Colic – Cơn đau do co thắt ở trẻ sơ sinh

    Có những em bé sơ sinh phải trải qua những tháng đầu đời với những cơn khóc dai dẳng kéo dài mà không giải thích được. Triệu chứng này thường gặp ở trẻ từ 2 tuần đến 16 tuần tuổi, cơn khóc thường kéo dài khoảng 3 giờ hoặc hơn và hay xảy ra vào chiều tối. Ngoài một số bệnh lý thực thể ở trẻ nhỏ cần được loại trừ thì colic là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Colic xảy ra ở 1/3 số trẻ, nó gây nên những cơn đau thắt, sau đó vài tuần triệu chứng tự khỏi mà không cần phải điều trị gì.
     
    Colic thường bắt đầu xuất hiện ở tuần thứ 2 – 4 sau sinh và tăng dần đến 6 – 8 tuần tuổi. Trước khi vào cơn khóc, trẻ vẫn bú và chơi bình thường. Sau đây là một số đặc điểm gợi ý trẻ có thể bị colic:

    - Trẻ khóc đỏ mặt, vẻ mặt nhăn nhó khó chịu.
    - Trẻ có thể co chân lên trên.
    - Trẻ khóc to dai dẳng.
    - Cơn đau không giảm và tự hết sau 3 giờ hoặc lâu hơn.
       

     
     
       
        Hình minh họa
       
     
    Nguyên nhân: 

    Mặc dù có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng nguyên nhân thật sự vẫn chưa được làm sáng tỏ. Một số giả thuyết đưa ra để giải thích nguyên nhân bao gồm:
    - Chế độ ăn của mẹ: một số thức ăn mẹ ăn vào có thể gây dị ứng cho trẻ bú mẹ, thường gặp ở các loại thực phẩm như bắp cải, súp lơ, sô cô la, hành, sữa bò.
    - Một số chất như nicotin, cafein mà mẹ sử dụng cũng có thể gây colic cho trẻ bú mẹ.
    - Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng.
    - Trẻ chưa quen với môi trường sống bên ngoài bụng mẹ trong những tháng đầu đời.

    Chẩn đoán colic:

    Cha mẹ không nên tự chẩn đoán khi trẻ quấy khóc mà nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám để kiểm tra các bệnh lý gây đau bụng hoặc khó chịu ở trẻ nhỏ. Chẩn đoán colic chỉ nghĩ đến khi đã loại trừ các nguyên nhân khác.

    BS. Như Huỳnh
    Theo Hội chu sinh và Sơ sinh

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ