Thủ thuật hỗ trợ sinh ngả âm đạo (sanh giúp)

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Trong đa số cuộc sinh ngả âm đạo, trẻ được sinh ra dưới sức rặn tự nhiên của người mẹ mà không cần sự hỗ trợ của dụng cụ. Nhưng trong một số ít trường hợp, thủ thuật hỗ trợ sinh ngả âm đạo cần được thực hiện để đảm bảo an toàn cho mẹ và trẻ sơ sinh.

    Sinh ngả âm đạo có sự hỗ trợ (thường gọi là sanh giúp) là một thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ đỡ sinh có kinh nghiệm, sử dụng các dụng cụ như forceps hoặc giác hút để tạo một lực kéo lên đầu thai nhằm hỗ trợ sổ thai ra ngoài.

    Khi nào cần thực hiện sanh giúp?

    Giúp sanh được thực hiện khi cổ tử cung mở trọn, ngôi thai đã lọt xuống thấp nhưng xuất hiện các tình huống như:

    • Nguy cơ thai bị thiếu oxy cấp tính, biểu hiện bởi biểu đồ tim thai bất thường. Trường hợp này cần lấy thai ra ngay vì nếu diễn tiến lâu trẻ có thể gặp phải các tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.
    • Sản phụ rặn sanh lâu nhưng không sổ thai được.
    • Sản phụ quá mệt và không còn sức rặn sanh.
    • Sản phụ có bệnh lý làm giới hạn khả năng rặn sanh như bệnh tim, tiền sản giật, tăng áp lực nội sọ ...

    Có hai phương pháp sanh giúp, phân loại dựa vào dụng cụ được sử dụng:

    1. Sanh giúp bằng forceps
    2. Sanh giúp bằng giác hút

    Forceps là một dụng cụ gồm 2 cành kim loại trơn với thiết kế cong ôm giữ và bảo vệ đầu thai nhi.

    Giác hút là một dụng cụ có tác dụng tạo lực hút lên đầu thai nhi thông qua một nắp rỗng áp lên đầu thai nhi và nối với một hệ thống tạo áp lực âm.

    Lựa chọn phương pháp sinh giúp nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kinh nghiệm của bác sĩ đỡ sinh cũng như tình trạng mẹ và tình trạng thai tại thời điểm đó.

    Giúp sinh được thực hiện như thế nào?

    Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ khám để chắn chắn rằng cổ tử cung đã mở trọn và đầu thai đã lọt xuống thấp. Sau đó, bác sĩ cần đánh giá các yếu tố nguy cơ, lựa chọn phương pháp giúp sanh cũng như tư vấn các lợi ích và nguy cơ cho sản phụ.

    Thủ thuật được thực hiện khi có sự đồng thuận từ sản phụ.

    Trong thủ thuật, sau khi dụng cụ giúp sanh được đặt vào đúng vị trí, bác sĩ đỡ sinh sẽ đặt một lực kéo lên dụng cụ khi có cơn gò tử cung để sổ thai ra ngoài.

    Lợi ích của sanh giúp:

    Thông thường, khi ngôi thai đã lọt xuống thấp, sanh giúp cần ít thời gian chuẩn bị hơn và được thực hiện nhanh hơn mổ lấy thai.

    Lợi ích chính của thủ thuật sanh giúp là giúp sản phụ tránh được một cuộc mổ lấy thai. Mổ lấy thai là một phẫu thuật lớn và có nhiều nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng. Bài viết sau sẽ giúp bạn có thêm thông tin về các nguy cơ khi mổ lấy thai https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/cac-nguy-co-co-the-gap-phai-khi-mo-lay-thai/

    Nếu bạn có kế hoạch sinh thêm con trong tương lai, tránh một cuộc mổ lấy thai sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng cho thai kỳ tương lai khi có vết mổ cũ. Xem thêm: http://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/nhung-nguy-co-cho-thai-ky-tuong-lai-o-phu-nu-co-seo-mo-lay-thai/

    Bên cạnh đó, mẹ bầu sanh ngả âm đạo sẽ hồi phục sau sinh nhanh hơn so với mổ lấy thai.

    Nguy cơ của sanh giúp:

    So với sinh tự nhiên nhờ sức rặn của sản phụ, sanh giúp có nhiều nguy cơ hơn do có sử dụng dụng cụ để can thiệp vào quá trình sổ thai. Một số nguy cơ bao gồm:

    • Nguy cơ cho mẹ:

    Cả hai loại sanh giúp bằng forceps hay giác hút đều sẽ dẫn đến một tỉ lệ nhỏ tổn thương mô âm đạo, tầng sinh môn và hậu môn. Rất ít sản phụ bị tiêu hoặc tiểu không kiểm soát sau sanh. Nếu có, chúng có thể tự khỏi và đôi khi bạn cần được điều trị.

    • Nguy cơ cho trẻ sơ sinh:

    Những tổn thương trẻ có thể gặp phải bao gồm: Chấn thương ở đầu, da đầu và mắt trẻ sơ sinh, xuất huyết nội sọ, tổn thương thần kinh ở tay và mặt. Tuy nhiên, tỉ lệ chấn thương cho trẻ khá thấp.

    Không có bằng chứng cho thấy sinh giúp gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai.

    Làm gì để giảm sưng và đau sau sinh ngả âm đạo?

    Sau sinh, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm sưng và đau:

    • Uống thuốc giảm đau không cần kê đơn như Acetaminophen. Ibuprofen được ưu tiên sử dụng nếu bạn đang cho con bú.
    • Chườm lạnh lên vùng tầng sinh môn bị sưng đỏ.
    • Rửa tầng sinh môn bằng nước ấm sau đi đi vệ sinh.
    • Ngồi lên một chiếc gối hoặc đệm mềm sẽ giúp bạn giảm cảm giác khó chịu khi ngồi.

     

    Tham khảo:

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/assisted-vaginal-delivery

    https://ranzcog.edu.au/RANZCOG_SITE/media/RANZCOG-MEDIA/Women's%20Health/Patient%20information/Assisted-Birth.png?ext=.png

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ