tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Chào anh Quí,
   
Bạn nên đưa bé đến phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng hay Trung tâm Dinh dưỡng để các bác sĩ xác định bé có bệnh lý gì khác không hay chỉ biếng ăn sinh lý do nhiễm siêu vi.
   
Thân mến 
 

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Lê,

Chúng tôi rất vui vì những tư vấn của chúng tôi có thể giúp ích cho việc chăm sóc bé của chị. Bé của chị hiện tại có cân nặng và chiều cao trong khoảng bình thường nhưng cân nặng phát triển kém hơn chiều cao. Chị cần tăng thêm sữa cho bé, có thể bằng cách đút thêm sữa bột hay sữa mẹ vắt ra pha thêm sữa bột để tăng thêm năng lượng. Ngoài ra, chị cũng có thể cho bé ăn cháo có bơ động vật (VD: bơ President), phô mai (VD: cháo trứng + phô mai/bơ+bí đỏ; cháo khoai tây+cua+ bơ/phô mai; cháo thịt bò + bơ + bông cải xanh). 

Lượng cháo bé ăn mỗi bữa không nhiều nên chị có thể cho bé uống thêm sữa sau khi ăn cháo (khoảng 60 -100 mL sữa). Chị nên tăng thêm lòng đỏ trứng trong thực đơn của bé, mỗi tuần ăn ít nhất 3 lần trứng. Chị cũng nên tăng thêm chất béo cho bé, phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ (tự mua mỡ về thắng ra, hầm xương ống lấy nước nấu cháo). Tuy nhiên, không nên thường xuyên hầm xương lấy nước nấu cháo vì dễ làm bé ngán. Thỉnh thoảng, chị có thể thay gạo bằng khoai tây vì khoai tây vừa có tinh bột vừa có chất xơ. Tôi gợi ý cho chị 2 "thời khóa biểu" để chị tham khảo.

4-5 giờ

Bú mẹ

7 giờ

Ăn cháo

9 giờ

Uống sữa

11 giờ

Ăn cháo

12 giờ

Ngủ trưa

14 giờ

Ăn trái cây trộn sữa chua

15 giờ

Uống nước trái cây

16 giờ

Ăn cháo

18 giờ

Uống sữa

21 giờ

Bú mẹ



4-5 giờ

Bú mẹ

7 giờ

Ăn cháo + Uống sữa

11 giờ

Ăn cháo + Uống sữa

12 giờ

Ngủ trưa

14 giờ

Ăn trái cây trộn sữa chua

15 giờ

Uống nước trái cây

16 giờ

Ăn cháo + Uống sữa

21 giờ

Bú mẹ

   

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
 
Em bé có thể uống thuốc ngừa tiêu chảy từ 2 tháng tuổi đến 5 tháng tuổi. Vắc xin này gồm 2 lần uống, cách nhau 1 tháng và sẽ giúp bé tránh   được bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus đến 3 tuổi. Rotavirus là nguyên nhân gây tiêu chảy nặng phải nhập viện và là nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp nhất ở Việt Nam (10 bé tiêu chảy thì 5 bé do Rotavirus). Ở bệnh viện Từ Dũ có vắc xin ngừa Rotavirus, bạn có thể cho bé uống vào lúc 4 tháng tuổi, khi đi tiêm ngừa mũi tổng hợp lần thứ 3.
 
Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Mũi tiêm tổng hợp ngừa các bệnh Bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hemophillus influenzae (viêm hô hấp, viêm phổi và viêm màng não mủ) được tiêm tổng cộng 3 mũi, bắt đầu từ 2 tháng tuổi, cách nhau ít nhất 1 tháng. Em bé của bạn mới tiêm được 1 mũi, còn thiếu 2 mũi. Bạn nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế có tiêm ngừa để bé được tiêm. Khi bé có bệnh chị cũng nên đưa bé đi tiêm ngừa vì bác sĩ sẽ khám và quyết định bệnh lý này có thể tiêm ngừa được không. Các trường hợp cảm nhẹ không sốt, tiêu chảy nhẹ... vẫn có thể tiêm ngừa được.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thương,
   
Nếu phòng chụp Xquang đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về an toàn thì sẽ không ảnh hưởng sức khỏe của những người xung quanh.  

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
P. Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị,
 
Bệnh viện Từ Dũ đã chích vắc xin 6 trong 1 (Infanrix) từ năm 2007.  Giá vắc xin là 566.000 đồng, kèm 10.000 đồng tiền kim,ống chích và công  chích. Thuốc 5 trong 1 của Chương trình Tiêm chủng mở rộng là Quinvaxem,  ngừa 5 loại bệnh là Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Viêm gan siêu vi B, Hemophillus Influenzae. Vắc xin 6 trong 1 có thêm thành phần ngừa Bại liệt. Vắc xin 5 trong 1 không có thành phần ngừa Bại liệt mà bé sẽ được uống kèm vắc xin Sabin ngừa bại liệt. Thành phần ngừa Ho gà trong vắc xin 6 trong 1 là thành phần tinh chế hơn nên giảm được các tác dụng phụ của thuốc như sốt, đau, sưng đỏ tại chỗ chích. Tuy nhiên, tác dụng phòng bệnh của cả 2 loại vắc xin đều như nhau.
 
Thân mến 
 

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
P. Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

16tháng 04
Chào chị,

Em bé của chị bị vàng da kéo dài. Nguyên nhân thường gặp là vàng da do sữa mẹ (không cần điều trị, vẫn tiếp tục cho bú sữa mẹ được) nhưng cũng có thể do bệnh lý về gan mật (viêm gan siêu vi, tắc đường mật bẩm sinh...). Xét nghiệm một lần có thể chưa chẩn đoán được bệnh mà có thể cần xét nghiệm lại và siêu âm gan mật. Chị cần đưa bé đến khám chuyên khoa tiêu hóa.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
P. Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Thiện,
     
Rất tiếc bạn không cho biết rõ bạn hoặc vợ bạn đang nằm ở khoa nào, họ tên cụ thể là gì để tôi tìm hiểu thông tin chính xác cho bạn. Thông thường, sau khi sinh, tất cả các em bé (trừ những trường hợp non tháng) sẽ được làm các xét nghiệm tầm soát các bệnh lý bẩm sinh như thiếu men G6PD (bệnh lý về máu), suy giáp bẩm sinh và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Ngoài ra, nếu bé bị vàng da sẽ làm xét nghiệm để theo dõi nồng độ chất gây vàng da để quyết định điều trị cho bé hoặc nếu bé nguy cơ bị nhiễm trùng nước ối (mẹ vỡ ối sớm, nước ối có phân su, mẹ bị sốt...) thì bé cũng sẽ được làm xét nghiệm để phát hiện kịp thời dấu hiệu nhiễm trùng nước ối. Bạn yên tâm là chúng tôi rất hiểu việc lấy máu xét nghiệm gây đau đớn cho bé nên hạn chế việc này đến mức tối thiểu. Tuy nhiên, khi cần phải chẩn đoán bệnh nhằm điều trị kịp thời cho bé thì vẫn phải làm.
     
Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Mai,
   
Hiện tượng như chị mô tả có thể do ảnh hưởng của những chất trong người của mẹ (nội tiết tố) còn tồn lưu trong người em bé và sẽ tự hết. Hiện tượng này không phải em bé nào cũng có vì còn tùy thuộc lượng chất tiết ra của mỗi bà mẹ truyền qua nhau thai đến em bé. Tuy nhiên, để đảm bảo chẩn đoán chính xác, chị nên đưa bé đến khám bệnh.
   
Thân mến.
   

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Linh,
 
Bạn không nói rõ là em bé hiện được bao nhiêu tháng và nặng bao nhiêu ký. Nếu bé đang 3 tháng tuổi và nặng 5,2 Kg thì lượng sữa tổng cộng nguyên ngày hiện tại là đủ (150 mL x cân nặng). Nếu bé bú trên 500 mL sữa công thức mỗi ngày thì không cần uống thêm canxi, chỉ cần bổ sung vitamin D để có thể hấp thu được lượng canxi trong sữa. Ngoài ra, em bé cần được phơi nắng sáng để tăng lượng vitamin D được tổng hợp tại da. Em bé 3 tháng tuổi thì thường không mọc răng mà 6 tháng tuổi mới mọc răng. Khoảng 4 tháng tuổi bé sẽ có hiện tượng chảy nước miếng nhiều do tuyến nước bọt bắt đầu phát triển. Nếu bé chán bú và có vẻ khó chịu thì bạn nên đưa bé đi khám bệnh vì có thể bé bị ốm (viêm họng, rối loạn tiêu   hóa....).
 
Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Nga,

Bé của chị bị táo bón nên rách hậu môn. Chị nên tăng lượng nước trái cây, nước chín và rau/củ trong khẩu phần của bé hàng ngày. Nếu bé đã trên 6 tháng tuổi, chị có thể tăng lượng trái cây bé ăn bằng cách làm sinh tố: xay trái cây trộn thêm sữa chua hay trộn thêm sữa (sữa bột đã   pha nếu bé dưới 12 tháng tuổi hoặc có thể thay sữa tiệt trùng nếu bé trên 12 tháng tuổi).

Thân mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị,

Nhu cầu ngủ của bé 3 tháng tuổi ngủ mỗi ngày tổng cộng 15 giờ. Bé của chị ngủ đêm được 12 giờ thì ban ngày ngủ tổng cộng 3 giờ nữa (4 giấc, mỗi giấc 45 phút) là đủ.

Nấm miệng có thể làm bé biếng bú nên chị cần đưa bé đi khám bệnh để bác sĩ kê toa thuốc rơ miệng kháng nấm cho bé. Chị nên cho bé uống nước bằng muỗng sau khi bú bình và tăng bú sữa mẹ để giảm nấm miệng. Bé dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước nếu bú mẹ hoàn toàn và chỉ cần uống vài muỗng nước sau bú bình để làm sạch miệng. Chị không cần ép bé uống   nước thêm như trẻ lớn.
 
Lượng sữa của bé bú chưa đủ, chị nên tăng lượng sữa mẹ để bé tiêu hóa tốt hơn vì chỉ trong sữa mẹ mới có sẵn các men tiêu hóa để bé hấp thu tốt. Để tăng lượng sữa mẹ, chị cần vắt hết sữa mẹ còn trong vú sau mỗi cữ bú ra một bình sữa, để sữa này vào tủ lạnh (ngăn mát), cữ bú sau chị sẽ ngâm nóng sữa lại vào pha chung với sữa bột để bé bú. Bên cạnh đó, chị nên cố gắng uống mỗi ngày 1 lít sữa, ăn thêm thịt bò, đầu cá hồi, ăn mỗi ngày 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ), uống mỗi ngày thêm 2 lít nước (nước chín và nước trái cây) để tăng lượng sữa mẹ.
 
Khi bé được 3 tháng tuổi, các tế bào máu được tạo ra trong thời kỳ bào thai sẽ mất đi nhưng tế bào mới có thể chưa được cơ thể tổng hợp đủ nên bé sẽ bị thiếu máu sinh lý. Hiện tượng thiếu máu sẽ làm bé chán bú. Chị nên uống thêm viên sắt (nếu chị không bị bệnh Thalassemie hay một số bệnh lý khác mà bác sĩ dặn không được uống viên sắt) để tăng thêm chất sắt trong sữa mẹ vì lượng sắt trong sữa bột rất khó hấp thu. Ngoài ra, thiếu vitamin D cũng làm cho bé biếng bú. Chị có thể cho bé uống thêm 400 UI vitamin D mỗi ngày bên cạnh việc phơi nắng sớm mỗi ngày 15 phút.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ