tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Chào bạn

Vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus (Rotarix) có thể cho uống từ 6 tuần tuổi nên khi bé được 2 tháng tuổi đã có thể cho uống vắc-xin ngừa tiêu chảy. Việc phối hợp vắc xin này với vắc xin 6 trong 1 đã được chứng minh là vẫn an toàn và hiệu quả. Biếng ăn và tiêu chảy có thể là   tác dụng phụ của vắc xin ngừa Rotavirus nhưng không phải bé nào cũng bị mà chỉ khoảng 5% và cũng không kéo dài lâu.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Vào độ tuổi 3 đến 4 tháng, bé dễ bị chán ăn sinh lý. Ngoài ra, chán ăn cũng có thể do vắc-xin ngừa Rotavirus nhưng tác dụng phụ này chỉ kéo dài khoảng 1 đến 2 tuần. Nếu lâu hơn thì thường do chán ăn sinh lý, thiếu vitamin D...Nếu bé lười bú, bạn nên kiên trì đút muỗng thêm cho bé. Bạn có thể cho bé uống thêm 400 UI vitamin D mỗi ngày và phơi nắng sáng mỗi ngày 15-30 phút. Bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa Nhi hoặc Dinh dưỡng để bác sĩ xác định bé có thiếu máu hay không mới kê toa thuốc bổ máu. Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú bao gồm cả thức ăn bổ dưỡng và sữa. Chị nên tăng thêm thịt bò, trứng, đậu để tăng lượng chất sắt trong sữa mẹ. Nếu chị uống được 2-3 ly sữa bột thì tốt, nếu không thì mỗi ngày 1 lít sữa tươi cũng đủ   nhu cầu canxi và vitamin D.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,
   
Nếu bé bị tiểu vàng kèm theo vàng da thì bạn nên đưa bé đến khám chuyên khoa sơ sinh để đánh giá tình trạng vàng da và tìm nguyên nhân. Nếu bé chỉ có mỗi dấu hiệu nước tiểu vàng thì bạn nên xem lại bé có bú đủ sữa không. Nếu bé bú ít thì sẽ tiểu ít và làm cho nước tiểu vàng.   Ngoài ra, một số loại thuốc bổ sẽ làm cho nước tiểu có màu vàng.
   
Thân mến 

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,
 
Rất vui vì những tư vấn của tôi giúp ích được cho bạn. Tôi nghĩ trường hợp con của bạn có thể là do mềm sụn thanh quản. Đây là tình trạng các sụn ở vùng thanh quản (sụn nắp thanh môn và sụn phễu) bị mềm và sa vào đường thở, che lấp một phần ngõ vào đường thở tạo ra tiếng rít khi hít vào. Triệu chứng của mềm sụn thanh quản thường biều hiện rõ lúc trẻ khoảng 4 – 6 tuần tuổi, đa số sẽ giảm dần và mất hẳn khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi. Điều này có nghĩa là mặc dù gọi là bệnh nhưng nếu không ảnh hưởng nhiều đến hô hấp thì cũng sẽ không điều trị và sẽ tự   khỏi. Do bệnh thường liên quan đến sụn nắp thanh môn tức là nắp đậy của đường thở nên khi đặt trẻ nằm ngửa, dưới tác dụng của trọng lực, nắp thanh môn sa vào đường thở nhiều hơn và làm cho trẻ thở rít (hoặc tạo tiếng kêu ót ót) nhiều hơn. Vì thế, bạn nên cho bé nằm nghiêng sang bên và nên nằm vai đầu cao (lót khăn lông dưới vai và đầu) để tránh hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Bạn cũng nên đưa bé đến khám chuyên khoa hô hấp để xác định chắc chắn tình trạng của bé.
 
Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Em bé sơ sinh nếu chỉ hắt hơi, không chảy nước mũi, không ho, không sốt thì bạn chỉ cần nhỏ mũi cho bé bằng Natri Clorid 0,9% mỗi ngày 3 đến 6 lần, mỗi lần 2 giọt mỗi bên. Nếu kèm những dấu hiệu bất thường kể trên thì bạn nên đưa bé đi khám bệnh.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Nếu bé không may tiếp xúc với những loại vi trùng gây bệnh uốn ván, bại liệt, bạch hầu, ho gà, Hemophillus influenzae trong thời gian chưa được tiêm ngừa thì bé sẽ có nguy cơ bị mắc các bệnh trên. Theo tôi, chị nên thu xếp cho bé chích đúng lịch lần đầu, các lần tiêm nhắc sau có thể tiêm tại phường vào ngày 15 mỗi tháng.

Thân mến 

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
  Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Trang,
 
Em bé bú sữa mẹ có phân bọt là bình thường. Bé sơ sinh cũng thường hay nấc cục do phản xạ căng dạ dày của bé. Chị có thể cho bé uống thêm một chút nước bằng muỗng hay cho bú vú thêm một chút khi bé nấc cục, bé sẽ khỏi. Chị có thể cho bé phơi nắng từ 8 giờ đến 8 giờ 30 nếu nhà chị nắng trễ, nhưng không nên phơi nếu lúc đó nắng gắt vì dễ làm phỏng da bé.
 
Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
 Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ
Chào chị An,

Bé của chị bú ít nên đi cầu ít. Chị nên cho bé uống thêm 400 UI vitamin D mỗi ngày, phơi nắng sáng 20 phút. Khi cho bé bú, chị nên vắt bỏ bớt sữa trong đầu đi và cho bé bú sữa đục vì có nhiều chất dinh dưỡng hơn và giúp bé no lâu hơn. Em bé bú sữa mẹ thường ngủ ít hơn bé bú sữa bình vì sữa mẹ dễ tiêu hóa nên mau đói hơn. Trời nóng có thể cũng làm cho bé khó ngủ và gắt gỏng. Chị nên uống nhiều nước (ít nhất 3 lít nước mỗi ngày), ăn thêm rau, trái cây, uống nước trái cây để tăng lượng chất xơ trong sữa mẹ.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
 Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ
    
Chào chị Thảo.

Ig G Rubella trong máu của bé sơ sinh là kháng thể của mẹ đi qua nhau thai vào cơ thể con. Nếu Ig M dương tính hoặc là Ig G rất cao, gấp 4 lần trong máu mẹ mới có nghĩa là bé bị Rubella bẩm sinh. Ngoài ra, bé bị Rubella bẩm sinh thường có biểu hiện bệnh tim bẩm sinh   (nghe tim có thể phát hiện ra), đục thủy tinh thể bẩm sinh (tròng đen màu trắng), đầu nhỏ, khi mới sinh da có nhiều chấm đỏ không biến mất khi đè, suy dinh dưỡng bào thai.Nếu chị muốn chắc chắn về tình trạng mắt của em bé, chị nên đưa bé đến khám tại bệnh viện Mắt hoặc khoa Mắt bệnh viện Nhi đồng 1.
           
Chị vẫn nên cho bé tiêm ngừa Sởi, quai bị, rubella khi bé được 12-15 tháng tuổi để miễn dịch được chắc chắn hơn và phòng ngừa thêm được bệnh quai bị, sởi.
           
Thân mến.
           
BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ
 
Chào chị,
         
Chị có thể tăng lượng sữa theo nhu cầu của bé. Để bé không bị ọc sữa sau bú, khi cho bú không được để bé nuốt hơi (để sữa ngập núm vú), sau khi bú vác bé lên vai 20 phút, để bé nằm ở tư thế vai và đầu cao 30 độ (lót vai và đầu bằng khăn lông xếp gọn). Bé sơ sinh bình thường vẫn có thể vặn vẹo người khi ngủ và trớ sữa một ít vài lần trong ngày sau bú. Nếu bé vẫn bú tốt, không khóc đêm, không rụng tóc thì ít có khả năng bị thiếu canxi.
         
Thân mến    

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ
 
Chào chị,          

Bé của chị đi phân mềm nhưng chậm đi cầu nên chị cần xem lại bé có bú đủ sữa hay không. Nếu lượng sữa bé bú ít đi thì bé cũng sẽ đi cầu ít đi. Chị cũng cần tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn của chị như rau, trái cây, nước trái cây. Chị nên xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ nhiều lần trong ngày trước khi bú. Trước khi xoa bụng bé, chị xoa tay bằng baby oil (dầu mát xa) để không làm bé khó chịu.  

       
Thân mến     
     
BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ
Chào chị Đào,

Ban ngày bé ngủ ít có thể do trời nóng, ồn hoặc do bị ướt. Chị nên giữ nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C, lót tã giấy sơ sinh để bé không bị ướt. Mỗi sáng nên cho bé phơi nắng 15 phút và cho bé uống 400 UI vitamin D mỗi ngày. Nếu bé vẫn bú tốt, không quấy khóc, đêm ngủ ngon thì chị không cần lo lắng quá.

Thân mến 

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
  Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ


Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ