Những điều cần biết về sàng lọc và chẩn đoán hội chứng Down
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Hậu sản M - BV Từ Dũ
1. Mở đầu
Hội chứng Down được đặt tên từ bác sĩ người Anh Jonh Langdon Down, người đầu tiên mô tả tình trạng này vào năm 1887. Đến 1959, hội chứng này được xác định do thừa một nhiễm sắc thể (NST) thứ 21 nên còn gọi là Trisomy 21.
Một thai nhi bình thường mang bộ gen di truyền từ bố và mẹ, gồm 46 NST: 23 NST từ mẹ và 23 NST từ bố. Đối với hầu hết trẻ bị hội chứng Down, có thừa 1 NST thứ 21 nên bộ NST gồm 47 chiếc thay vì 46. Chính NST thừa này gây nên những đặc điểm về hình thái cũng như sự trì trệ phát triển tâm thần ở những trẻ hội chứng Down.
Mặc dù không ai biết chắc rằng tại sao hội chứng Down xuất hiện và cũng chưa có cách nào để phòng ngừa hội chứng này, nhưng các nhà khoa học biết rằng những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ cao sinh con bị hội chứng Down. Cụ thể, một phụ nữ 30 tuổi có nguy cơ sinh con hội chứng Down là 1/900, phụ nữ 35 tuổi nguy cơ tăng lên 1/365, phụ nữ 40 tuổi nguy cơ 1/100 và nguy cơ sẽ là 1/30 nếu người mẹ ở tuổi 45.
2. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán trước sinh
Chẩn đoán trước sinh là sử dụng những phương pháp thăm dò trong thời kỳ thai nghén nhằm phát hiện các bất thường về hình thái hay những bất thường về nhiễm sắc thể của thai
Đây là những phương pháp chẩn đoán sớm các dị tật bẩm sinh của thai, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh, tỉ lệ trẻ bị dị tật, khuyết tật nặng nề và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Các phương pháp cơ bản được ứng dụng hiện nay là siêu âm chẩn đoán, định lượng các chất đánh dấu và các phương pháp lấy bệnh phẩm thai như: Chọc hút dịch ối, lấy máu tĩnh mạch rốn, sinh thiết gai nhau… để xác định những bệnh lý liên quan đến bất thường về nhiễm sắc thể.
Hội chứng Down hay trisomy 21 là rối loạn di truyền thường gặp nhất gây chậm phát triển tâm thần, chiếm khoảng 9,2/10.000 ca sinh sống tại Hoa Kỳ. Người bị hội chứng Down thường kèm những bệnh lý khác nhau như bệnh tim mạch, điếc, thần kinh, tiêu hóa, xương khớp,…
Khác với trisomy 13 và trisomy 18, người bị hội chứng Down có tỉ lệ sống sau sinh nhiều hơn và tuổi thọ cũng cao hơn. Bản thân người bị hội chứng Down đã có cuộc sống không chất lượng, phải dựa vào người khác, họ còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Hiện nay, việc sàng lọc và chẩn đoán hội chứng Down được xem là mục tiêu quan trọng của chẩn đoán trước sinh.
Có hai loại xét nghiệm trước sinh được dùng để phát hiện hội chứng Down là xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán. Xét nghiệm sàng lọc nhằm ước tính nguy cơ 1 thai nhi bị hội chứng Down. Xét nghiệm chẩn đoán nhằm trả lời chính xác thai nhi có bị hội chứng Down hay không.
3. Sàng lọc hội chứng Down
Xét nghiệm sàng lọc thường có giá thành rẻ, không xâm lấn và dễ thực hiện trong dân số chung. Khi xét nghiệm sàng lọc cho kết quả thai kỳ thuộc nhóm nguy cơ cao, khi đó cần làm tiếp xét nghiệm chẩn đoán để xác định tình trạng.
Trước đây, sàng lọc hội chứng Down đơn thuần dựa vào tuổi mẹ, khi người mẹ ≥ 35 tuổi có chỉ định chọc ối để chẩn đoán. Tuy nhiên, do số thai phụ dưới 35 tuổi chiếm trên 80% dân số chung và trong 100 trẻ hội chứng Down có đến 70 trẻ được sinh ra từ những bà mẹ dưới 35 tuổi. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào tuổi người mẹ thì sẽ bỏ sót đến 70% trẻ bị hội chứng Down.
Hiện nay, tại BV Từ Dũ, hội chứng Down được sàng lọc dựa vào xét nghiệm huyết thanh học định lượng các chất đánh dấu và siêu âm chẩn đoán. Ở giai đoạn tuổi thai sớm 11 tuần – 13 tuần 6 ngày dựa vào siêu âm đo độ mờ gáy và Double test (PAPP-A và Free beta hCG) hoặc ở giai đoạn tuổi thai 15 – 20 tuần với xét nghiệm Triple test (Alpha fetoprotein, Free beta hCG và UE3), những dấu chứng siêu âm bất thường như bất sản hoặc thiểu sản xương mũi; xương đùi, xương cánh tay ngắn; echo ruột dày; tim bẩm sinh, hẹp thực quản, hẹp tá tràng, thai chậm tăng trưởng...
4. Các phương pháp lấy bệnh phẩm trong chẩn đoán hội chứng down trước sinh
Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh thường có giá thành đắt, mang tính xâm lấn và vì thế khó thực hiện một cách đại trà. Xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện khi kết quả xét nghiệm sàng lọc ở mức nguy cơ cao.
Chẩn đoán trước sinh bằng các phương pháp lấy bệnh phẩm thai nhi: dịch ối, gai nhau hoặc máu tĩnh mạch rốn. Đây là những thủ thuật xâm lấn, vì vậy chỉ thực hiện trên những thai kỳ nguy cơ cao nhằm chẩn đoán những bất thường thai nhi trước sinh như nhiễm trùng bào thai, bệnh lý thiếu máu di truyền Thalassemia, rối loạn nhiễm sắc thể.
Sinh thiết gai nhau: phương pháp này có tỉ lệ sẩy thai khá cao (khoảng 1-2 %) vì vậy chỉ định sử dụng còn hạn chế. Chỉ định chủ yếu cho các trường hợp thai nhi có những bất thường lớn phát hiện sớm trong giai đoạn sớm của thời kỳ thai nghén (11 – 13 tuần tuổi thai). Phương pháp sinh thiết gai nhau được làm dưới hướng dẫn của siêu âm (bụng hoặc âm đạo). Kết quả sau 5 đến 7 ngày.
Phương pháp chọc hút dịch ối là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay bởi tính chất đơn giản về kỹ thuật cũng như tỉ lệ tai biến thấp. Chọc hút dịch ối thường được thực hiện trong khoảng tuổi thai từ 17 đến 20 tuần, dưới sự hướng dẫn của siêu âm và trong điều kiện vô trùng. Chọc hút dịch ối muộn ở tuổi thai sau 20 tuần được thực hiện khi thai phụ đến khám trễ hoặc chỉ định chẩn đoán nhiễm trùng bào thai.
Phương pháp lấy máu rốn thai: Kỹ thuật thực hiện phức tạp, khó khăn và tỉ lệ tai biến cho thai khá cao, vì vậy chỉ định của phương pháp này cho đến nay còn hạn chế. Nó thường được dùng trong những trường hợp cần nghiên cứu về bệnh lý huyết học của thai nhi.
Các bệnh phẩm thai nhi sau khi được lấy ra sẽ được nuôi cấy phân tích bởi các chuyên gia di truyền hoặc huyết học. Bằng các kỹ thuật phân tích di truyền tế bào, di truyền tế bào phân tử, sinh học phân tử hiện đại, các chuyên gia sẽ trả lời chính xác về hội chứng Down hoặc những bệnh lý huyết học của thai nhi.
5. Thủ thuật chọc hút dịch ối trong chẩn đoán hội chứng Down: chỉ định và nguy cơ
Bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố sau đây để tư vấn việc các cặp vợ chồng thực hiện thủ thuật chọc hút dịch ối chẩn đoán hội chứng Down:
1. Dựa vào tiển sử.
- Bản thân bố hoặc mẹ mang rối loạn cấu trúc nhiễm sắc thể.
- Trước đây đã từng sinh con hội chứng Down.
2. Dựa vào kết quả đánh giá nguy cơ cao qua xét nghiệm sàng lọc quí 1 hoặc quí 2 thai kỳ.
3. Dựa vào những dấu chứng siêu âm bất thường như: bất sản hoặc thiểu sản xương mũi; xương đùi, xương cánh tay ngắn; echo ruột dày; tim bẩm sinh, hẹp thực quản, hẹp tá tràng...
Chọc hút dịch ối là một thủ thuật có tính xâm lấn, dùng kim dài chọc vào buồng ối và rút 1 lượng khoảng 10ml dịch ối. Vì là thủ thuật nên có thể xảy ra những biến chứng.
Những biến chứng có thể xảy ra sau thủ thuật là:
- Nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng ối, thậm chí đưa đến đến nhiễm trùng huyết ở người mẹ (rất hiếm).
- Sẩy thai.
- Thai chết trong tử cung.
- Chạm thương thai nhi.
Để giảm thiểu những tai biến, thủ thuật chọc hút dịch ối cần được tiến hành trong điều kiện vô trùng và dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
6. Hội chứng down - gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trẻ bị hội chứng Down sẽ bị chậm phát triển tâm thần và mắc nhiều bất thường ở hệ tim mạch, tiêu hóa. Những trẻ này chắc chắn không thể phát triển bình thường mà cần được nuôi dạy đặc biệt và chăm sóc y tế. Người bị hội chứng Down có thể sống kéo dài, tuổi thọ có khi đến trên 50 tuổi. Tính về chi phí nuôi dưỡng trung bình cho 1 người bị hội chứng Down: 1 triệu đồng/tháng, mất thu nhập 2 triệu/ tháng do không thể lao động, đó là chưa kể đến những chi phí phát sinh khác như điều trị bệnh hoặc do tai nạn. Đó là những thiệt hại về vật chất, còn thiệt hại về tinh thần khi trong gia đình có trẻ mắc hội chứng Down thì không thể nào tính được.
Bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra sẽ phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Trẻ sinh ra không may bị tật nguyền hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ, mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Do đó, việc thực hiện sàng lọc và chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.