tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào chị Thủy,

Chị có thể đưa bé đi trễ hơn ngày sinh 1-2 ngày, hay sớm hơn ngày sinh 1-2 ngày nếu ngày sinh của bé trùng vào 2 ngày cuối tuần.

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phó trưởng phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Son,

Sốt phát ban có thể do nhiều loại virus khác nhau. Vì vậy, em bé có thể bị nhiều lần trong đời chứ không phải chỉ bị một lần duy nhất. Nếu bé đã từng bị dị ứng thì gọi là có tiền sử dị ứng. Chị nên ghi lại trong một cuốn sổ thức ăn bé ăn mỗi ngày để nếu bé bị dị ứng nhiều lần thì sẽ suy ra được bé bị dị ứng với thức ăn nào để tạm thời ngưng thức ăn đó. Cách khác để tìm ra thức ăn mà bé bị dị ứng là làm xét nghiệm tìm dị ứng nguyên ở bệnh viện Da liễu. Siro Phenergan để điều trị dị ứng, nếu dùng cho trẻ dưới 2 tuổi có thể không an toàn vì có tác dụng phụ gây ngủ nhiều và có thể làm rối loạn nhịp thở. Nếu bé bị dị ứng, chị nên đưa bé đến bệnh viện Da liễu để được điều trị.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phó trưởng phòng TCCB - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Diệp,

Em bé của chị lên cân bình thường và được bú mẹ hoàn toàn là rất tốt. Bé bú sữa mẹ có thể đi phân lỏng, xanh. Nếu phân không có đàm máu, không hôi tanh là bình thường. Nếu bé  hắt hơi mà không chảy mũi thì có thể bé dị ứng với bụi, mạt nhà…Chị có thể nhỏ mũi cho bé bằng Natri clorid 0,9%. Bé của chị hay bị ọc sữa nên có thể sữa sặc vào đường thở làm bé ho (Nếu ho do viêm hô hấp thì thường là ho đàm, kèm theo sổ mũi, sốt). Để tránh ọc sữa, chị nên bế bé ở tư thế đứng khoảng 20 phút sau khi bú. Khi bé nằm, nên lót khăn lông dưới vai và đầu sao cho vai và đầu bé cao  khoảng 300. Mỗi sáng, chị nên cho bé phơi nắng sáng ít nhất 20 phút, uống 400 đơn vị (UI) vitamin D. Chị nên uống thêm 2 ly sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú (sữa bà bầu) mỗi ngày, ăn đầy đủ chất để tăng lượng sữa và tăng chất lượng sữa cho bé. Nếu tình trạng ọc sữa không giảm thì chị nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát  triển của bé.

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh Khôi,

Bé chích ngừa lao sẽ có nổi mụn mủ ở vết chích. Đó là phản ứng bình thường nhưng nếu anh thấy vết chích sưng đỏ nhiều, nổi mủ nhiều thì nên đưa bé đến bệnh viện để khám.

Thân  mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ


Chào  chị Dung,

Thuốc 5 trong 1 dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Quốc gia tên là  QUINVAXEM, có tác dụng phòng ngừa 5 bệnh là ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi B và Hemophilus Influenzae type B (HIb). Mũi tiêm Quinvaxem này sẽ được kèm với 1 liều  thuốc vắc- xin uống ngừa bại liệt. Mũi tiêm 6 trong 1 tên là INFANRIX HEXA có tác dụng phòng ngừa 6 bệnh là bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B và Hemophilus Influenzae type B (HIb). QUINVAXEM là vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào còn INFANRIX HEXA có thành phần ho gà vô bào nên INFANRIX ít gây những tác dụng phụ như sốt, đau, sưng tại chỗ hơn. Thành phần bại liệt trong INFANRIX là virus đã làm chết còn vắc-xin uống ngừa bại liệt là virus sống. Nhìn chung, hiệu quả phòng ngừa của 2 vắc-xin này là như nhau. Hiện tại, vắc-xin tả không dùng trong chương trình tiêm chủng thường quy cho trẻ dưới 2 tuổi mà chỉ có vắc-xin ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus (dạng uống). Rotavirus là nguyên nhân của 50% bệnh tiêu chảy xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi và thường gây tiêu chảy nặng phải nhập viện. Bé từ 2 tháng tuổi có thể uống vắc-xin ngừa Rotavirus và phải uống tổng cộng 2 liều (cách nhau 1 tháng). Liều cuối cùng  phải uống trước 6 tháng tuổi.

Thân  mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Hồng,

Chị nên đưa bé đến Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chứ  năng của Bệnh viện (Lầu 1, Làng Hòa Bình, cạnh căntin bệnh viện) để khám. Chị có thể đưa bé đến khám mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ và buổi chiều từ 13 giờ đến 15 giờ. Chị chỉ cần đem theo giấy xuất viện của mẹ và sổ sức khỏe của bé.

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Phượng,

Nếu bé bú sữa bình thì có thể đi cầu chỉ 1 lần mỗi ngày. Nếu bé bú sữa mẹ thì sẽ đi nhiều lần hơn (với điều kiện bé bú đủ sữa, mẹ ăn đủ chất xơ).

Giấc ngủ bình thường của bé sơ sinh không sâu và say như của trẻ lớn và người lớn. Những cử động và vặn mình trong giấc ngủ được xem là bình thường nếu không làm bé thức giấc quấy khóc. Chị nên cho bé phơi nắng sáng, uống thêm vitamin D3 400 UI/ngày. Nếu cho bú sữa mẹ thì mẹ   nên uống ít nhất 2 ly sữa dành cho bà bầu và bà mẹ nuôi con bú mỗi ngày. Lông sau lưng không làm cho bé ngứa và khó chịu. Nhưng nếu bà nội nói thế thì theo kinh nghiệm cá nhân tôi, chị cũng không nên cãi, sẽ làm mất hòa khí trong gia đình. Bà muốn chà lưng cho rụng lông cũng được vì   việc đó vô hại nếu không làm da bé bị tổn thương vì dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh- Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Nga,

Bé 6 tháng ngủ trung bình 14 giờ/ngày với 10-11 giờ ban đêm và 3-4 giờ ban ngày (chia ra làm 2 giấc). Giấc ngủ đêm thường kéo dài khoảng 6-8 tiếng thì thức dậy rồi ngủ lại. Thông thường, khoảng 70-80% bé 9 tháng tuổi ngủ thẳng giấc vào ban đêm nên bé của chị ngủ chưa thẳng giấc cũng không bất thường. Tóm lại, con của  chị không ngủ ít nhưng ngủ ngày hơi nhiều nên đêm có thể khó ngủ. Bé 6 tháng tuổi đã có thể “học” và chị có thể bắt đầu dạy cho bé được qua những trò chơi kích thích các giác quan nên ban ngày, chị nên chơi với bé nhiều hơn để bé ngủ ít hơn một chút, tối sẽ ngủ ngon hơn.

Chị có thể cho bé ăn cháo xay nhuyễn với đủ 4 nhóm thức ăn (tinh bột, đạm, béo, rau  củ). Cân nặng của bé tốt và phát triển vận động tốt nên chuyện đổ mồ hôi gáy khi ngủ có thể do nóng nực thôi (vì bé khá bụ bẫm). Chị có thể cho bé nằm gối đầu trên khăn lông để hút mồ hôi tốt và giữ nhiệt độ phòng khoảng 27-280C để bé dễ chịu.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh- Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Trang,

Em bé dưới 3 tháng tuổi có thể ngủ một ngày tổng cộng 15 tiếng  và bé chưa ngủ suốt trong đêm mà vẫn thức dậy mỗi 3-4 giờ để bú. Ban ngày bé cũng sẽ thức dậy thường xuyên hơn để bú. Buổi tối, chị nên tắt đèn và giữ yên lặng trong phòng từ khoảng 8 giờ để bé được ngủ sớm hơn. Ở lứa tuổi này, chưa thể tập cho bé “điều độ” nhưng chị có thể bắt đầu tập những thói quen đi ngủ cho bé. Chị có thể tham khảo bài viết về giấc ngủ của trẻ nhỏ trên trang web của bệnh viện để áp dụng cho bé.

Hẹp da quy đầu là hiện tượng da ở đầu dương vật túm lại, không thể tuột lên để lộ ra quy đầu của dương vật. Hiện tượng này được xem là sinh lý ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Gần như 99% trẻ sơ sinh bị hiện tượng này. Nếu em bé đi tiểu bình thường, không phải rặn nhiều, tiểu ra được tia nước tiểu bình thường thì không cần can thiệp gì. Ngược lại, chị có thể đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng khám chuyên khoa Ngoại nhi để bác sĩ nong cho bé.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh Hòa,

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia gồm các loại vắc-xin sau: BCG (ngừa lao), viêm gan B, Quinvaxem (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, HiB và viêm gan siêu vi B), bại liệt, sởi. Vắc-xin phòng tả không nằm trong chương trình này.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Tuyết,

Tôi thấy chị rất chịu khó cho bé bú sữa mẹ, vừa vắt vừa cho bé bú trực tiếp là rất tốt. Bé bú sữa mẹ thường có phân nhớt và chua, lỏng nên chị yên tâm. Em bé chỉ bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi, nên bé của chị ăn dặm hơi sớm, dễ bị khó tiêu. Trước sáu tháng tuổi, bé chỉ nên bú sữa và bú khoảng 8 cữ/ngày. Lượng sữa của  bé bú mỗi cữ tối thiểu là khoảng 155 mL (nếu bú 8 cữ/ngày). Vì vậy, lượng sữa  bé của chị bú bằng bình không cần tăng thêm mà cần tăng thêm cữ bú mẹ trực tiếp ban đêm. Chị nên vắt sữa đều đặn mỗi 3 giờ (nếu đi làm không cho bú được ngay thì để tủ lạnh) để kích thích tiết sữa nhiều hơn. Chị không nên tăng thêm cữ ăn dặm vì sẽ làm bé thêm khó tiêu. Khi bé được 6 tháng tuổi, chị có thể cho bé ăn dặm 2 cữ mỗi ngày và xen kẽ giữa bột vị ngọt và bột thịt. Lượng ăn dặm ban đầu không cần nhiều, chủ yếu là để “giới thiệu” thức ăn mới cho bé. Để tập cho bé ăn trứng, chị có thể dùng một nửa lòng đỏ trứng gà (lần đầu ăn có thể lấy ít hơn nửa lòng đỏ) khuấy vào bột, pha thêm rau/củ và dầu ăn. Nếu bị dị ứng, bé sẽ có triệu chứng nổi mề đay hay nổi mẩn đỏ nhiều quanh miệng. Nếu triệu chứng  không nhiều sẽ tự khỏi, nếu nhiều thì chị nên đưa bé đến bệnh viện da liễu để khám và điều trị. Nếu ăn 3 lần mà bé không có triệu chứng gì thì có thể đưa bé đi chích ngừa cúm (không cần chích ngay lúc 6 tháng tuổi mà trễ hơn vẫn được).

Chúc chị duy trì thật lâu nguồn sữa mẹ quý giá.
Thân  mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Kính gửi chị Thoa

Xin chia buồn cùng chị và gia đình về cháu gái bị mất vì ung thư máu trước đây. Ung thư máu có nhiều thể, trong đó ung thư bạch huyết là thể phổ biến hơn.

Hiện nay bệnh viện Từ Dũ có thể thực hiện các chẩn đoán trước sinh khảo sát một số bất thường bẩm sinh như: dị tật hình thể, đột biến gen gây bệnh thiếu máu..., đột biến nhiễm sắc thể gây hội chứng Down.... từ lúc thai 11 tuần tuổi.

Tuy nhiên công tác chăm sóc trước sinh chưa có hướng dẫn nào trong việc chẩn đoán tìm đột biến gen gây ung thư máu ở giai đoạn thai.

Việc yên tâm, khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán phù hợp cho thai hiện tại là việc hết sức quan trọng trong giai đoạn này. Chị nên sớm đến Đơn vị chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Từ Dũ để được xem xét, khám, tư vấn, thực hiện xét nghiệm và theo dõi thai kỳ cho phù hợp.

Chúc chị sức khỏe và may mắn.
Trân trọng.

ThS. BS. Nguyễn Khắc Hân Hoan
  Khoa Xét nghiệm di truyền y học - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ