Bệnh vàng da sơ sinh
Trưởng khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
|
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ. |
Vàng da sơ sinh là do tăng Bilirubin gián tiếp (VDSS) rất hay gặp, bệnh xảy ra ở 25-30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng.
Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý).
Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do Bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Thế nào là vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh? Khi đó cần đưa bé đi đâu?
Ở trẻ đủ tháng, bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
- Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
- Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…)
- Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Vàng da phải được coi là bệnh lý khi có bất thường từ một trong số các tiêu chuẩn trên, cần phải đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị VDSS ngay, càng sớm càng tốt để tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
Các phương pháp điều trị VDSS hiện nay?
Cho đến nay, tại các khoa Sơ sinh, VDSS được điều trị bởi ba phương pháp chính, đó là:
- Cung cấp đầy đủ nước và năng lượng (qua cho bú hoặc truyền dịch), truyền Albumine và dùng một số loại thuốc để gia tăng tốc độ chuyển hoá bilirubin gián tiếp.
- Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, an toàn, đơn giản và kinh tế nhất.
- Thay máu khi bé có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do Bilirubin trong máu tăng cao.
Các bác sĩ có thể sử dụng một, hai hay ba phương pháp cùng lúc tuỳ theo từng trường hợp.
Tại sao chiếu đèn có thể điều trị được vàng da sơ sinh? Khi nào có chỉ định chiếu đèn? Nên dùng loại đèn nào?
Sử dụng ánh sáng có bước sóng từ 400-500nm, cực điểm 450-460nm tương ứng với đỉnh hấp thụ của Bilirubine (ánh sáng màu xanh dương).
Chỉ định:
Xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
- Vàng da tăng Bilirubine gián tiếp bệnh lý chưa có triệu chứng tiền nhiễm độc hay nhiễm độc thần kinh.
- Chiếu đèn dự phòng trong các trường hợp có nguy cơ vàng da sơ sinh như: non tháng, bầm dập nhiều, xuất huyết nhiều, bướu huyết thanh, bướu huyết xương, sọ to, trẻ có tán huyết…
Chống chỉ định: trong bệnh porphyrin/ niệu bẩm sinh, là một bệnh rất hiếm gặp.
Cách chọn dàn đèn: dàn đèn ánh sáng xanh dương có tác dụng tốt nhất, tiếp theo là ánh sáng xanh lá cây còn dàn đèn ánh sáng trắng có hiệu quả kém nhất.
Kỹ thuật rọi đèn: dùng đèn rọi vào da trẻ được cởi trần, có che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng. Có thể rọi đèn liên tục hay cách quãng, rọi đèn 1 chiều hay 2 chiều.
Tắm nắng cho trẻ có thể giúp điều trị VDSS không?
Ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp trẻ bị vàng da nhẹ mau hết hơn nhưng không thể điều trị kịp các trường hợp vàng da sơ sinh nặng.
Đối với các trẻ mới chớm vàng da thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì phải sớm đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị ngay.
Bệnh viện Từ Dũ đang triển khai chiếu đèn điều trị vàng da cho trẻ ngay tại phòng mẹ. Lợi ích của chương trình.
Đối với các trẻ đủ tháng bình thường, bú tốt mà chỉ bị vàng da bệnh lý mức độ nhẹ hoặc trung bình thì có thể được chiếu đèn tại phòng riêng của mẹ ở khu điều trị theo yêu cầu, dưới sự theo dõi của cả bác sĩ, nữ hộ sinh lẫn các thành viên trong gia đình.
Lợi ích của chương trình này là:
- Chiếu đèn sớm nên khi trẻ xuất viện thì đại đa số trẻ không còn nguy cơ vàng da nặng.
- Không phải cách ly mẹ con.
- Có thể tận dụng nguồn sữa mẹ tối đa, tránh mất sữa mẹ do trẻ phải xa mẹ.
- Gia đình được trực tiếp chăm sóc và theo dõi trẻ, tạo tâm lý yên tâm, tránh lo lắng cho mẹ và gia đình.
- Giảm bớt tình trạng quá tải tại khoa sơ sinh.
- Không có nguy cơ bị nhiễm trùng bệnh viện.