Mẹ có máu Rhesus âm, ảnh hưởng thai như thế nào ?

                                                               TS.BS. Lê Thị Thu Hà
    K. Khám bệnh - BV Từ Dũ

    Khám thai lần đầu tiên cần xét nghiệm máu thường qui cho thai phụ. Trong đó, có cả nhóm máu và yếu tố Rhesus. Nhóm máu A, B, AB hoặc O. Yếu tố Rhesus âm hoặc dương. 

    Người có yếu tố Rhesus (+) có 1 protein được biết như antigen D nằm trên bề mặt hồng cầu, là RhD (+).  

    Người không có antigen D là RhD (-). 

    Phần lớn dân số là Rh (+) nhưng thay đổi theo chủng tộc, 85% là người Caucasians, 94% là người Africans và khoảng 99% dân Châu Á là Rh (+).

    Vấn đề đáng ghi nhận khi một người mẹ Rh (-), mang thai Rh (-) (di truyền từ bố). Nếu máu thai nhi lưu hành trong máu mẹ, hệ miễn dịch của mẹ tạo ra kháng thể chống lại Antigen D của máu thai. Thai kỳ lần đầu tiên không bị nguy hiểm, nhưng với thai kỳ sau nếu thai nhi Rh (+), kháng thể máu mẹ qua nhau và tấn công hồng cầu thai nhi gây thiếu máu tán huyết, vàng da, nặng có thể gây suy tim, suy gan. Tình trạng này gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh (haemolytic disease of the newborn (HDN)).

    Nếu cả bố và mẹ mang Rh (-) thì con sẽ mang Rh (-) và không nguy hiểm cho thai nhi.
    Nếu mẹ mang Rh (+) thì sẽ không tạo kháng thể và cũng không ảnh hưởng trên thai.

    Máu thai nhi vào tuần hoàn mẹ như thế nào?

    Máu thai nhi có thể vào tuần hoàn mẹ trong những trường hợp như:

    • Chấm dứt thai kỳ: phá thai nội khoa hay ngoại khoa.
    • Thai ngoài tử cung.
    • Dọa sẩy thai.
    • Xuất huyết âm đạo hoặc sẩy thai sau 12 tuần.
    • Thực hiện những thủ thuật xâm lấn như sinh thiết gai nhau, chọc ối, chọc máu cuống rốn.
    • Ngoại xoay thai.

    Máu thai nhi chắc chắn vào tuần hoàn mẹ trong những trường hợp:

    • Lúc sinh, đặc biệt sau sanh giúp, sau mổ lấy thai hoặc bóc nhau bằng tay.

    Có thể dự phòng kháng thể Rhesus?

    Một khi đã sản xuất kháng thể, kháng thể sẽ tồn tại trong máu mẹ vĩnh viễn.

    Vì vậy điều quan trọng là dự phòng trong lần mang thai đầu tiên.

    Anti-D – immunoglobulin là chất giúp mẹ dự phòng tạo kháng thể Rh. 

    Tiêm vào cơ vùng đùi. Anti-D hoạt động bằng cách phá hủy nhanh chóng tế bào hồng cầu thai nhi trong tuần hoàn mẹ trước thời gian mẹ tạo kháng thể. Như vậy mẹ sẽ không tạo kháng thể chống lại hồng cầu thai nhi trong thai kỳ kế tiếp.

    Anti-D đã được dùng từ 1969 và dùng sau khi bất cứ nguy cơ khi nào máu thai vào tuần hoàn mẹ. Nhờ vậy ngày nay tỉ lệ tán huyết thai nhi do bất tương hợp yếu tố Rh hiếm gặp.

    Nếu trong cơ thể người mẹ đã tạo kháng thể Rhesus thì việc cho anti-D không còn giúp ích nữa. Vì AntiD không loại bỏ được kháng thể đã có.

    ANTI-D được sản xuất như thế nào và có nguy hiểm cho mẹ và thai ?

    Anti-D được lấy từ huyết tương người cho. 

    Qui trình lấy huyết tương: qua 2 lần phỏng vấn về cách sống và tiền sử bệnh.

    Người cho được sàng lọc về HIV, VGSV B, VGSV C

    Việc sản xuất Anti-D tại Anh được kiểm soát chặt chẽ và chắc chắn rằng khả năng lây nhiễm virus từ người cho qua người nhận rất thấp: khoảng 1/10.000 tỉ liều.

    Đôi khi Anti-D gây ra phản ứng dị ứng cho mẹ nhưng hiếm gặp. Sau tiêm thai phụ cần lưu lại BV trong 20 phút, nếu có phản ứng khó chịu nào phải báo ngay cho nhân viên y tế.

    Anti-D không ảnh hưởng trên thai. Mẹ tiêm Anti-D vẫn cho bé bú được bình thường

    Làm gì đối với những thai phụ đã có kháng thể Rh?  

    Thai phụ sẽ được xét nghiệm tìm kháng thể lần đầu tiên khám thai và làm lại lúc thai 28 tuần. Nếu kháng thể có trong máu thai phụ, khi đó thai phụ cần được theo dõi sát để tìm những dấu hiệu thiếu máu thai nhi. Có thể truyền máu cho bé trước sinh, kết quả thường là tốt.

    Tại sao tiêm ngừa Anti-D khi thai phụ chưa xuất huyết trong thai kỳ?

    Khoảng 1 – 1.5% thai phụ có Rh (-) sản xuất anti-D do có hiện tượng chảy máu tiềm ẩn trong nhau. Điều này thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ. Vì chảy máu tiềm ẩn nên không nhìn thấy được bằng mắt thường. The National Institute for Clinical Excellence (NICE) khuyến cáo tiêm ngừa Anti-D ngay khi thai phụ chưa có dấu hiệu xuất huyết.

    TS.BS. Lê Thị Thu Hà

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ