Nhiễm Zika và tật đầu nhỏ trong thai kỳ
CN. Nguyễn Thị Minh Tâm
P. Công tác xã hội
Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947, tại rừng Zikv thuộc quốc gia Brazil và theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện loại virus này đã lưu hành trên 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy vậy, cho đến nay các nghiên cứu đặc tả về nhiễm zika trên thế giới còn rất hạn chế, đặc biệt là sự miễn dịch, sức đề kháng đối với bệnh, khả năng tái nhiễm virus này. Tại Việt Nam, dịch bệnh do virus Zika bùng phát vào tháng 10/2016, chủ yếu tại các tỉnh phía Nam với khoảng 60 ca mắc, trong đó có khoảng 30 thai phụ thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
Trong chương trình “Thứ bảy Từ Dũ” chiều 15/6/2019, với bài báo cáo Dịch tễ học bệnh do virus Zika, Ths.BS Lưu Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – Viện Pasteur TP Hồ Chi Minh đã giới thiệu nhiều thông tin được cập nhật từ Tổ Chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC - Hoa Kỳ) đồng thời BS Chấn Quang cũng giới thiệu những nghiên cứu dịch tể học tại Viện Pasteur về đặc điểm bệnh lây truyền bệnh của virus zika, công tác chẩn đoán và điều trị dự phòng. Theo nghiên cứu này, virus Zika là chủng virus thuộc họ Flaviridae, cùng họ với virus Dengue gây sốt xuất huyết, có khả năng tấn công lên tế bào thần kinh gây ra tật đầu nhỏ và các bệnh lý mô não bẩm sinh như: vôi hóa nội sọ (hình ảnh thường găp trong hình ảnh học thần kinh), tăng – giảm trương lực cơ, giảm thính lực, bất thường ở thị giác, chậm phát triển vận động.
Theo Ths.BS Lưu Chấn Quang, trong thời điểm dịch virus Zika lan rộng tại các tỉnh miền Nam từ quý 4/2016 đến nay, các kết quả giám sát dịch tể học và chẩn đoán qua phòng thí nghiệm đã ghi nhận, virus Zika xâm nhập vào người chủ yếu do muỗi vằn (Aedes Aegypti) - sống ở trong nhà), lây truyền qua truyền máu, quan hệ tình dục, lây truyền từ mẹ - con. Hơn 80% người nhiễm virus Zika đều không có biểu hiện bệnh, còn lại 20% có biểu hiện bệnh nhẹ, thời gian ủ bệnh từ 2 – 7 ngày và không để lại di chứng. Đối với phụ nữ mang thai, bệnh do virus Zika không ảnh hưởng đến thai phụ, chủ yếu là sự quan ngại về khả năng gây bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh đối với thai nhi của virus Zika. Tuy nhiên qua các nghiên cứu trên lâm sàng và cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới, nếu thai phụ nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu, có nguy cơ gây bệnh, nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1đến10% và từ 3 tháng giữa đến cuối thai kỳ, các ảnh hưởng của virus Zika là không đáng kể, đồng thời cũng chưa có khẳng định chắc chắn dị tật đầu nhỏ là do virus Zika.
Về tật đầu nhỏ bẩm sinh ở trẻ, bài báo cáo cũng cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra di truyền,rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc, suy dinh dưỡng nặng…, hoặc nhiễm trùng Rubella, Toxoplasmosis (loại ký sinh trùng phổ biến tồn tại trong thức ăn và lây qua đường tiêu hóa), Herpes Simplex Virus (loại vi-rút truyền nhiễm có thể truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp), Zika…
Tham gia chương trình sinh hoạt kỹ thuật trên đây, qua các khuyến cáo của Hiệp hội siêu âm sản phụ khoa quôc tế, Th.BS Hà Tố Nguyên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Từ Dũ cho biết hội chứng não của thai nhi liên quan đến tật đầu nhỏ do Zika có thể phát hiện sớm nhất qua siêu âm. Tuy nhiên trong quá trình siêu âm chẩn đoán, các bác sĩ cần lưu ý:
1- Bắt đầu từ quý 2 tức là sau 18 tuần, sử dụng siêu âm hình thái 2D, 3D, 4D đo kích thước đầu thai nhi, quan trọng nhất là chu vi đầu và đường kính lưỡng đỉnh để đánh giá sự phát triển của đầu.
2- Siêu âm cấu trúc não - đánh giá hình ảnh siêu âm của vỏ não, qua đó có thể phát hiện bất thường cấu trúc não là nguyên nhân dẫn đến não có kích thước nhỏ.
3- Quan sát hình dáng của đầu bằng siêu âm, cũng có thể phát hiện được sự thay đổi hình dáng đặc trưng trong hội chứng não bé.
Đồng thời từ thực tế của công tác chăm sóc trước sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, Ths.BS Trịnh Nhựt Thư Hương – Phó trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ cũng dẫn chứng các số liệu giám sát và sàng lọc trước sinh từ khi khởi phát dịch bệnh truyền nhiễm do virus zika từ tháng 12/2016 đến ngày 14/6/2019, trong đó có 50 trường hợp bà mẹ mang thai nhiễm virus Zika được khám và điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ. Tuy đã tiến hành khảo sát chu vi vòng đầu của thai nhi có nguy cơ và thực hiện các bước chọc ối, lấy máu cuống rốn để xác định ảnh hưởng của virus Zika liên quan đến tật đầu nhỏ, nhưng tất cả đều cho kết quả âm tính. Điều này, theo BS Thư Hương, dấu chứng Zika ảnh hưởng đến thai nhi là chưa chắc chắn. Dị tật đầu nhỏ ở thai nhi rất hiếm gặp, không phải trường hợp thai phụ nào bị nhiễm Zika, thai nhi cũng bị dị tật đầu nhỏ.
Về nguyên tắc dự phòng nhiễm virus Zika, trong phần kết luận của bài báo cáo Dịch tễ học bệnh do virus Zika, Ths.BS Lưu Chấn Quang đã lưu ý đến cộng đồng:
- Diệt muỗi, lăng quăng:
* Loại bỏ dụng cụ chứa nước có lăng quăng * Thường xuyên súc rửa, bảo vệ dụng cụ tránh nhiễm lăng quang * Sử dụng các biện pháp diệt muỗi và phòng muỗi đốt
- Phòng tránh lây qua đường tình dục
- Đối với phụ nữ mang thai:
* Khám thai định kỳ
* Tư vấn xét nghiệm nếu phát hiện triệu chứng nghi ngờ
Đồng thời với các hành động cụ thể như:
- Dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại trừ lăng quăng trong và ngoài nhà
- Phối hợp với y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết…
Chuyên đề Nhiễm Zika và tật đầu nhỏ trong thai kỳ của chương trình “Thứ bảy Từ Dũ” 15/6/2019, có sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm thực tiển trong công tác nghiên cứu và điều trị trên lâm sàng của hơn 50 bác sĩ chuyên khoa sản đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ và các bệnh viện Hùng Vương, Phụ sản Tiền Giang, Sản - Nhi Đà Nẵng, Phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, Khoa Y Đại học Quốc gia TP HCM.