Những điều cần biết về thai quá ngày
Khoa Sản A
BV Từ Dũ
Thai quá ngày là gì?
Dân gian có từ “chửa trâu” để chỉ những trường hợp thai đã quá ngày dự tính sanh mà em bé vẫn chưa chịu chui ra khỏi bụng mẹ.
Trong y học, thai quá ngày được định nghĩa là những thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần lễ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.
Tuy nhiên trong số 12% sản phụ được chẩn đoán là thai quá ngày, chỉ có khoảng 4% là quá ngày thật sự, số chị em còn lại thường do tính vòng kinh không đúng.
Nếu bị thai quá ngày, tôi sẽ có những nguy cơ gì?
Khi được chẩn đoán là thai quá ngày mà không được xử trí thích hợp, sẽ có hai khả năng xảy ra:
- Nếu bánh nhau vẫn hoạt động tốt, thai nhi tiếp tục phát triển lớn thêm, khi sanh có thể đẻ khó do con to (kẹt vai, sang chấn nhiều cho cả mẹ lẫn con hoặc không sanh được, phải mổ lấy thai…). Thêm vào đó lượng nước ối có thể cạn dần, khi sanh em bé dễ bị suy do cơn gò tử cung làm chèn ép dây rốn.
- Ngược lại nếu bánh nhau bị thoái hoá, thai nhi sẽ không được nuôi dưỡng tốt, có thể tử vong trong bụng mẹ hoặc trong khi sanh, hoặc em bé bị suy dinh dưỡng, da dẻ nhăn nheo và sức đề kháng kém.
Vậy tôi phải làm gì nếu bị thai quá ngày?
Khi bị thai quá ngày, bác sĩ thường khuyên bạn nhập viện làm các xét nghiệm để xác định xem:
- Thai nhi đã trưởng thành chưa?
- Sức khỏe của thai nhi có đang bị đe doạ hay không, liệu thai nhi có đủ sức chịu đựng một cuộc chuyển dạ hay không?
Để trả lời hai câu hỏi này, bác sĩ sẽ cân nhắc để chọn cho bạn một phương án thích hợp nhất. Ngoài một số xét nghiệm máu bắt buộc, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn:
- Siêu âm để đo đạc các kích thước của thai nhi và lượng nước ối.
- Sau đó, có thể bác sĩ chọc hút một ít dịch ối dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
- Có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm một thử nghiệm gọi là nghiệm pháp thử thách bằng Oxytocin. Khi đó, một nữ hộ sinh sẽ cho bạn truyền tĩnh mạch dung dịch Glucose 5% có pha 5 đơn vị Oxytocin mục đích nhằm tạo ra ba cơn gò tử cung trong mỗi 10 phút giống như giai đoạn đầu của cuộc sanh. Đồng thời, cô nữ hộ sinh này sẽ cho bạn gắn máy monitor để theo dõi đáp ứng của tim thai với các cơn gò trong vòng ba mươi phút. Bác sĩ điều trị sẽ xem xét kết quả và nếu em bé chịu đựng được “cuộc chuyển dạ nhân tạo này” thì thường cũng sẽ chịu được cuộc sanh thật.
- Trong lúc chờ đợi em bé chào đời có thể bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi đáp ứng tim thai mỗi khi em bé cử động. Nghiệm pháp này được thực hiện cũng gần giống như nghiệm pháp trên, tuy nhiên cô nữ hộ sinh sẽ không truyền dịch cho bạn mà sẽ yêu cầu bạn để ý mỗi khi có cảm nhận em bé đạp thì bấm đánh dấu lên trên biểu đồ tim thai. Sau 20 – 45 phút thử nghiệm, bác sĩ sẽ đọc kết quả để xem sức khỏe hiện tại của em bé như thế nào. Ngoài ra hàng ngày bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn theo dõi cử động của thai kỳ để đảm bảo rằng em bé của bạn chưa có dấu hiệu suy thai.
Khi đã có những bằng chứng chắc chắn là thai nhi đủ trưởng thành và chịu đựng được cuộc chuyển dạ, bác sĩ sẽ giúp cho bạn sanh. Ở đây cũng vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc để chọn lựa cho bạn cách tốt nhất. Có thể bác sĩ sẽ đặt một túi nước vào trong buồng tử cung để kích thích tạo cơn gò, cũng có thể bác sĩ sẽ truyền dung dịch Oxytocin đường tĩnh mạch cho bạn. Những trường hợp em bé không chịu đựng được cuộc sanh, hoặc em bé quá to, hoặc bạn có vết mổ lấy thai cũ,… có thể bác sĩ sẽ quyết định mổ cho bạn để lấy em bé ra.
Làm thế nào để dự phòng thai quá ngày?
Điều đầu tiên và dễ dàng nhất là bạn phải nhớ rõ ngày kinh đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, trong sản khoa gọi là kinh chót. Chị em chúng ta nên có một cuốn sổ tay nhỏ để ghi lại ngày có kinh hàng tháng.
Đối với những chị em có vòng kinh không đều hoặc quá dài, cần giữ cẩn thận phiếu khám thai và siêu âm thai trong qúy đầu của thai kỳ, tốt nhất là khi trễ kinh được 3 tuần để sau này bác sĩ có bằng chứng khoa học cho việc định tuổi thai.
Ngoài hai công việc này, chúng ta phải đi thăm thai định kỳ đều, ghi nhận ngày đầu tiên thấy thai máy, và nếu quá ngày dự sanh hơn một tuần vẫn chưa thấy chuyển dạ thì phải đi khám bác sĩ để được xử trí kịp thời.