Làm sao để ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục

 

1. Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) là gì?

STD là các bệnh nhiễm thông qua tiếp xúc tình dục. Nó có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng đối với cơ thể bạn – thậm chí dẫn đến tử vong (như HIV, viêm gan siêu vi B)

Ngoại trừ cảm cúm, STD là bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất ở Mỹ, với hàng triệu trường hợp nhiễm mới mỗi năm. Mặc dù, một vài STD có thể điều trị khỏi, nhưng cũng có những loại không thể điều trị khỏi được.

2. STD lây truyền như thế nào?

Một người mang STD có thể truyền nó cho người khác bởi tiếp xúc da, sinh dục, miệng, trực tràng hoặc các loại dịch cơ thể. Bất kỳ ai có tiếp xúc tình dục (đường âm đạo, hậu môn, miệng) với người khác đều có nguy cơ bị lây nhiễm STD. Nó có thể không có triệu chứng ngay cả khi cơ thể của bạn đã bị ảnh hưởng bởi STD.

3. Tác nhân gây STD?

STD gây ra do nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus. Nhiễm vi khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh, nhưng virus thì không thể.

4. Yếu tố nguy cơ mắc STD là gì?

- Có hơn 1 bạn tình (Quan hệ tình dục với nhiều người)

- Bạn tình của bạn quan hệ tình dục với nhiều người.

- Quan hệ tình dục với người đã nhiễm STD.

- Tiền căn bị STD.

- Sử dụng thuốc gây nghiện hoặc bạn tình sử dụng thuốc gây nghiện.

5. Một số STD thường gặp?

  • Chlamydia
  • Lậu (Gonorrhea)
  • Herpes sinh dục.
  • HIV
  • HPV
  • Giang mai
  • Trichomoniasis
  • Viêm gan siêu vi B.

 

 

6. Làm cách làm để giảm nguy cơ mắc STD?

Nhiều cách bạn có thể áp dụng để giảm nguy cơ mắc STD:

- Chung thuỷ 1-1 từ 2 phía.

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Tránh các hành vi tình dục rủi ro. Các hành vi tình dục làm rách da có nguy cơ mắc STD cao hơn. Ngay cả những vết cắt nhỏ không chảy máu cũng khiến tác nhân gây bệnh lây lan. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ cao vì các mô trong trực tràng dễ rách. Các loại dịch cơ thể như máu, dịch tiết âm đạo, tinh dịch, nước bọt, … cũng có thể mang nguồn nhiễm STD. Tránh quan hệ tình dục không được bảo vệ với người bị nhiễm STD.

- Tăng cường miễn dịch: Hiện nay có một số vắc xin giúp ngăn ngừa nhiễm viêm gan B và một số chủng HPV.

7. STD có ảnh hưởng đến thai kỳ và khả năng sinh sản như thế nào?

Phụ nữ bị nhiễm lậu hoặc Chlamydia mạn tính có thể dẫn đến vô sinh.

Khi mang thai, STD trong thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi. Lậu và Chlamydia gây ra các vấn đề sức khoẻ cho thai nhi từ nhiễm trùng mắt cho tới viêm phổi. Giang mai có thể gây sảy thai hoặc thai lưu. HIV có thể lây truyền sang con.

Nếu bạn mang thai và bạn hoặc chồng có hoặc nghi ngờ mắc STD, hãy báo cho bác sĩ của bạn để đánh giá nguy cơ cho thai nhi. Một số xét nghiệm tìm STD được làm  thường qui trong thai kỳ. Đó là cách tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị nhằm hạn chế tác động xấu lên thai.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ