tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Chào em,

Trước đây do có sự cố từ nước cung cấp huyết thanh kháng VGSVB (Hepapig) nên bệnh viện không có liên tục.

Hiện nay, nguồn cung cấp Hepapig đã ổn định, nên bệnh viện đã có thuốc để sử dụng ngay cho các bé sau sinh có mẹ nhiễm VGSVB nên bạn an tâm.

Chúc bạn sức khỏe.

CNHS. Thái Thị Lệ Thu
Phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị,

Em bé của chị có cân nặng, chiều cao và phát triển vận động bình thường. Mùa nóng thì bé có thể ra mồ hôi nhiều. Nếu bé không có biểu hiện biếng ăn, rụng tóc thì có thể không phải thiếu canxi. Em bé uống được trên 500 mL sữa mỗi ngày thì đã đủ nhu cầu canxi mỗi ngày. Chị chỉ cần cho bé uống bổ sung 400 UI vitamin D mỗi ngày và phơi nắng sáng. Có những bé mọc răng chậm bẩm sinh, nhưng khi mọc sẽ mọc nhiều cái một lúc. Chị cũng nên cho bé tập gặm ruột bánh mì, bánh quy để kích thích nướu răng.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

16tháng 05
Chào chị,

Sinh mổ vẫn có thể có sữa mẹ nhiều nếu chị cho bé bú vú đều đặn mỗi 2 tiếng đồng hồ, sau đó vắt sữa còn dư trong vú ra (bỏ hoặc để vào tủ lạnh để cữ bú sau ngâm nóng lại cho bú tiếp sau khi bú vú mẹ). Ngoài ra, chế độ ăn cần đầy đủ chất bổ dưỡng (thịt bò, trứng, phô mai), uống nhiều sữa (ít nhất 2 ly sữa "bà bầu") và tinh thần thoải mái, tin tưởng mình sẽ rất nhiều sữa. Bé 12 ngày tuổi có thể bú 80-90 mL mỗi 3 giờ (8 cữa mỗi ngày) hoặc 60 mL mỗi 2 giờ (12 cữ mỗi ngày).


Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh Hiệp,

Tôi giới thiệu anh 2 giải pháp nhé.

Giải pháp 1: Khi mẹ đi làm, mẹ cho bé bú vú trước khi đi, buổi trưa và sau giờ làm. Các cữ còn lại, mẹ vắt sữa mẹ ra cho vào bình và để tủ lạnh. Ở nhà sẽ cho bé bú bình (bằng sữa bột hoặc sữa mẹ vắt ra) hoặc đút muỗng. Thường các bé quen bú sữa mẹ sẽ không thích mùi vani của sữa bột nên mẹ có thể pha chung sữa mẹ và sữa bột nếu còn thiếu.

Giải pháp 2: Không cho bé bú vú mẹ trực tiếp nữa mà vắt sữa mẹ ra bình, pha thêm sữa bột nếu thiếu. Nhưng khi vắt sữa đều đặn mỗi 3 giờ, sữa mẹ thường sẽ tăng lên. Khi tập bú bình, mẹ không nên cho bé bú và cũng không nên "lảng vảng" trước mặt bé vì bé nghe mùi mẹ sẽ không chịu bú bình. Anh chị có thể soi thêm 1 lỗ trên núm vú hoặc dùng kéo mũi nhọn cắt núm vú thành hình chữ thập (nhỏ thôi) để sữa xuống nhiều hơn vì bé bú sữa mẹ đã quen sữa xuống nhiều.
Chúc anh chị kiên nhẫn và thành công
Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thu,

Bé của chị có thể bón do bú nhiều sữa công thức. Tốt nhất là chị nên tăng lượng sữa mẹ và giảm lượng sữa công thức lại. Để tăng lượng sữa mẹ, chị nên chú ý chế độ ăn: tăng lượng sữa chị uống (ít nhất 2 ly sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú hoặc ít nhất 1 lít sữa tươi mỗi ngày), tăng thịt bò, trứng. Chị cũng cần uống nhiều nước, kể cả nước trái cây. Mỗi ngày khoảng 3 lít nước. Sau mỗi cữ bú của bé, chị nên ngồi vắt hết sữa còn lại trong vú ra bình rồi để vào tủ lạnh. Cữ sau, chị ngâm nóng bình sữa này và cho bé bú sau khi bú vú mẹ. Nếu thiếu thì cữ sau sẽ cho bú sớm hơn hoặc nếu bé gây đòi bú tiếp thì mới cho bú sữa bột. Cữ nào cũng phải cho bú mẹ trước, không được để lâu quá 3 giờ. Cơ thể người mẹ có thể điều chỉnh lương sữa theo nhu cầu của bé. Chị cho bé bú càng nhiều thì sữa sẽ tiết ra càng nhiều nhưng nếu chị không cho bé bú thường xuyên sẽ bị mất sữa. Chị cố gắng giữ sữa mẹ cho bé nhé. Tuy nhiên, nếu tình huống bất khả kháng thì chị cũng có thể đổi sữa công thức khác để bé dễ đi cầu hơn

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh Thiện,

Theo quy định của Bộ Y tế, nếu mẹ của bé không bị viêm gan siêu vi B và bé chưa được chích ngừa ngay sau sinh mà đã quá 7 ngày tuổi thì sẽ đợi đến lúc 2 tháng tuổi sẽ chích ngừa mũi tổng hợp 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí). Mũi này có bao gồm cả mũi ngừa VGSV B. Như vậy, y tế tại địa phương của anh đã làm đúng theo quy định.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Trinh,

Thuốc Rotateq có thể uống liều cuối khi 32 tuần tuổi. Có rất nhiều loại thuốc bổ máu trên thị trường. Chị có thể chọn loại nào có phối hợp vừa sắt, axit folic, vitamin B6 và vitamin B12 sẽ có tác dụng điều trị thiếu máu tốt hơn. Nếu chị dễ bị bón khi uống sắt thì nên chọn loại có bổ sung sorbitol, uống giữa bữa ăn, tăng uống nước và tăng chất xơ. Chị có thể uống sữa Anlene để bổ sung canxi.


Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Khi cho bé ăn dặm, bạn có thể phối hợp dầu thực vật, dầu động vật, mỡ động vật (mua mỡ heo  hay mỡ gà về tự thắng ra làm mỡ), bơ. Mới đầu tập ăn, bạn có thể cho bé ăn dầu thực vật vì thường có mùi thơm, dễ ăn. Lưu ý là bạn sẽ trộn dầu ăn với cháo khi vừa nấu xong nên bạn cần chọn loại dầu dùng để trộn xà lách hay dầu dành cho trẻ ăn dặm, không nên mua loại dầu tổng hợp dùng để chiên xào bình thường. 


Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Sau khi bú, bạn nên vác bé lên vai trong 15-30 phút và xoa nhẹ lưng bé. Nếu bé không nuốt hơi nhiều thì sẽ không ợ nhưng cho dù bé có ợ ngay thì bạn vẫn phải duy trì thời gian vác bé như trên để sữa trong dạ dày dễ xuống ruột, khi nằm xuống bé sẽ không bị trào ngược sữa lên. Nếu lúc nào trong ngày nước tiểu của bé cũng có màu vàng thì bạn nên đưa bé đi khám.


Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị  Lam,

Cân nặng và chiều cao trung bình của bé 9 tháng tuổi là 8,9 Kg và 72 cm. Em bé của chị hơi bé nhưng không suy dinh dưỡng. Bé 9 tháng tuổi đã biết "kén ăn" nên chị cần nấu nhiều kiểu cháo và xen kẽ với súp xay để bé không ngán. Chị có thể tham khảo các công thức nấu cháo ăn dặm trong các sách  "Nuôi con mau lớn" (của Trung tâm Dinh dưỡng), " Thực đơn ăn dặm" (của Bs Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1) hoặc trên các trang web. Bên cạnh đó, chị cũng nên ráng ăn nhiều chất bổ và uống nhiều sữa để sữa mẹ vẫn giữ được chất lượng. Chị nên bổ sung cho bé 400 UI  vitamin D mỗi ngày và đưa bé đến Trung tâm dinh dưỡng hoặc khoa Dinh dưỡng của bệnh viện Nhi đồng 1 để được tư vấn về cách cho ăn dặm và xem xét có cần cho  uống thêm canxi hay không. 


Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn
   
Bé 11 tháng thường bò giỏi và có thể từ nằm chuyển sang ngồi và ngược lại. Bạn có thể đưa bé đến khám tại phòng khám Vật lý trị liệu của bệnh viện Từ Dũ hoặc bệnh viện Nhi đồng để các chuyên gia về vận động sẽ thăm khám bé và hướng dẫn bạn cách tập luyện cho bé. Rất có thể bé bình thường nhưng bé nhát và bạn chưa biết cách tập luyện cho bé nên bé chưa phát triển đúng theo tuổi.
 
Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
P. Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

 
   
 Chào chị Quỳnh,  
  
Em bé ở độ tuổi 3 tháng thường bị thiếu máu sinh lý do các tế bào máu được tạo ra trong thời kỳ bào thai bị vỡ đi mà các tế bào mới chưa được tổng hợp kịp để bù lại. Hiện tượng thiếu máu sinh lý này có thể làm cho bé biếng ăn. Ngoài ra, lứa tuổi này cũng có thể bắt đầu thiếu vitamin D nếu không được phơi nắng sáng hay bổ sung vitamin D đầy đủ. Độ tuổi bắt đầu ăn dặm là 6 tháng tuổi vì đến thời điểm đó trẻ mới phát triển đầy đủ các men cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Nếu cho ăn sớm thì bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa vì không thể tiêu hóa tốt thức ăn và cũng khó hấp thu được các chất bổ trong thức ăn. Theo cân nặng của bé, lượng sữa phải bú ít nhất là 900 mL/ngày. Nếu bé biếng bú thì chị có thể dỗ đút thêm sữa cho đủ. Chị có thể bổ sung thêm vitamin D mỗi ngày 400 UI và phơi nắng sáng mỗi ngày. Nếu tình trạng không cải thiện thì chị đưa bé đến khám tại các phòng khám dinh dưỡng để được cho thuốc và tư vấn thêm.
     
Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ