Việc bé tiêu phân xanh có thể do trong thành phần sữa có nhiều chất sắt nên gây nên phân có màu xanh như vậy. Trong sữa similac thường có hàm lượng sắt cao, có thể giải thích tại sao phân xanh. Bé bị táo bón cũng có thể do có sắt nhiều quá. Cho bé bú mẹ hoàn toàn sẽ giải quyết được vấn đề này hoặc cho bé bú sữa hãng khác. Việc bón và phân xanh này hoàn toàn không liên quan gì đến lần nhập viện do sốt do môi trường trước đó!
Có rất nhiều loại thuốc vitamin D, tuỳ vào túi tiền của gia đình mà mua. Ví dụ như Stérogyl, Uvédose 100.000 UI, Aquadetrim D3…
Các sản phụ sau sanh rất cần bổ sung calci để tránh loãng xương về sau. Tuy nhiên các vấn đề liên quan đến mẹ, chị có thể tham khảo thêm ở các bác sĩ khám sản khoa chị nhé.
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Con chị bị thiếu men G6PD thì khi uống các thuốc chuyển hoá ở gan thì nên cẩn thận và giảm liều. Cần báo cho các bác si khám bé biết tình trạng này để cho thuốc phù hợp liều lượng. Chị nói em uống calcium corbiere có sao không nhưng không nói liều lượng cụ thể. Trong hướng dẫn sử dụng của calcium corbiere không có chống chỉ định cho các bé thiếu men G6PD. Vì vậy em vẫn có thể uống Calcium corbiere bình thường nhưng với liều lượng thấp hơn. Chị không nói rõ con chị bao nhiêu tháng tuổi và cân nặng của bé nên bác sĩ không thể nói cho chị biết liều dùng của bé thế nào.
Các trẻ nhỏ thường khò khè vào ban đêm có thể do không khí lạnh ban đêm làm phù nề cuống mũi bé. Chị có thể kê đầu bé nằm cao hơn chút, vệ sinh mũi sạch sẽ. Khi bé lớn sẽ từ từ hết. Nếu chỉ khò khè vào ban đêm và ban ngày bình thường thì không nghĩ nhiều đến viêm phổi.
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Cách làm nước hoa quả có rất nhiều tài liệu hướng dẫn trên mạng cũng như sách vở, chị có thể tự tìm hiểu thêm. Việc cho bé uống 1 thứ nước mà bé chưa hề uống bao giờ dễ làm cho bé ọc ói. Vì vậy nên bắt đầu cho bé làm quen với 1 lượng ít (khoảng 1/2 mcp), pha loãng. Sau đó khi bé đã quen mới cho nước ép đậm đặc hơn từng chút dần dần. Gia đình có thể cho bé bắt đầu uống 5-10 ml nước ép nguyên chất pha loãng với chút nước ấm. Ngày uống 1 lần. Sau khi bé đã quen thì có thể tăng lên 15-20 ml nước hoa quả nguyên chất mỗi lần, ngày uống 2-3 lần. Không nên uống quá 120 ml nước hoa quả mỗi ngày. Nên đổi khẩu vị thường xuyên (đổi loại trái cây). Chú ý quan sát trẻ có biểu hiện dị ứng khi uống loại trái cây đặc hiệu nào đó hay không (nổi mẩn đỏ, ngứa…)
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Hiện có 2 loại vaccin được sử dụng song song. Một là loại Quinvaxem hoàn toàn miễn phí. Trong mũi quinvaxem thì không có ngừa bại liệt nên khi bé được 2 tháng tuổi, nếu tiêm ngừa quinvaxem thì bé sẽ được uống vaccin sabin để ngừa bại liệt. Loại sabin ngừa bại liệt là vaccin sống giảm độc lực. Nếu đã chích theo phác đồ này thì nhà sản xuất khuyến cáo nên theo hẳn phác đồ này luôn. Có loại vaccin dịch vụ thứ 2 là Infanrix 6 trong 2 hoặc Pentaxim 5 trong 1. Cả 2 loại vaccin này đều tích hợp ngừa bại liệt trong đó. Tuy nhiên phần bại liệt không phải là vaccin sống giảm độc lực. Vì vậy nói chung 2 loại vaccin sabin và infanrix/pentaxim là khác nhau. Vì thế người ta khuyên đã dùng phác đồ nào rồi thì nên theo luôn phác đồ đó. Ở trường hợp con chị đã theo phác đồ sabin, sau đó dùng infanrix, do đó bé đã có 2 liều ngừa bại liệt. Theo phác đồ thì bại liệt phải được uống liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Vì vậy 2 lần bại liệt con chị đã được ngừa vẫn chưa đủ liều, và cần bổ sung thêm 1 liều ngừa bại liệt nữa. Do đó các bác sĩ đã hẹn chích tiếp 1 mũi 6 trong 1 nữa là hoàn toàn đúng. (cả mũi Quinvaxem, sabin hay Infanrix đều phải chích nhắc lại 3 lần, cách nhau 1 tháng). Khi chích mũi infanrix không nhất thiết trước đó đã phải tiêm ngừa viêm gan B lúc sanh. Vaccin sabin ngừa bại liệt dạng uống, còn vaccin Infanrix 6 trong 1 ngừa bại liệt dạng tiêm.
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Nếu chỉ xê dịch 1 ngày thì không sao cả. Con chị vẫn có thể chích ngừa sởi được nhé.
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Bé bị vàng da bệnh lý và đã điều trị ổn định, khi đó bác sĩ khoa sơ sinh sẽ cho bé về. Bé về nếu bú sữa mẹ được hoàn toàn thì tốt. Việc uống nước dừa có thể làm bé bị sặc, gây viêm phổi hít, rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Trẻ sơ sinh cho uống sữa hoàn toàn.
Thân mến,
TS.BS. Vũ Tề Đăng
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
Trẻ 2 tháng tuổi được tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm não do Hib ( 6 trong 1) trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Tuy nhiên mũi nhắc thứ 2 sau 1 tháng trẻ không tiêm được vì bệnh sốt, và nếu bạn chờ đến tháng 9/2014 mới có thì trễ đến 5 tháng, hiệu quả bảo vệ sẽ kém. Vậy bạn có thể cho trẻ chích thuốc ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm não do Hib trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quivaxem tại y tế địa phương vẫn được. Tuy 2 vacxin này do 2 hãng thuốc khác nhau sản xuất nhưng cùng có hiệu quả phòng ngừa cùng 1 bệnh nên sử dụng được.
Thân mến!
BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ
Triệu chứng vặn mình là biểu hiện sinh lý thường gặp ở trẻ < 2 tháng tuổi, triệu chứng này kéo dài vài giây và tự hết. Em cháu vặn mình kèm rên rỉ cả lúc chơi và lúc ngủ cho thấy có khả năng trẻ ngủ không đủ, không ngon giấc nên thường quấy khi thức. Trong thư cháu không cho biết trẻ tăng cân có tốt không, trẻ được bú sữa mẹ hay sữa bình? Nếu trẻ bú không no sẽ cho trẻ 1 giấc ngủ không sâu, vì thế cần cho trẻ bú thật no trước khi ngủ và cần cho bé tắm nắng mỗi ngày 15-30 phút sẽ giúp trẻ ngoan hơn, tăng cân tốt hơn.
Thân mến!
BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ
Trung bình bé gái 4 tháng tuổi nặng 7 kg, chiều cao 62.1 cm. Vậy con bạn tăng trưởng nằm trong giới hạn chuẩn. Trẻ được uống vacxin ngừa tiêu chảy do Rotavirus có tác dụng phụ là tiêu chảy, tuy nhiên phản ứng phụ này thường nhẹ và bệnh tự giới hạn trong vòng vài ngày không thể kéo dài đến 1 tháng như con bạn, có khả năng con bạn bị tiêu chảy do bất dung nạp lactose sau đợt tiêu chảy. Để cải thiện bạn nên tăng cường sữa mẹ nhiều hơn và nếu không có sữa mẹ nên cho trẻ uống các loại sữa đậu nành dành cho trẻ tiêu chảy không dung nạp lactose như Isomilk, Frisolac free, Allo 110…Nếu trẻ đã sử dụng mà không cải thiện bạn nên đưa trẻ khám lại và xét nghiệm phân tìm nguyên nhân. Bạn có thể dời đợt uống vacxin lần 2 khi tình trạng đi ngoài của trẻ ổn định. Hiện tại bệnh viện không có thuốc 5 trong 1 ( bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm não do Hib) trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Bạn có thể đưa trẻ đến y tế địa phương chích 5 trong 1 (Quinvaxem) trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn được.
Thân mến!
BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ
Con bạn 2 tháng kém 6 ngày rồi cháu tăng được 1kg 9 là trẻ phát triển dinh dưỡng tốt. Trong thư bạn không cho biết trẻ bú mẹ hay bú bình? Trẻ bú mẹ thường đi ngoài nhiều lần/ngày, phân lỏng có bọt, có hột, hoa cà hoa cải. Khi ra tháng số lần đi ngoài giảm hơn, lượng phân nhiều hơn nhưng trẻ rất dễ đi ngoài. Trẻ có bú bình kèm theo sẽ khó đi ngoài vì thế bạn nên tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, đồng thời mẹ nên ăn uống đầy đủ , tinh thần thoải mái sẽ đủ sữa cho trẻ bú. Khi trẻ chậm đi ngoài bạn nên hỗ trợ trẻ bằng cách massage, kích thích nhu động ruột , hạn chế thụt tháo, chỉ thụt tháo khi trẻ quấy khóc, bụng chướng, nôn. Nếu con bạn bú mẹ kèm bú bình mà ngày càng chậm đi ngoài thì bạn nên ngưng sữa bình và tăng cường bú mẹ, đôi khi trẻ bú 12-15 cử/ngày mới đủ sữa và sẽ cải thiện được tình trạng chậm đi ngoài. Việc uống Calcium Corbiere giúp trẻ giảm vặn mình nhưng thuốc có tác dụng phụ chậm đi ngoài, vì thế bạn cũng nên ngưng uống thuốc và thay vào đó cho mẹ uống để tăng cường qua sữa mẹ. Khi trẻ được 3 tháng bạn có thể bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây tươi mỗi ngày 20 ml sẽ cải thiện tốt hơn tình trạng chậm đi ngoài và bổ sung thêm được vitamin. Nếu bạn đã thực hiện đầy đủ hướng dẫn bác sĩ mà tình trạng trẻ không cải thiện thì nên cho trẻ khám bác sĩ chuyên khoa nhi để xác định nguyên nhân, không nên tùy tiện uống thuốc khi chưa có ý kiến bác sĩ. Bệnh vô hạch đại tràng (Hirsprung cũng là 1 trong những nguyên nhân chậm đi ngoài của trẻ).
Thân mến!
BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ
Con bạn sinh mổ 3,6 kg, , khi trẻ được 14 ngày cân nặng tăng 600 gr, vậy là bạn nuôi trẻ rất tốt, tăng trưởng đạt chuẩn. Trung bình trong giai đoạn sơ sinh trẻ ngủ 18-20 giờ/ngày. Nấc cụt là hiện tượng hết sức bình thường và hay xảy ra đối với bé sơ sinh, nhất là vào những tháng đầu sau sinh và sẽ giảm hẳn sau 1 tuổi. Để trẻ ngủ ngon, không nấc, không giật mình, vặn vẹo bạn nên cho trẻ tắm nắng mỗi ngày 15-30 phút, tăng cường bú mẹ với chế độ dinh dưỡng mẹ đủ chất, giàu canxi sẽ giúp trẻ tăng trưởng hơn. Nếu chế độ dinh dưỡng mẹ đầy đủ, trẻ được phơi nắng tốt thì trẻ không cần bổ sung thêm Vitamin D.
Thân mến!
BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ
Bé trai 3 tháng tuổi trung bình 6,4 kg - 58,4 cm, bé gái 5,8 kg - 57,1 cm. Trong thư bạn không cho biết con bạn tăng trưởng như thế nào? Một số bà mẹ nhận thấy con mình ốm nhưng thực tế trẻ tăng trưởng rất tốt. Không biết chị như thế nào? Chị nên cân đo trẻ hàng tháng để đánh giá dinh dưỡng cho trẻ có phù hợp? Bạn hãy để trẻ đói cho trẻ bú thì trẻ trẻ sẽ bú tốt, đồng thời tăng cường bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây tươi mỗi ngày 20 ml.
Thân mến!
BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ