Stress và thai kỳ

    ThS. BS. Ngô Thị Yên
    K. KHGĐ - BV Từ Dũ

     

     
    OTIS - Organization of  Teratology Information Specialists – là tổ chức của Mỹ và Canada, gồm những chuyên gia chuyên cung cấp thông tin và tư vấn về những ảnh hưởng có hại cho thai kỳ. 

    Khẩu hiệu hành động của tổ chức là “Tăng hiểu biết cho Mẹ, Giảm  nguy cơ cho Bé”.

    Tuần này xin giới thiệu với các bạn chủ đề Stress và Thai.

    Stress là gì?               
     
    Trong cuộc sống bận rộn và hối hả hiện nay, rất nhiều người thỉnh thoảng lại thốt lên “Ôi! Stress quá!”. Đối với phụ nữ mang thai, khả năng đáp ứng đối với những thay đổi về áp lực công việc, tình cảm, đời sống sẽ thấp hơn nhiều so với người bình thường. Do đó, nguy cơ bị stress trong thai kỳ là rất lớn. Vậy stress là gì?

    Stress là cách mà cơ thể chúng ta phản ứng lại một điều gì đó vượt ra khỏi giới hạn chịu đựng bình thường, có thể gây nguy hiểm, hoặc gây phiền nhiễu cho chúng ta. Hầu như bất cứ điều gì cũng có thể gây ra stress. Mỗi người đáp ứng với tình trạng stress theo cách riêng của cơ thể họ. Một tình huống gây stress kinh khủng cho người này có thể chẳng có vẻ gì là stress đối với người kia. Do giới hạn gây ra stress là khác nhau đối với mỗi người như vậy và do sự đáp ứng đối với stress là đa dạng đối với từng người, từng tình huống nên rất khó để đánh giá stress tác động đến thai kỳ như thế nào.

    Stress trong  công việc ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sẩy thai lên 3-4 lần
    Nguồn: goodbabyguide.com

    Một số biểu hiện của stress
    Về thề chất: đau ngực, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở, đau đầu, thay đổi thị lực, nghiến răng, mệt mỏi, rối loạn tiêu  hoá, đau cơ.
    Về thần kinh: lẫn lộn, chứng quên, ác mộng, không tập trung, mất ngủ.
    Về tâm lý: cảm giác lo âu, tội lỗi, đau khổ, sợ hãi, bất hợp tác, lo lắng, thất vọng, cô đơn. Có những cơn giận dữ hoặc muốn khóc.
    Về xã hội: tách biệt với những người khác, ăn quá nhiều hoặc không thèm ăn gì cả, uống nhiều rượu, dùng thuốc gây nghiện

    Vì sao phải quan tâm đến stress?

    Nếu phải chịu đựng tình trạng stress kéo dài sẽ tác động xấu đến sức khoẻ của chúng ta. Stress làm tăng nguy cơ dẫn đến các tình trạng bệnh lý như cao huyết áp, trầm  cảm. Stress cũng có thể làm nặng thêm những tình trạng bệnh lý đang có sẵn. Ví dụ, một bệnh nhân bị tiểu đường và luôn chịu stress trong cuộc sống thì việc điều  trị sẽ rất kém hiệu quả vì kiểm soát đường huyết trong trường hợp này là rất  khó.

    Stress có thể là nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi không?

    Một bà mẹ đang mang thai rất cần môi trường sống và làm việc bình yên, không stress. Khi tâm lý và sức khoẻ bà mẹ ổn định thì sự phát triển của thai nhi sẽ  tốt hơn nhiều. 

    Tuy nhiên, một tình trạng stress đơn độc thường không thể gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi; stress thường ảnh hưởng sức khoẻ thai nhi gián tiếp qua chế độ ăn uống nghỉ ngơi không được tốt của bà mẹ khi bị stress.

    Một vài nghiên cứu cho thấy stress mức độ nặng có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai lên 3-4 lần hoặc đẻ non hoặc sanh con nhẹ cân lên gấp 2 lần. Người ta lý giải sự liên quan này có thể do bà mẹ đã làm những việc để giảm stress như ăn ít, ngủ  kém, uống rượu, dùng thuốc ngủ hay ma tuý. Ngoài ra, ở những phụ nữ mang thai bị stress, người ta tìm thất chất coticotrophin hormon (CRH) trong máu tăng cao; chất này cản trở sự chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ máu mẹ qua nhau thai để sang thai nhi.

    Nếu đang dùng thuốc điều trị những bệnh cảnh có thể gây ra stress như cao huyết áp, loét dạ dày hay trầm cảm thì có thể ảnh hướng xấu đến thai nhi không?

    Hầu hết các thuốc được bác sĩ kê toa cho thai phụ không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến thai nhi. Thực ra, đa số bệnh lý trong thai kỳ nếu không được điều trị thì sẽ ảnh hưởng xấu đến thai ký hơn là những tác dụng phụ của việc điều trị  gây ra. Bác sĩ sẽ cân nhắc cho thai phụ và tư vấn kỹ trước khi kê toa một loạ  thuốc điều trị.

    Có thể cho em bé  bú mẹ nếu mẹ đang dùng những thuốc điều trị bệnh lý nội khoa không?

    Hầu hết các thuốc có khả năng đi vào sữa mẹ, nhưng với mức độ khác nhau và cũng có nhiều loại thuốc có thể yên tâm sử dụng trong thời gian cho con bú. Với từng bệnh  lý cụ thể, bác sĩ sẽ biết nên chọn loại thuốc nào cho bà mẹ đang cho con bú trên cơ sở cân nhắc lợi hại của việc điều trị.

    Sự  hiểu biết và tâm lý an tâm sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp bà mẹ không bị stress khi phải cần điều trị một bệnh  lý nào đó trong thời gian mang thai hoặc đang cho con bú.
     

    Làm gì để giảm  stress? 

    Hãy tâm sự, kể ra những suy nghĩ, cảm giác của bạn với bạn bè, người thân trong gia đình, thủ trưởng hoặc với chuyên gia về sức  khoẻ.
    Đừng ngại ngần khi cần sự hỗ trợ

    Cần luyện tập những thói quen tốt cho sức khoẻ như:

    + Không hút thuốc, không uống rượu, không dùng thuốc gây nghiện
    + Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý
    + Uống nhiều nước
    + Nghỉ ngơi đầy đủ theo nhu cầu cơ thể
    + Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ
    + Hoạt động thể lực vừa sức như chỉ dẫn của chuyên gia

    Thể dục thư giãn là một cách hữu hiệu chống stress khi mang thai
    Nguồn: momcentral.com 


    Tránh xa những tình huống hoặc những người có khả năng gây stress cho bạn

    Cố gắng thư giãn và cười lên. Hãy tìm một sở thích nào đó và thực hiện, như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, đi mua sắm… Khi nào tâm trạng bạn thấy phấn chấn và vui vẻ là bạn đã vượt qua cơn stress rồi đó.

    Tài liệu tham khảo

    Carmichael et al 2007. Maternal stressful life events and  risks of birth defects. Epidemiology 2007; 18: 356-61

     

    ThS. BS. Ngô Thị Yên

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ