hơn. Trẻ được 7 tháng thì nhu cầu dịch cho cơ thể vào khoảng 100 ml/kg/ngày. Cân nặng bé 9 kg nên nhu cầu dịch trung bình của bé là 900ml. Lượng nước uống bổ sung sẽ bằng lượng dịch nhu cầu mỗi ngày trừ đi lượng sữa bé đã bú vào.
2. Các bé nhỏ thường hay chảy mồ hôi ở đầu. Nếu cháu vẫn chạy chơi, tăng cân bình thường thì không phải lo lắng gì. Tình trạng này sẽ giảm dần khi cháu lớn.
3. 7 tháng thì chưa tự ngồi vững 1 mình mà cần có sự trợ giúp (gối hình chữ U).
4. Nhu cầu năng lượng của bé càng lớn sẽ càng giảm so với lúc mới sanh, vì vậy bé có thể bú ít đi. Nếu bé vẫn tăng cân tốt, chiều cao vẫn tăng trưởng bình thường thì không có vấn đề gì phải lo lắng. Bé có thói quen gần ngủ mới chịu bú là do tính cách của bé như vậy, và gia đình đã hình thành thói quen này cho bé từ nhỏ (cố ép bé bú). Gia đình cố bỏ thói quen này và tập cho bé bú khi bé thức. Cứ để bé bú theo nhu cầu của mình, không nhất thiết phải cố ép bé ăn cho bằng được. Bé phát triển thể chất (chiều cao, cân nặng đúng biểu đồ tăng trưởng), tâm thần vận động bình thường là được.
Thân mến,
Chị nên cho bé đến phòng khám trẻ để được bác sĩ khám kiểm tra tổng quát và tư vấn cho gia đình được rõ hơn nhé.
Trân trọng.
Bệnh viện Từ Dũ hiện đã hết loại vaccin này, vẫn chưa có câu trả lời chính xác bao giờ sẽ có thuốc lại. Chị có thể liên lạc với phòng khám trẻ qua điện thoại để biết trước ngày hôm đó đã có vaccin trở lại hay chưa. Bệnh viện sẽ cố gắng tạo thông báo cho các gia đình quan tâm khi nào vaccin có trở lại. Xin cám ơn sự quan tâm của gia đình đến phòng khám trẻ của bệnh viện Từ Dũ.Chị cũng có thể cho bé tiêm ngừa mũi 5 trong 1 miễn phí tại địa phương nếu bé phải chờ đợi quá lâu.
Thân mến,
Hiện tại vẫn chưa trả lời chính xác bao giờ sẽ có vaccin. Nếu thích chị có thể đợi tiếp vaccin 6 trong 1 Infanrix có hàng trở lại. Bé vẫn có thể tiêm dời ngày lại 1-2 tháng; tuy nhiên trong khoảng thời gian đó bé không được bảo vệ do chưa được tiêm ngừa, vì thế cần cẩn thận hơn trong việc chăm sóc bé. Tuy nhiên gia đình cũng có thể tiêm vaccin 5 trong 1 miễn phí tại trạm y tế phường theo lịch. Tác dụng cũng như vậy, giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B và viêm phổi, viêm màng não mủ do HiB. Mũi ngừa bại liệt thì uống riêng kèm theo. Để tiêm mũi 5 trong 1 miễn phí tại bệnh viện Từ Dũ, bé cần có các tiêu chuẩn sau để làm giấy tờ: bé sanh tại bệnh viện Từ Dũ, hộ khẩu Tp Hồ Chí Minh, bé được sanh mổ hay sanh thủ thuật (sanh hút hay sanh kềm) và đương nhiên là bé phải có đủ sức khoẻ và điều kiện để tiêm chủng ngày hôm đó. Các trường hợp khác bé sẽ được chuyển về địa phương theo dõi.
Thân mến,
Để có thể xác định được rõ hơn tổn thương của bé, chị nên mang bé đến phòng khám trẻ, tốt nhất là phòng khám chuyên khoa da liễu để xác định chỗ đó là tổn thương loại nào, có thể là chàm hay là bớt, hay là mảng tăng sắc tố da bất thường, hay là bướu mạch máu…
Thân mến,
Trẻ sơ sinh là trẻ từ khi được sinh ra đến 28 ngày tuổi. Sau đó trẻ được gọi là trẻ nhũ nhi. Trẻ nhũ nhi khoẻ mạnh, cân nặng đủ 5 kg, bé được 2 tháng tuổi thì có thể được tiêm ngừa vaccin 6 trong 1. Hiện tại bệnh viện vẫn chưa có thuốc 6 trong 1.
Thân mến,