10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg
Chào chị,

Bé 2 tháng tuổi, có cân nặng trên 5 kg và sức khoẻ ổn định thì có thể chích ngừa vaccin 5 trong 1 (Quinvaxem hay Pentaxim)Sau sanh mẹ có thể nằm ở khu dịch vụ M. Nhưng khi bé xuất viện thì tất cả các trẻ đều được khám tại phòng khám trẻ bệnh viện Từ Dũ. Tại phòng khám trẻ dịch vụ, thuốc 6 trong 1 Infanrix hiện có giá 634.000 đồng. Nhưng hiện tại phòng khám trẻ bệnh viện Từ Dũ đã hết thuốc này. Trước khi chích ngừa, bé sẽ được khám sàng lọc. Giá tiền khám dịch vụ là 50.000 đồng và công chích ngừa là 10.000 đồng. Ngoài thuốc 6 trong 1 Infanrix còn có thuốc 5 trong 1 dịch vụ là Pentaxim, giá tiền khoảng 585.000 đồng. Tuy nhiên loại thuốc này ở bệnh viện Từ Dũ cũng đã hết thuốc.

Thuốc 5 trong 1 loại miễn phí do nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, tên vaccin là Quinvaxem. Gia đình có thể mang bé đến trạm y tế phường để được tiêm theo lịch.

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Chào chị,

Như mô tả của chị thì bé có thể bị nấm miệng hay viêm nhiễm vùng nướu răng. Để xác định chính xác hơn chị nên cho bé đến phòng khám trẻ để được khám, điều trị cũng như tư vấn kỹ càng hơn. Vì có những bệnh chỉ khám trực tiếp, tổng quát và toàn diện mới biết được là bệnh gì, không thể có câu trả lời chính xác qua mô tả từ một phía chị nhé.

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Chào chị,

Khi trẻ bú sữa hoàn toàn, lượng nước đã có đủ trong sữa. Vì vậy nếu trẻ bú hoàn toàn thì không cần uống nước thêm. Chỉ cần uống vài giọt nước tráng miệng nếu bé bú sữa bình, còn bú mẹ thì không cần phải tráng miệng. Khi bé ăn các thức ăn rắn hơn (ăn dặm…), khi đó mới cần bổ sung thêm nước cho bé.

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Chào chị,

Chị cung cấp cho bác sĩ thông tin của bé chưa nói rõ bé trai hay bé gái, vì cân nặng và chiều cao của bé gái hơi thấp hơn bé trai 1 chút. Khi bú, cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng cho việc bú, vì vậy tăng tiết mồ hôi là bình thường. Cũng giống như bé hay chạy nhảy, chơi đùa đổ mồ hôi cũng là bình thường. Ở độ tuổi 2 tuổi, nhu cầu năng lượng để phát triển cơ thể giảm hơn rất nhiều so với vài tháng sau sinh. Do đó trẻ chỉ ăn theo nhu cầu của mình. Các ông bố bà mẹ ở Việt Nam thường cố ép con mình ăn thật nhiều. Nhưng như vậy cũng chưa thật sự hoàn toàn tốt cho trẻ. Hãy để trẻ có quyền chọn lựa nhiều hơn. Mỗi bé đều có cuốn sổ theo dõi sức khoẻ, gia đình có thể theo dõi tăng trưởng cân nặng chiều cao mỗi tháng của bé bằng cách điền vào biểu đồ tăng trường. Nếu cân nặng và chiều cao vẫn trong kênh A là bé hoàn toàn bình thường. Bé đã uống 1 muỗng nutroplex mỗi sáng là đã được cung cấp khá là nhiều vitamin rồi, không cần thiết phải bổ sung nữa chị nhé.

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Anh Lộc thân mến,

Chân tay là bộ phận ngoại vi của cơ thể, do đó máu sẽ đến tưới ít hơn các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, não, thận… Do đó nhiệt độ tay, chân có thể thấp hơn nhiệt độ vùng trung ương (thân mình, đầu) một chút. Hơn nữa, một số bé có hiện tượng đổ mồ hôi tay và chân sẽ làm nhiệt mất nhanh hơn nên tay chân lại càng lạnh hơn. Vì vậy hiện tượng gặp ở bé có thể nói là “bình thường”. Bé phơi nắng đúng cách sẽ giúp cơ thể tự tạo vitamin D nội sinh để hấp thu calci. Như vậy cũng rất tốt. Các nước hoa quả của hãng Hipp bác sĩ không dám khẳng định tốt hay xấu vì sản phẩm nào cũng ghi là có lợi cho sức khoẻ, tuy nhiên đúng hay sai cần có cơ quan kiểm định ghi nhận cụ thể. Nước trái cây tươi đương nhiên sẽ rất tốt cho cơ thể, nếu hoa quả không bị nhiễm thuốc trừ sâu. Các sản phẩm đóng hộp thường có nhiều hương liệu, hoá chất hơn các sản phẩm tự nhiên. Gia đình có thể cho bé bắt đầu uống 5-10 ml nước ép nguyên chất pha loãng với chút nước ấm. Sau khi bé đã quen thì có thể tăng lên 15-20 ml nước hoa quả nguyên chất mỗi lần, ngày uống 2-3 lần. Không nên uống quá 120 ml nước hoa quả mỗi ngày. Nên đổi khẩu vị thường xuyên (đổi loại trái cây). Chú ý quan sát trẻ có biểu hiện dị ứng khi uống loại trái cây đặc hiệu nào đó hay không (nổi mẩn đỏ, ngứa…) Trẻ uống thừa calci nếu nhẹ có thể gây ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, có thể tiểu nhiều gây mất nước. Nếu quá thừa, lượng calci không được hấp thu hết có thể tích tụ gây vôi hoá thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các khoáng chất khác như sắt, kẽm, magne, phốt pho,… tăng calci trong máu

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
09tháng 06
Xin chào gia đình,

Rất nhiều bệnh nhân đến hỏi bác sĩ câu hỏi này! Nếu bé gọi là táo bón khi nhiều ngày bé không đi cầu được, và khi đi tiêu phân thường có màu xanh (do ở lâu trong ruột), và tính chất phân rắn chắc, thành khuôn. Phân rắn dễ gây bé bị trầy xước vùng hậu môn, không tốt về sau. Thường các bé gái bị nhiều hơn bé trai do cảm giác lo sợ khi đi cầu, nên nén phân lại, phân ở lâu trong ruột bị hấp thu nước nhiều nên rắn chắc lại. Với các triệu chứng như gia đình mô tả thật sự chưa đầy đủ nhưng bác sĩ thấy bé không giống như bị táo bón. Khi trẻ nhiều ngày mới đi cầu thì cần kiểm tra xem bé có thật sự bú đủ sữa hay không, hay chỉ nuốt hơi nhiều làm giảm lượng sữa bú (thể hiện bé xì hơi nhiều), xem bụng có chướng hay không. Một số bé bú mẹ có thể hấp thu rất tốt sữa mẹ nên ít đi cầu, nhưng phân khi đi vẫn tốt như bình thường. Bơm hậu môn không phải là biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề ở bé. Gia đình có thể massage bụng để kích thích bé đi cầu sẽ tự nhiên hơn. Gia đình cũng nên kiểm tra lại lượng sữa thật sự bé bú mỗi ngày có đủ không nữa nhé.

Chúc bé khoẻ.

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Chào em,

Với khẩu phần ăn gia đình làm cho bé cũng khá đầy đủ các chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên gia đình không nói rõ bé là bé trai hay gái vì cân nặng của bé trai hơi nhỉnh hơn chút so với bé gái. Các triệu chứng như gia đình mô tả thì cũng có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Gia đình đã cho bé uống bổ sung calci thì có thể loại trừ nguyên nhân thiếu calci. Tuy nhiên gia đình nên nhớ rằng bổ sung calci chỉ cần bổ sung 10 ngày mỗi tháng và kèm theo vitamin D3 hoặc tắm nắng cho bé mỗi sáng sớm để tăng khả năng hấp thụ calci của nữa nhé. Ở độ tuổi này, trẻ đang tăng trưởng, ngoài nhu cầu calci, sắt, bé còn cần các vi chất khác như các vitamins, các khoáng chất khác như kẽm, magnesium… 

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Gia đình anh chị Trang thân mến,

Theo như mô tả của gia đình thì những triệu chứng mô tả không phải do vaccin gây nên. Những phản ứng sau tiêm vaccin thường gặp là sốt, đau chỗ tiêm, nổi ban, … Các bé nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh hay có hiện tượng phù nề cuống mũi cũng như tăng tiết đàm nhớt ở vùng hầu họng nên làm hẹp hơn nữa đường hô hấp trên, và gây ra tiếng thở khò khè cho bé. Để khắc phục, gia đình chỉ cần nhỏ mũi và vệ sinh sạch sẽ mũi bé bằng nước muối sinh lý. Khi bé lớn hơn sẽ tự khỏi. Nếu vệ sinh mũi sạch sẽ mà bé vẫn không hết, gia đình có thể cho bé đến khám trực tiếp tại phòng khám trẻ vì có thể bé có những dấu hiệu bệnh lý khác mà gia đình chưa phát hiện, gây ra tiếng thở khò khè của bé như vậy.

Thân mến,

TS.BS. Vũ Tề Đăng

Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Chào bạn Nhàn!

Bé gái 1 tháng tuổi trung bình nặng 4.3 kg, cao 53.7 cm, bé trai 4.5 kg, cao 54.8 cm. Con bạn 1.5 tháng chỉ 4.5 kg và cao 53cm, vậy là trẻ đang ở mức giới hạn thấp. Trẻ bú mẹ hoàn toàn thường dễ đi ngoài, trong tháng đi nhiều lần, phân lỏng có hột, có bọt, ra tháng số lần đi ngoài giảm dần và phân đặc dần. Con bạn ngủ không ngon, cứ ngủ thiu thiu lại tỉnh và quấy khóc có nhiều khả năng trẻ không đủ sữa. Để đảm bảo sữa mẹ đầy đủ dinh dưỡng mẹ cần ăn uống đầy đủ, không kiêng cữ, uống nhiều nước (sữa), đảm bảo trong chế độ ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng : bột đường + đạm + béo + vitamin khoáng chất, cũng như các món ăn phải luôn được nấu chín vệ sinh. Tuyệt đối không kiêng khem, giảm cân trong thời kỳ này. Bạn nên cho bé được tắm nắng mỗi ngày 30 phút. Bạn cần cho trẻ đi khám BS tim mạch nếu bạn thấy phần thâm của trẻ quanh miệng càng tăng khi trẻ khóc.

Thân mến!

BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Hồng!

Trẻ sơ sinh được tiêm ngừa lao và viêm gan B trong 24 giờ sau sinh. Khi trẻ được 2 tháng tuổi sẽ được tiêm bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm não Hib (5 trong 1 hoặc 6 trong 1). Trẻ được tiêm liên tiếp 3 mũi cách nhau 1 tháng. Nếu bạn chờ thuốc 6 trong 1 đến tháng 9/2014 thì tại thời điểm đó con bạn sẽ được 6 tháng. Vậy trong thời gian từ đây đến lúc có thuốc chích bạn phải bảo đảm trẻ không bị bệnh, không tiếp xúc nguồn lây bệnh? Điều hay nhất là bạn nên cho trẻ chích 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng quốc gia tại y tế địa phương.

Thân mến!

BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Anh!  

Theo khuyến cáo của viện dinh dưỡng Việt Nam cũng như chương trình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ khuyến cáo các bà mẹ nên tập cho bé ăn dặm bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Lúc này cơ thể trẻ chưa thích nghi với chế độ ăn lợn cợn nên mọi thức ăn bạn cần xay nhuyễn. Tuy lượng ăn của trẻ ít nhưng vẫn phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Khi trẻ 7 tháng, trẻ bắt đầu quen dần với việc ăn dặm, lúc này mẹ có thế chế biến bữa ăn dặm đa dạng hơn cho bé. Các loại bột như bột thịt lợn, thịt gà, thịt bò, bột gạo sữa…cần được thay đổi thường xuyên để bé đỡ ngán. Vào tuổi này trẻ vẫn chưa ăn được lợn cợn, mãi đến 12 tháng trẻ mới ăn được xác lợn cợn, do đó bạn nấu ăn cho trẻ như thế này là tốt.

Thân mến!

BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Uyên!

Trẻ được 2 tháng tuổi được chỉ định tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm não Hib (5 trong 1 hoặc 6 trong 1). Sau đó được nhắc lại mũi 2, 3 cứ mỗi tháng 1 lần. Tuy nhiên vì con bạn chích thuốc 6 trong 1 trong chương trình dịch vụ nên thuốc hiện nay trên thị trường không có thuốc và bạn đã chờ đến 3 tháng vẫn không chích được, vây bạn vẫn có thể cho trẻ chích 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trung tâm y tế dự phòng hoặc trạm y tế địa phượng vẫn được.

Thân mến!

BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ