Nguy cơ huyết khối trong thời kỳ hậu sản kéo dài ít nhất 12 tuần
Ds. Võ Trương Diễm Phương (dịch)
Khoa Dược – BV Từ Dũ
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng nguy cơ huyết khối hậu sản tăng tồn tại ít nhất đến tuần thứ 12 sau sinh, gấp hai lần so với khoảng thời gian được ghi nhận trước đây. Tuy nhiên, nguy cơ tuyệt đối sau 6 tuần hậu sản tăng không nhiều.
Nghiên cứu này được trình bày tại hội nghị đột quỵ quốc tế (International Stroke Conference - ISC) năm 2014 bởi Hooman Kamel, MD, Weill Cornell Medical College, New York, và được công bố trực tuyến trên tạp chí y khoa New England với cùng nội dung.
Theo tiến sĩ Kamel “huyết khối hiếm khi là nguyên nhân chính gây biến chứng và tử vong cho thai phụ và sản phụ. Tuy nhiên, các bác sĩ cần lưu ý rằng nguy cơ huyết khối kéo dài hơn 6 tuần, đặc biệt đối với những sản phụ có nguy cơ cao, như có tiền sử bị huyết khối hoặc có những triệu chứng liên quan đến bệnh này”.
“Ngoài ra, phụ nữ sau sanh cần được tư vấn điều trị khi phát hiện thấy những triệu chứng như đau thắt ngực hoặc huyết áp; khó thở; sưng hoặc đau một bên chân; đột ngột nhức đầu dữ dội; đột ngột nói khó, rối loạn thị giác, mất thăng bằng, hoặc sức mạnh ở một bên cơ thể.”
Các nhà nghiên cứu cho rằng “những nghiên cứu trước đây không xác định chắc chắn nguy cơ tương đối của bệnh huyết khối sau 6 tuần hậu sản”. Tuy nhiên, họ chưa đưa ra khuyến cáo nào về việc điều trị huyết khối.
Các khuyến cáo hiện nay cho rằng những bệnh nhân có nguy cơ cao nên sử dụng thuốc chống đông máu dự phòng huyết khối cho đến 6 tuần hậu sản… Kết quả của nghiên cứu này cho thấy nguy cơ và lợi ích của việc tiếp tục điều trị đối với những phụ nữ có nguy cơ cao sau 6 tuần hậu sản nên được xem xét lại.
Nguy cơ huyết khối
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 1,687,930 phụ nữ sau sinh con ở California từ năm 2005 đến năm 2010. Trong số đó có 1015 phụ nữ có một biến cố huyết khối trong 1.5 năm tiếp theo.
Hầu hết các biến cố huyết khối này là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) (n=720), có 248 trường hợp đột quỵ và 47 trường hợp nhồi máu cơ tim. Mỗi phụ nữ đóng vai trò tự đối chứng, bằng cách ghi nhận dữ kiện về bệnh huyết khối ở cùng thời điểm của 1 năm sau đó, do đó giảm được các yếu tố gây nhiễu.
Kết quả cho thấy nguy cơ huyết khối tăng 10 lần trong vòng 6 tuần đầu sau sinh; nguy cơ này chỉ tăng gấp 2 lần từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 12. Theo Ts. Kamel “nguy cơ huyết khối dường như trở về mức bình thường từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 18 sau sinh”.
Bảng: Tỷ lệ huyết khối ở phụ nữ sau sinh (nhóm bệnh) so với 1 năm sau (nhóm chứng)
Thời gian sau sinh |
Nhóm bệnh (%) |
Nhóm chứng (%) |
OR (95% CI) |
0 - 6 tuần |
24.4 |
2.3 |
10.8 (7.8 - 15.1) |
7 - 12 tuần |
5.6 |
2.6 |
2.2 (1.5 - 3.1) |
13 - 18 tuần |
3.3 |
2.3 |
1.4 (0.9 - 2.1) |
19 - 24 tuần |
3.1 |
3.1 |
1.0 (0.7 - 1.4) |
CI = confidence interval; OR = odds ratio. |
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng so với mức tăng nguy cơ tuyệt đối trong 6 tuần hậu sản (22,1 trường hợp trên 100.000 ca sinh), mức tăng nguy cơ tuyệt đối từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 12 thấp hơn nhiều (3.0 trường hợp trên 100.000 ca sinh). Ở giai đoạn sau, tỷ suất nguy cơ huyết khối tương tự nhau giữa những phụ nữ có yếu tố nguy cơ và không có yếu tố nguy cơ, vì vậy nguy cơ tương đối tăng chỉ được dự đoán chủ yếu cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (chẳng hạn như bệnh nhân có tình trạng tăng đông máu nguyên phát di truyền hoặc có tiền sử huyết khối).
Tài liệu tham khảo
http://www.medscape.com/viewarticle/820648