tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào chị Nga, 

Theo chị mô tả thì bé của chị phát triển bình thường. Bé chậm mọc răng có thể do di truyền hoặc do cơ địa chậm mọc răng, sau này sẽ mọc một lượt 4-5 cái. Chị có thể cho bé gặm ruột bánh mì, bánh quy, tập ăn lợn cợn để kích thích nướu răng của bé. Bé có rối loạn tiêu hóa, chị có thể cho bé uống các vi khuẩn sống có lợi cho đường ruột  (Antibio, Kidlac...), ăn cháo nấu với cà rốt, uống nước cà rốt hầm (500g cà rốt gọt vỏ hầm với 1 lít nước). Nếu bé đi cầu nhiều lần hơn hay phân có đàm, máu, sốt, ói,  ăn kém...thì đưa bé đi khám bệnh. 

Thân mến. 

   BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
  Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thủy, 

Theo như chị mô tả thì bé không bị táo bón. Chị nên xoa bụng bé bằng baby oil khi bé đi cầu để giúp ruột co bóp mạnh hơn, giúp bé đi cầu dễ hơn. Chế độ ăn của chị như vậy là tốt cho sữa mẹ. Chị chỉ cần giữ nguyên tắc "Ăn chín, uống sôi, thực phẩm an toàn" là được. Chị cũng nên uống thêm sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú (sữa bà bầu) để đảm bảo đủ canxi cho mẹ và bé nhé. 

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
  Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh Học, 

Em bé có thể do không nuốt sữa kịp vì sữa xuống nhiều hay do tư thế mẹ bế bé chưa thật thoải mái. Mẹ bé nên dùng ngón tay kẹp đầu vú để giảm lượng sữa xuống giúp bé bú dễ hơn. Khi bế bé thì phải úp bụng bé vào bụng mẹ, lưng quay ra ngoài để đầu, cổ và lưng bé cùng trên một đường thẳng thì bé mới dễ nuốt. Nếu để bé nằm ngửa trên đùi mẹ, mặt quay vào trong vú mẹ sẽ làm cổ bé bị vặn, khó nuốt. Anh nên cho bé uống thêm 400 UI vitamin D mỗi ngày để phòng ngừa thiếu vitamin D ở trẻ bú sữa mẹ. 

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thùy Trang,

Em bé của chị có thể bị trào ngược dạ dày thực quản. Chị nên đưa bé đến khám chuyên khoa tiêu hóa để được siêu âm bụng chẩn đoán và uống thuốc chống trào ngược. Trước mắt, chị nên cho bé uống 400 UI (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày vì bé bú sữa mẹ hoàn toàn dễ thiếu vitamin D và phơi nắng không đảm bảo hoàn toàn được hiệu quả (vì còn phụ thuộc   vào nhiều yếu tố như sự thường xuyên, mức độ da tiếp xúc ánh nắng, mây mù và khói bụi có thể cản trở những tia có lợi...).

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thủy,

Các khe chị mô tả được gọi là các đường liên thóp, là khoảng hở giữa các mảnh xương đầu. Nếu các khe này rộng trên 1 cm mới có thể là bất  thường. Chị thử đo vòng đầu của em bé (phia trước qua giữa trán và phía sau qua chỗ nhô ra cao nhất của xương đầu phía sau) và so sánh với vòng ngực (đo ngang qua 2 núm vú). Nếu vòng đầu lớn hơn vòng ngực trên 3 cm thì có thể vòng đầu lớn, khi đó chị nên đưa bé đi siêu âm xuyên thóp (siêu âm não) để xem có gì bất thường kèm theo không. Nếu chị đang cho con bú thì không xổ giun được. Ngứa và khó chịu ở hậu môn có thể do giun kim nhưng cũng có thể do trĩ ngoại. Chị nên rửa kỹ hậu môn bằng vòi nước xịt mỗi buổi sáng để rửa sạch trứng giun, bôi pomade (cream) No rash để giảm ngứa.

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Hồng,

Nếu phân bé bất thường, chị nên đưa bé đi khám bệnh và mang theo tã có dính phân để bác sĩ xem.

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Gấm,

Khoảng vài tuần (trên 2 tuần) sau tiêm chủng vắc-xin viêm gan B,  em bé sẽ có kháng thể chống lại bệnh viêm gan B. Vắc-xin viêm gan B có hiệu quả bảo vệ trên 95%. Nếu được tiêm Hepabig thì bé sẽ được bảo vệ ngay sau tiêm và hiệu quả bảo vệ sẽ kéo dài khoảng vài tháng. Em bé của chị không cần tiêm nhắc lại Hepabig. Chị cần cho bé xét nghiệm máu kiểm tra lại HBsAg và anti HBs vào lúc 9 - 18 tháng tuổi để kiểm tra hiệu quả chích ngừa và xác định bé có bị lây viêm gan không.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Mai, 

Sinh hút đúng chỉ định và kỹ thuật sẽ không ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động của em bé. Chỉ khi bị ngạt thì bé mới bị ảnh hưởng. Nếu thật sự sinh hút làm ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động thì kỹ thuật này đã bị cấm rồi. Chị cứ yên tâm, các bác sĩ luôn chọn lựa cách sinh nào tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Em bé của chị có cân nặng trung bình, chiều cao khá tốt. Hay nói khác đi, chiều cao phát triển nhanh hơn cân nặng. Vì vậy, chị có thể thấy bé hơi ốm nhưng phát triển như vậy vẫn bình thường. Chị cho bé bú mẹ hoàn toàn là rất tốt. Chị cố gắng duy trì bú mẹ càng lâu càng tốt nhé, ít nhất phải được 6 tháng. Bé bú mẹ hoàn toàn nên được uống 400 UI vitamin D mỗi ngày. Chị cho bé  bú ngồi là rất đúng. Khi thấy bé sặc sữa, chị nên cho bé nằm sấp lại, vỗ lên giữa 2 xương bã vai năm cái, chùi sạch miệng bé rồi lật ngửa bé lên. Nếu thấy còn sữa hay đàm nhớt ở mũi miệng thì dùng miệng hút sạch. Nếu bé vẫn tím tái, chưa khóc thì ấn vào vùng xương ức của bé, đoạn dưới đường nối 2 núm vú khoảng 2cm. Nếu bé vẫn chưa hồng, chưa khóc được thì chị tiếp tục lặp lại tuần tự 2 động tác  trên.

Bé 2 tháng tuổi vẫn còn giật mình khi ngủ, đây là phản xạ thần kinh bình thường của bé. Giấc ngủ của bé vào lứa tuổi này thường là chập  chờn, nhiều giấc ngủ ngắn nối tiếp nhau (khác với người lớn là ngủ một mạch từ tối đến sáng).

Nếu bé không ho, chảy nước mũi, không sốt thì không phải viêm hô hấp trên mà có thể bé bị trào sữa lên làm khò khè. Chị nên tăng cường trong bữa ăn hàng ngày những thực phẩm giàu can- xi như tôm (ăn luôn cả đầu và vỏ), cua, đậu hủ, bông cải xanh, phô mai. Ngoài ra, tháng thứ 2 bé lên cân hơi ít, nên chị cần bổ sung vào bữa ăn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, gan, trứng, rau xanh đậm...Nếu đang ngồi, đứng lên nhanh mà thấy có choáng váng hay mí mắt hồng nhợt thì nên uống thêm viên sắt.

Lần đầu tiên làm mẹ dĩ nhiên sẽ có nhiều bối rối. Chị cứ mạnh dạn gửi những thắc mắc của mình cho diễn đàn để chúng tôi cùng chia sẻ với chị. Ngoài ra, chị có thể mua những sách dạy chăm sóc con ở nhà sách để tham khảo,  chị sẽ tìm thấy những lời khuyên rất khoa học và bổ ích.

Chúc chị khỏe và thêm tự tin.
Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Uyên,

Em bé của chị sinh non nên tính theo tuổi đúng (tuổi điều chinh) thì bây giờ em bé mới được 1 tháng tuổi. Vì vậy, cân nặng của bé bình thường. Em bé non tháng thường bị trào ngược dạ  dày thực quản, tình trạng này sẽ hết dần khi bé lớn hơn. Tuy nhiên, con chị bị trào ngược dạ dày thực quản nặng nên hay ọc sữa dẫn đến tím tái, trào ngược dịch axít trong dạ dày lên thực quản làm thực quản bị bỏng rát nên bé khóc, vặn vẹo khi bú. Bé cần được điều trị ở chuyên khoa tiêu hóa để ổn định tình trạng trào ngược này. Lượng bú mỗi ngày nên tối thiểu là 645 mL. Chị nên chia nhỏ cữ bú ra để giảm tình trạng trào ngược.

Ví dụ: 2 tiếng hay 2 tiếng rưỡi một lần để lượng sữa bú mỗi cữ giảm đi sẽ giảm trào ngược. Chị cũng có thể pha chung một nữa là sữa bình thường và một nữa là sữa chống trào ngược (Frisolac comfort hay Dumex antireflux) để làm sữa đặc hơn, giảm sự trào ngược.

Chúc chị và bé khỏe.
Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào  chị Phương,

Em bé của chị có cân nặng ở mức trung bình, chiều cao ở mức khá. Vì vậy, nhìn bé có vẻ ốm nhưng không suy dinh dưỡng. Bé sẽ ngủ khoảng 15 giờ/ngày, bao gồm khoảng 5 giờ tổng cộng vào ban ngày và 10 giờ vào ban đêm. Bé của chị có thể bị còi xương do thiếu vitamin D. Chị nên cho bé uống 01 mL sirô APPETON mỗi ngày. Riêng chị nên uống thêm 2 ly sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú (sữa bà bầu) mỗi ngày. Chị cũng nên ăn thêm các thực phẩm giàu canxi như tôm (ăn luôn đầu và vỏ), cá (cá nào ăn luôn cả xương), đậu hủ, bông cải xanh, phô mai…. để tăng lượng canxi trong sữa mẹ.

Chúc  chị và bé khỏe,
Thân  mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

 

05tháng 08
Chào chị Tuyết,

Bé của chị phát triển về thể chất và tâm thần rất tốt nên tôi không nghĩ là bé bị còi xương thiếu vitamin D. Hiện tượng rụng tóc của bé có ngay từ lúc mới sinh nên rất có thể do bẩm sinh, chị có thể đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được tư vấn thêm. Nếu bé có triệu chứng khóc thét khi ngủ, có thể do thần kinh bé bị kích thích. Vì vậy, sau 18 giờ, chị không nên để bé giỡn cười nhiều, không cho bé xem tivi. 

Thân  mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào chị Nga,

Nếu mí mắt của bé không đỏ rực, chỉ chảy ghèn trắng, không bị ghèn vàng, không sưng mắt thì có thể chỉ là nghẹt tuyến lệ. Chị có thể dùng ngón út để day khóe trong của mắt trái theo chiều kim đồng hồ, mỗi lần làm 10 cái, ngày làm 6 lần. Sau khi day thì lau mắt sạch bằng gạc vô trùng tẩm nước muối sinh lý, rồi nhỏ 2 giọt nước muối sinh lý. Chị thử làm như vậy 1 tuần, nếu không đỡ thì đưa bé đến bệnh viện Mắt để thông tuyến lệ.

Nếu bé không khóc đêm, bú tốt, lên cân tốt, không thường xuyên ọc sữa thì không phải còi xương do thiếu vitamin D. Tuy nhiên, chị vẫn có thể cho bé uống bổ sung vitamin D 400 UI/ngày nếu bé bú mẹ hay bú sữa công thức mà ít hơn 1000 mL/ngày.

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phó trưởng phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ