Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Phần 1)
TS. BS. Ngô Minh Xuân
Trưởng khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ
>> Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Phần 2)
>> Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Phần 3)
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải chỉ bắt đầu sau sinh mà cần phải được chuẩn bị về mọi mặt ở ngay giai đoạn trước sinh, thậm chí ở giai đoạn trước khi mang thai nhất là về mặt kiến thức và tâm lý.
1. Đón nhận bé ra đời:
Cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi thành viên trong gia đình giây phút đón nhận bé, nhất là đối với các bà mẹ sinh con so. Đây là giây phút rất quan trọng và rất hồi hộp với bà mẹ vì sau một giai đoạn mang thai kéo dài khoảng 9 tháng 10 ngày thì đây là lần đầu người mẹ được thấy bé thực sự bằng xương bằng thịt. Thời điểm này có thể đến đúng theo dự kiến nhưng cũng có thể đến khá bất ngờ trong những trường hợp sinh non.
Bạn sẽ thực sự rất sung sướng khi ngay sau cuộc sanh được sớm tiếp nhận bé yêu xinh xắn khỏe mạnh. Lúc đó mọi đau đớn, mệt mỏi của cuộc sanh và bao lo âu thấp thỏm trước sinh sẽ gần như tan biến hết để nhường chỗ cho một cảm giác hạnh phúc tuyệt vời.
Sau khi sinh, nếu bé khỏe thì các NHS sẽ lau khô cho trẻ theo qui trình trước khi cho bé bú sữa mẹ.
2. Cho trẻ bú mẹ:
- Sữa mẹ luôn hoàn hảo và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
- Nên cho trẻ tiếp xúc da kề da và nút vú mẹ sớm ngay trong giờ tuổi đầu tiên. Động tác bú của trẻ rất cần thiết để kích thích tuyến vú của mẹ tạo sữa, do vậy nếu trẻ bú mẹ càng sớm và càng thường xuyên thì mẹ càng mau có đủ sữa cho trẻ. Việc cho bú mẹ sớm còn giúp cho tử cung của mẹ co tốt hơn và giúp mẹ chậm có thai trở lại cũng như giúp mẹ giảm được một số nguy cơ bệnh tật.
- Nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ cho đến khi bé được 2 tuổi.
Cụ thể sữa mẹ có các lợi ích sau:
+ Luôn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, thích hợp cho trẻ nhất là sữa non sau sinh.
+ Dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng
+ Chứa nhiều chất kháng thể để giúp trẻ kháng lại nhiều bệnh tật nhất là trong những ngày tháng đầu đời.
Cách cho trẻ bú:
- Nên sớm bắt đầu cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh. Có thể lúc này bà mẹ còn mệt mỏi nhưng đứa trẻ đã bắt đầu đòi bú. Nếu trẻ khỏe mạnh thì phản xạ nút sẽ mạnh. Những giọt sữa non đầu tiên chưa thực sự dồi dào nhưng lại chứa nhiều chất bổ dưỡng, rất cần thiết cho bé, nhất là trong những ngày đầu đời.
- Không nên xin sữa của bà mẹ khác cho con mình bú vì có nhiều bệnh có thể lây qua sữa mẹ như nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, C ...
- Sau những cữ bú đầu tiên, động tác nút của bé và sự phục hồi sức khỏe của mẹ sẽ làm 2 bầu vú “lên sữa” và sữa trưởng thành sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng ngày của bé. Trẻ bú càng nhiều thì cơ thể mẹ càng tạo thêm nhiều sữa.
Tư thế cho bú:
- Cần chọn tư thế sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái, để việc cho bú dễ dàng và hiệu quả, mẹ được thư giãn mà không bị đau lưng hay tê tay, tê chân.
- Có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm:
+ Tư thế cho trẻ nằm sát mẹ (dùng khi mẹ mệt hoặc ban đêm):
- Bà mẹ nằm nghiêng, đùi dưới kê trên gối, chân trên gập ở đầu gối.
- Đặt bé nằm nghiêng quay mặt về phía mẹ sao cho miệng bé áp sát ngực dưới của mẹ.
- Bà mẹ dùng cánh tay phía dưới để đỡ đầu bé nhằm áp miệng bé vào vú mẹ.
- Khi bé ngậm vú thì chú ý cho bé ngậm sâu để bảo đảm bé mút và nuốt sữa dễ dàng.
- Khởi đầu cho bé bú với một số động tác sau:
- Bà mẹ và trẻ vào tư thế cho bú như trên, lau sạch núm vú và bầu vú.
- Bà mẹ dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ phần gần núm vú.
- Đưa nhẹ núm vú vào môi bé để kích thích phản xạ bú, khi bé há miệng thì ép sát vú vào trẻ và đưa núm vú vào miệng bé.
- Bảo đảm trẻ ngậm vú đúng: miệng bé há rộng, ngậm cả quầng vú, cằm chạm sát vú mẹ, môi dưới của trẻ đưa ra ngoài.
- Bé nút đều đặn, hai má căng, bà mẹ có thể nghe được tiếng nuốt sữa ực, ực.
- Nên cho bé bú hết sữa 1 bên vú, nếu bé chưa no thì cho bú tiếp vú còn lại
Số lần cho trẻ bú:
- Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, khi trẻ đòi bú.
- Cho trẻ bú cả ngày lẫn đêm.
- Thông thường trẻ bú mẹ sau mỗi 2 đến 3 giờ, mỗi lần từ15 đến 30 phút.
Làm sao biết trẻ đã bú sữa đủ ?
- Trẻ nút vú có hiệu quả và nuốt sữa tốt.
- Trẻ ngủ êm sau khi bú mẹ.
- Trẻ đi tiểu nhiều khi bú đủ sữa (ít nhất 2 – 4 lần/ngày) và có đi tiêu.
- Trong tuần đầu trẻ có thể sụt cân sinh lý khoảng 5 – 10% và nếu bú đủ sữa thì trẻ sẽ bắt đầu tăng cân sau đó.
Cho bé ợ hơi sau bú:
- Cần cho trẻ ở tư thế đầu cao và vỗ lưng cho bé ợ hơi trong hoặc sau khi cho bú.
- Nên cho bé ợ hơi sau bú để tránh bé bị chướng hơi, khó chịu và nôn trớ.
- Chú ý cho trẻ nằm đầu chếch khoảng 15 đến 30 độ khi bé ngủ sau cữ bú để tránh nguy cơ hít sặc khi bé nôn trớ. Nên tránh tư thế cho trẻ nằm sấp mà không theo dõi vì trẻ dễ có nguy cơ đột tử và cũng không nên để quá nhiều gối hay thú nhồi bông quanh trẻ vì dễ gây cho trẻ ngạt thở nếu các vật này đè vào mũi bé.
Giữ cho mẹ không bị mất sữa khi trẻ phải cách ly:
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
- Việc giữ nguồn sữa mẹ cho trẻ khi bé phải tạm thời cách ly với mẹ là rất quan trọng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ đặc biệt là những trường hợp bé non tháng hay trẻ sơ sinh bệnh lý phải nhập khoa sơ sinh hay phải chuyển lên một bệnh viện khác sau sinh mà mẹ không thể chăm sóc trực tiếp và không nằm cạnh trẻ.
- Việc này cũng có thể xảy ra ở các bà mẹ đi làm sớm hoặc các bà mẹ đi làm khi bé còn chưa cai sữa. Nhất là các bà mẹ đi làm công sở.
- Việc cho trẻ bú vú mẹ trực tiếp vẫn là tốt nhất nhưng nếu không được thì bà mẹ có thể vắt sữa bằng tay hay bằng các dụng cụ hút sữa.
- Yếu tố tâm lý là rất quan trọng vì chỉ cần bà mẹ nghĩ đến con mình cũng là yếu tố cần thiết để góp phần duy trì nguồn sữa mẹ.
- Nếu trẻ có thể tiêu hóa được sữa mẹ thì bạn hãy chịu khó vắt sữa và gởi ngay lên cho trẻ mỗi 3 giờ 1 lần. Nếu bạn phải đi làm cũng vậy, nếu biết cách lưu trữ bảo quản thì con bạn có thể tận dụng được nguồn sữa mẹ quí giá.
Lưu trữ, bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ mát, trong bình đá hay trong tủ lạnh:
+ Trước khi vắt sữa hay hút sữa thì bạn phải rửa tay sạch, lau sạch đầu vú và quầng vú.
+ Chỉ đựng sữa trong bình thủy tinh hay nhựa trong mà đã được khử trùng, có nắp đậy.
+ Sữa vắt xong phải được lưu trữ và bảo quản ngay ở nhiệt độ mát hoặc trong tủ lạnh có nhiệt độ thích hợp:
- Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ mát khoảng 25 – 270C thì phải cho bé bú trong vòng 4 giờ.
- Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ mát khoảng 20 – 220C thì phải cho bé bú trong vòng 10 giờ.
- Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ lạnh hơn (vào mùa đông hay sữa được giữ trong bình nước đá lạnh) khoảng 15 – 160C thì có thể cho bé trong vòng 24 giờ.
- Nếu sữa được giữ ở trong tủ lạnh với nhiệt độ 40C thì có thể cho bé bú trong vòng 120 giờ sau khi hâm nóng (khoảng 5 ngày).
- Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh khỏang 00C thì có thể sử dụng cho bé bú trong vòng 2 tuần sau khi hâm nóng.
Cách hâm nóng sữa mẹ:
Tuyệt đối không nên đun sôi sữa mẹ trên bếp vì nếu làm như vậy thì sẽ làm hủy hoại các thành phần có lợi trong sữa mẹ, nhất là các kháng thể và các loại vi chất khác.
- Bà mẹ nên làm ấm sữa trong bình chứa bằng cách ngâm cả bình trong một ca nước ấm sao cho nhiệt độ trong bình sữa mẹ không quá 400C.
- Nếu sữa mẹ đã đông lạnh thì có thể làm tan băng bằng cách cho bình sữa vào ca nước sôi, khi sữa đã tan băng thì nên lắc đều và bảo đảm phải thử nhiệt độ bằng cách nhỏ vài giọt vào mu bàn tay người cho trẻ bú để chắc rằng trước khi cho bú
- Chỉ nên làm ấm lượng sữa mà trẻ cần bú trong cữ bú đó.
- Nếu nghi ngờ sữa đã bị chua hay bị hư thì phải khiểm tra ngay, nếu đúng thì không được cho trẻ bú.
Mẹ cần ăn uống đầy đủ các nhóm chất, đầy đủ số lượng và bảo đảm chất lượng dinh dưỡng trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Tránh kiêng khem quá mức nếu không cần thiết và nên uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.
Trường hợp nào không nên cho trẻ bú mẹ:
- Có vài trường hợp phải tránh bú mẹ và có thể dùng sữa thay thế như mẹ bị HIV trong giai đoạn AIDS, mẹ bị bệnh quá nặng trong giai đoạn quá suy kiệt.
- Trường hợp mẹ bị viêm gan siêu vi B trong giai đọan tiến triển cấp có xét nghiệm HbsAg (+) và HbeAg (+) thì có nguy cơ cao lây bệnh cho trẻ qua sữa mẹ. Khi đó nếu gia đình có khả năng và đồng ý thì nên cho trẻ bú sữa thay thế.