tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào bạn,

Mẹ có HBsAg (+), bé khi sinh được tiêm ngay 1 liều huyết thanh Hebapig (miễn dịch thụ động) và vaccine ngừa viêm gan siêu vi B (tạo miễn dịch chủ động) ngay tại phòng sanh BV. Tại Bv Từ Dũ đã áp dụng phác đồ cho mẹ có HBsAg (+) và mẹ có HBeAG (+) từ nhiều năm nay và dĩ nhiên là  có sẵn thuốc .

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Anh chị  thân mến,

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi vì khi đó hệ tiêu hóa của trẻ mới có đầy đủ các men để  tiêu hóa thức ăn. Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa vì dễ tiêu hóa hơn và thành phần dinh dưỡng cũng rất cân đối, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ giai đoạn này. Anh chị cho bé ăn dặm từ 3 tháng tuổi là quá sớm. Anh chị nên tham khảo thêm các tài liệu hướng dẫn ăn dặm của Trung tâm Dinh dưỡng hay  Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 để có những hướng dẫn khoa học và cụ thể về  ăn dặm cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt.

  Chúc anh chị khỏe.

Bs CKI Nguyễn Thị Từ Anh
Phó trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị,

Em bé nên nằm ở trên mặt phẳng thì tốt cho cột sống hơn là nằm võng. Ngoài ra, nằm  võng có thể làm biến dạng lồng ngực nếu bé bị còi xương. Chị cũng không nên tập  cho bé thói quen phải đu đưa mới ngủ được vì sẽ làm cho bé “khó tính”, không thể sống xa cái võng và mẹ lúc nào cũng phải ở kề bên để đưa võng. Hơn nữa, khi bé  biết lật mà nằm võng một mình sẽ rất nguy hiểm, dễ té gây chấn thương sọ não.  Theo tôi thì chị nên tập cho bé nằm ngủ trên giường hoặc trong nôi thì tốt hơn. Nếu sợ hầm lưng thì chị chọn loại nôi có kèm giường lót bằng lưới, cũng thoáng  mát như nằm võng.

Chị cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn là rất tốt. Chế độ ăn của chị có đủ chất đạm, chất xơ,  tinh bột nhưng còn thiếu chất béo và canxi. Chị nên ăn uống như người bình thường (rau xào, thịt mỡ, thịt bò, thịt gà, cá biển, tôm cua, trái cây…) để có đầy đủ các dưỡng chất miễn là những thức ăn đó được chế biến sạch sẽ và chị không bị dị ứng với những thức ăn đó. Chị uống sữa vào bị đau bụng có thể do chị thuộc dạng người thiếu men lactase để tiêu hóa sữa nên không uống sữa bò được. Vậy chị có  thể uống sữa đậu nành (mỗi ngày 1 lít) hay ăn sữa chua, phô mai (đã được tiêu  hóa một phần nên dễ hấp thu hơn), ăn đậu hũ, tàu hũ để tăng lượng canxi trong  khẩu phần ăn và uống thêm viên bổ sung canxi và vitamine D. Đủ lượng canxi trong khẩu phần ăn sẽ vừa giúp cung cấp đủ canxi qua sữa mẹ cho con vừa giúp mẹ không bị loãng xương, không bị đau nhức lưng, không bị hư răng. Chị không nên  kiêng chất béo vì phải có chất béo thì các vitamin tan trong dầu như vitamin A,  D, E, K mới được hấp thu. Nếu chị kiêng chất béo thì sẽ dẫn đến cả 2 mẹ con bị thiếu các vitamin kể trên. Đặc biệt là vitamin K, rất cần thiết cho việc cầm  máu. Nếu bé bị thiếu vitamin K có thể bị chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu rốn,  thậm chí bị xuất huyết não.

Khi cho bé bú mẹ hoàn toàn thì chị không cần cho bé uống nước thêm vì trong sữa mẹ có rất  nhiều nước. Bé môi khô có thể do chị không cho bé ngậm sâu cả quầng vú mà chỉ  ngậm núm vú nên bé phải ráng sức mút cho ra nhiều sữa dẫn đến dộp môi. Bé cần  ngậm sâu cả quầng vú khi bú để bú được nhiều sữa mà không phải ráng sức. Bé bú  mẹ sẽ đi cầu phân có hột và mỗi ngày có thể đi 3-8 lần. Bé đi phân sệt và chỉ 1 lần/ngày có thể do lượng sữa bé bú giảm đi và ọc sữa nhiều.

Bé của  chị có dấu hiệu của còi xương, chị nên đưa bé đi khám để bác sĩ kê toa thuốc cần  thiết.

Thân chúc chị và bé nhiều sức khỏe và hạnh phúc!

Bs CKI  Nguyễn Thị Từ Anh
Phó Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Trinh thân mến,

Thư chị không nói rõ là phân của bé như thế nào, mềm hay khô cứng và bé bú sữa gì (sữa mẹ hay sữa bột). Nếu bé bú sữa mẹ và phân vẫn mềm thì chị không cần phải bơm đít thường xuyên, chỉ cần xoa bụng bé trước khi bú (theo chiều kim đồng hồ), tăng chất xơ (rau, trái cây, nước trái cây) và tăng lượng dịch (nước và sữa) trong chế độ ăn của mẹ là được. Nếu bé bú sữa bột mà bị bón thường  xuyên như vậy thì chị có thể dùng Sorbitol và đổi sữa khác. Chị cũng nên kết hợp xoa bụng bé trước mỗi cữ bú. Nếu chỉ bơm đít bé vài lần thì chưa ảnh hưởng đến đại tràng nhưng chị nên hạn chế việc dùng thuốc bơm đít cho bé.

  Chúc chị và bé khỏe.

BS. CK1 Nguyễn Thị Từ Anh
Phó trưởng khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Xin chào chị,

Mũi thuốc chích ngừa 6 trong 1 mà con chị được chích lúc 2 tháng tuổi có tác dụng phòng ngừa 6 bệnh là: Bại liệt, Bạch hầu, Uốn  ván, Ho gà, viêm màng não mũ do Hemophillus influenzae và viêm gan siêu vi B.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí của nhà nước thì trẻ 2 tháng tuổi sẽ được uống 1 liều thuốc Sabin (phòng ngừa bệnh Bại liệt) kết hợp với chích 1 mũi  DTC (phòng ngừa bệnh Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà) và 1 mũi thuốc ngừa viêm gan siêu vi B, nghĩa là sẽ phòng ngừa được 5 bệnh.

Như vậy, mũi thuốc 6 trong 1 này có tác dụng bằng 1 liều thuốc uống cộng với 2 mũi thuốc chích ngừa và hơn được  tác dụng phòng ngừa thêm bệnh viêm màng não mũ. Thuốc ngừa 6 trong 1 này có thành phần Ho gà vô bào, là dạng bào chế mới nên tiến bộ hơn, ít gây tác dụng  phụ.

Vì vậy, khi chích thuốc này, bé có thể không sốt. Sốt chỉ là một tác dụng phụ của thuốc, không phải là biểu hiện hiệu quả của thuốc. Nếu chị có điều kiện  thì có thể cho bé uống thêm vắc xin phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus vì bệnh này khá phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm đến 50% nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ. Vắc xin này sẽ được uống 2 lần, trước 6 tháng tuổi.

Chúc chị vui khỏe.

Bs. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ SInh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Thư thân mến,

Bé của chị lúc mới sinh có cân nặng 3,3 Kg và khi được 6,5 tuần lên được 4,2 Kg nghĩa là trung bình tháng đầu bé lên khoảng 500g là hơi ít. Đáng lẽ bé phải lên được tối thiểu là 600g và thường phải lên được trên 1Kg. Tuy nhiên, cân nặng hiện tại của bé vẫn chưa phải là suy dinh dưỡng. Lượng sữa bé hiện đang uống chưa đủ so với nhu cầu. Nếu bé cân nặng là 4,2 Kg thì lượng sữa tối thiểu bé uống trong ngày phải là 630 mL (chị lấy cân nặng của bé nhân với 150). Do lượng sữa của bé hiện uống quá ít (chưa được một nửa nhu cầu) nên dẫn đến chậm đi cầu, “nhập” ít thì “xuất” ít mà! Chị nên tăng số cữ bú. Chị cũng nên đổi loại núm vú bình sữa mềm hơn, size lớn hơn (lỗ lớn hơn) để lượng sữa xuống nhiều hơn, bé sẽ đỡ phải gắng sức khi bú thì sẽ bú được nhiều hơn. Tuy nhiên, khi cho bú bình rất dễ bị sặc sữa nên chị phải luôn cho bé bú ở tư thế ngồi, quan sát bé liên tục khi bú, không để bé nuốt nhiều hơi. Ngoài ra, chị cũng nên xem lại chế độ ăn của chị có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ chưa, chị phải ăn mỗi ngày 3 bữa chính và 2 bữa phụ, ít nhất 2 ly sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú, đảm bảo đầy đủ chất đạm, béo (ăn cả dầu mỡ như người bình thường), tinh bột, rau xanh và trái cây để đảm bảo sữa mẹ đủ chất lượng. Chị không nên quá kiêng cữ theo phong tục cũ vì sẽ làm sữa kém chất lượng, chỉ cần “ăn chín uống sôi”, giữ an toàn vệ sinh thực phẩm là được. Chị cũng nên uống thêm nước trái cây để tăng chất xơ. Nếu sữa chị nhiều thì chị nên vắt bỏ bớt sữa trong đầu dòng, cho bé bú sữa đục vì sữa trong đầu dòng chủ yếu chứa nước còn sữa đục chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nếu cho bú mẹ mà bé khóc thì chị nên xem lại cách bế bé có đúng chưa. Bế đúng là đầu và lưng bé phải ở một đường thẳng, nghĩa là mặt bé và cả bụng bé úp vào người mẹ, lưng hướng ra ngoài, như vậy bé mới dễ nuốt sữa. Các bà mẹ thường hay bế bé quay mặt vào vú mẹ nhưng lưng thì nằm trên đùi mẹ, bụng bé không áp vào bụng mẹ. Tư thế này làm cổ bé bị vặn nên rất khó nuốt.

Nuôi bé đầu lòng sẽ gặp nhiều lúng túng, vất vả nhưng chỉ cần chị chịu khó một chút, tham khảo sách báo để có thêm thông tin hướng dẫn thì từ từ chị sẽ tự tin hơn và sẽ “ghiền” nuôi con luôn đấy!

Chúc chị vui khỏe!

Bs. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Xin chào,

Hiện tượng bé sơ sinh giật mình khi ngủ là hiện tượng bình thường do phản xạ thần kinh của  bé. Hiện tượng này sẽ mất dần khi bé lớn hơn.

Mẹ bé có đầu ti ngắn vẫn có thể  cho bé bú được vì cho bú đúng cách là cho bé há to miệng để ngậm cả quầng vú chứ  không chỉ ngậm đầu ti. Việc hút hay vắt sữa ra nếu thực hiện đều đặn mỗi cữ và  vắt thật hết sữa thì sẽ có thể vẫn giữ được sữa mẹ lâu dài. Nhưng việc vắt hay hút sữa rất dễ thất bại vì đòi hỏi mẹ phải rất kiên nhẫn, mỗi lần vắt hay hút sữa  khoảng 30 phút, nhất là cho bú thêm sữa bột lại càng dễ làm cho việc nuôi con bằng sữa mẹ dễ thất bại hơn so với cho bú mẹ trực tiếp. Muốn có sữa mẹ nhiều thì mẹ phải  có chế độ dinh dưỡng thích hợp, giàu năng lượng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nước nhiều (tối thiểu mỗi ngày 2 lít nước), uống sữa nhiều (2 ly sữa dành cho thai phụ và bà mẹ cho con bú hay 1 lít sữa tiệt trùng), nghỉ ngơi đầy đủ.

Em bé có hiện tượng khó chịu khi đi ngoài thì càng nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn để việc  tiêu hóa dễ dàng hơn. Hiện tượng phân vàng xanh vào ngày thứ 5 sau sinh được xem là bình thường vì đây là phân chuyển tiếp. Uống siro vitamin D được Hội Nhi  khoa Hoa kỳ khuyến cáo nên bắt đầu sớm sau sinh nếu bé được bú sữa mẹ hoàn toàn hay bú sữa mẹ có dặm thêm sữa bột. Liều lượng là 400 UI mỗi ngày. Có nhiều loại siro multivitamine dành cho trẻ nhỏ trên thị trường có chứa vitamin D với hàm lượng này. Tuy nhiên, uống vitamin D có tác dụng phụ là có thể gây bón nên nếu  bé chưa ổn về tiêu hóa thì chưa nên uống.

Chúc bé và ba  mẹ nhiều sức khỏe.

Bs CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị!

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hiện tượng rung cơ lành tính, thường xảy ra khi ngủ, có thể bị ở tay hay chân. Hiện tượng này có đặc điểm là nếu bé đang bị rung tay hay chân mà được nắm giữ tay hay chân lại thì hết. Đây không phải là bệnh lý và sẽ tự hết. Nếu bé rung tay chân mà khi nắm giữ lại không hết thì có thể là co giật. Khi  đó, chị cần đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng để khám và làm một số xét nghiệm như đo điện não đồ, xét nghiệm máu…để tìm nguyên nhân gây co giật như động kinh, hạ canxi máu, hạ magne máu…Nếu bé bị gồng mình nhiều kèm chậm lên cân, ọc sữa,  khóc đêm…thì có thể bé bị còi xương, cần đến bệnh viện Nhi đồng để xét nghiệm máu, chụp xquang xương để được điều trị bằng vitamin D liều cao.

Chúc chị và  bé mạnh khỏe.

Thân mến,

Bs Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Xin chào chị,

Như đã trả lời trên diễn đàn, nếu trẻ bú sữa mẹ (hoàn toàn hay có dặm thêm sữa bột) thì cần uống thêm vitamin D 400 UI mỗi ngày cho đến khi uống được mỗi ngày 1 lít sữa bột  (sữa công thức) hay sữa tươi có bổ sung vitamin D. Trong 1 lít sữa công thức thường có ít nhất là 400 UI nên nếu trẻ bú sữa công thức mà bú ít hơn 1 lít sữa mỗi ngày thì nên bổ sung bằng vitamin để đủ nhu cầu 400 UI vitamin D mỗi ngày. 

Có 2 dạng vitamin D là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Dạng vitamin D3 có hiệu quả tốt hơn vitamin D2. Thuốc Calci Milk chứa 200 UI vitamin D3 và 50 mg Tricalci phosphat trong 5 mL, chị có thể sử dụng thuốc này để bổ sung vitamin D cho cháu.

Những nghiên cứu gần đây ở nhiều nơi trên thế giới như Đức, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Trung Quốc…cho thấy trẻ vị thành niên cũng bị thiếu vitamin D nên Hội Nhi Khoa  Hoa Kỳ cũng khuyến cáo tiếp tục đảm bảo cung cấp cho trẻ lớn và trẻ vị thành niên 400 UI vitamin D mỗi ngày, bằng cách uống sữacó bổ sung vitamin D hay dùng thuốc multivitamin. Như vậy, chị có thể phải bổ sung vitamin D cho trẻ lâu dài,  miễn sao đủ nhu cầu 400 UI vitamin D mỗi ngày, ít nhất là đến khi trẻ được 18 tuổi.

Chúc chị và cháu luôn khỏe mạnh.

Bs. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Thai nhi nằm trong bụng mẹ nhiệt độ trung bình là 37 độ C. Khi vừa chào đời nhiệt độ môi trường thường thấp hơn trong bụng mẹ (# 29 – 30 độ C), do vậy cần mặc ấm cho bé. Thời gian càng về sau cơ thể bé dần thích nghi với môi trường bên ngoài. Sau mổ 5 ngày như rường hợp của bạn có thể để nhiệt độ phòng khoảng 27 – 28 độ là được, và vẫn cần giữ ấm cho bé thêm bằng quần áo và khăn.

Với những bé non tháng nhẹ cân cần giữa ấm hơn những bé đủ tháng.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh Tước,

Nếu vợ anh không bị viêm gan B thì  con anh sẽ được tiêm ngừa viêm gan B nhắc lại lúc 2 tháng tuổi. Tờ rơi đã phát cho anh ghi rằng đưa bé đến phòng khám lúc 1 tháng tuổi để khám tổng quát và chích ngừa là dành chung cho tất cả các đối tượng trẻ sơ sinh đã được tiêm ngừa  viêm gan B sau khi sinh, bao gồm cả trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B và không bị viêm gan B.

Những trẻ có mẹ bị viêm gan B sẽ được tiêm theo phác đồ 0-1-2- 12 nghĩa là mũi đầu tiên ngay tại phòng sinh, mũi thứ 2 khi được 1 tháng tuổi, mũi  thứ 3 khi được 2 tháng tuổi và nhắc lại lúc 12 tháng tuổi. Những trẻ có mẹ không bị viêm gan B sẽ được tiêm theo phác đồ 0-2-4 nghĩa là mũi đầu tiên tiêm sau khi sinh, mũi thứ 2 tiêm khi được 2 tháng tuổi, mũi thứ 3 tiêm khi 4 tháng  tuổi.  Chúng tôi đã soạn lại tờ rơi với  nội dung rõ ràng hơn để tránh sự hiểu lầm cho cha mẹ các bé.

Các vắc xin ngừa viêm gan B hiện sử dụng tại bệnh viện Từ Dũ đều là vắc xin tái tổ hợp, sản xuất từ tế bào nấm men (còn một loại khác là vắc xin sản xuất từ huyết thanh của bệnh nhân viêm gan B) nghĩa là đều có thành phầnchính để tạo miễn dịch cho cơ thể tương tự nhau. Vì  vậy, anh không  nhất thiết phải tiêm cùng một loại vắc xin ngừa viêm gan B mà có thể tiêm cho con anh vắc xin Infanrix  HEXA (phòng ngừa Bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não mũ do HIB,  viêm gan B) hay vắc xin Pentaxim (phòng gừa Bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho  gà, viêm màng não mũ do HIB) kèm thêm Engerix-B đều được.

Về mặt lý thuyết, hiệu quả tạo miễn dịch là tương tự vì các thành phần chính tạo miễn dịch là như  nhau và theo như tôi biết thì hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào  so sánh hiệu quả miễn dịch của việc tiêm ngừa viêm gan B cùng một loại vắc xin và tiêm ngừa bằng các loại vắc xin khác nhau. Anh có thể tham khảo thêm về tiêm ngừa vắc xin viêm gan B tại trang web của CDC (http://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/downloads/hepb.pdf)

Mong rằng câu trả lời của tôi giúp  ích cho anh, nếu anh còn gì muốn hỏi thêm chúng tôi sẽ sẵn sàng giải đáp.

Kính chúc gia đình anh luôn mạnh  khỏe.

Bs CK1 Nguyễn Thị Từ Anh
  Phó trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị…thân mến!

Đầu tiên, tôi xin hoan nghênh chị đã cho con bú sữa  mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ nhỏ.

Tuy  nhiên, con chị lại có những triệu chứng của thiếu vitamin D. Vitamin này có thể được tổng hợp nhờ những tiền chất ở da dưới tác động của tia cực tím trong ánh nắng. Tuy nhiên, khả năng tổng hợp này lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết (trời nhiều mây hay khói bụi nhiều sẽ làm giảm tia cực tím), phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc trực tiếp của da với ánh nắng.

Một nguồn cung cấp vitamin D khác cho trẻ bú mẹ là qua sữa mẹ và nguồn này lại phụ thuộc chủ yếu vào chế độ ăn của mẹ. Có vài thức ăn trong tự nhiên có chứa vitamin D như cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu gan cá, gan bò, phô mai, và lòng đỏ trứng. Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng lượng vitamin D trong sữa mẹ rất ít. Dù mẹ có uống bổ sung 400 UI vitamin D mỗi ngày thì lượng vitamin D trong 1 lít sữa mẹ chỉ có <25 đến 78 UI vitamin D.  Vì vậy, vào năm 2007, Hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã ra khuyến cáo nên bổ sung vitamin  D cho trẻ bú mẹ mỗi ngày 400 UI, bắt đầu từ vài ngày tuổi cho đến suốt giai đoạn nhũ nhi, chỉ ngưng khi trẻ đã cai sữa mẹ và uống được mỗi ngày 1 lít sữa công thức hay sữa tươi có bổ sung vitamin D. Chị có thể cho bé uống bổ sung vitamin D 400 UI mỗi ngày bằng các thuốc xiro polyvitamin hay xiro vitamin D có rất nhiều  trên thị trường.

  Bs CKI Nguyễn Thị Từ Anh
  Phó trưởng khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ