Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai

    Khoa Khám bệnh
    BV Từ Dũ

    Tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai.

    Người mẹ khi mang thai đều mong muốn sinh ra một đứa bé khỏe mạnh và thông minh mà không làm tổn hại đến sức khỏe của mẹ.

    Khi mang thai, người mẹ nếu không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, trẻ giảm sự phát triển trí tuệ và các bộ phận khác, từ đó dẫn đến sanh non hay sanh khó.

    Do đó dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe mẹ và con.

    Tăng cân bao nhiêu là đủ cho một thai kỳ?

    Người ta nhận thấy việc tăng cân của các sản phụ liên quan đến cân nặng của con mình lúc sanh.

    Số cân tăng trong thời kỳ mang thai tùy thuộc vào người mẹ thuộc loại gầy, trung bình hay nặng cân trước lúc mang thai [dựa vào chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index: BMI)]

    Tăng từ 12,5 đến 18kg với những bà mẹ gầy nhẹ cân.

    Tăng từ 7 đến 11,5kg cho những bà mẹ mập.

    Trung bình một bà mẹ tăng từ 12 – 15kg

    Dinh dưỡng cho các bà mẹ có thai.

    Để cơ thể bà mẹ khỏe mạnh và giúp cho thai nhi phát triển hòan hảo, các sản phụ cần thiết bổ sung nhiều chất dinh dưỡng.

    Muốn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các bà mẹ cần cân đối các bữa ăn, nên ăn các lọai thực phẩm chưa chế biến (không dùng thức ăn đóng hộp ), và bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu.

    Chất đạm: chứa các acid amin cần thiết cho các bộ phận của cơ thể. Chất đạm có được từ thịt, cá tươi, thịt gia cầm, các thực phẩm chế biến từ sữa bò, các lọai đậu, ngũ cốc, trái cây, bánh mì.

    Chất đường: Chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho người mẹ và thai nhi. Khi mang thai sản phụ cần 2300 – 2700 calorie/ngày. Chất đường có trong trái cây, cà rốt, sữa, gạo, bánh mì, mật ong, ngũ cốc.

    Chất béo: Chất dinh dưỡng giúp cho sự phát triển của tế bào não, là một trong những chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng, các chất béo còn giúp hấp thu các vitamin A, D, E và K.

    Khi ăn nên chọn các chất béo thực vật (dầu ăn) không nên ăn mỡ động vật.

    Ngoài các chất đạm, chất đường vá chất béo, các bà mẹ còn cần đến các vitamin và chất khoáng.

    Vitamin A: Gíup tăng trưởng tế bào não, có trong rau xanh, gan, chất béo, sữa, lòng đỏ trứng, dầu gan cá.

    Vitamin D: Gíup hấp thu và tăng tác dụng của calcium và magnesium, phosphor. Vitamin D có nhiều trong xương, sữa bò, dầu ăn, dầu gan cá.

    Vitamin C: Rau cải, quýt, cà chua, cam, bưởi.

    Các Vitamin B: Gạo lức, lòng đỏ trứng, thịt, rau cải, quả khô,đậu.

    Acid Folic: Cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi, có nhiều trong rau xanh, các lọai khoai mì, thịt mỡ, sữa.

    Chất sắt: Phòng tránh bệnh thiếu máu, có trong cá, thịt, rau xanh, trứng.

    Calcium: Cần thiết cho sự phát triển xương thai nhi, có trong sữa bò béo, cá, trứng, trái cây, rau cải. Mỗi ngày các bà mẹ cần 1300mg calcium, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.

    Chất xơ: Giúp tiêu hóa. Khi người mẹ mang thai do ảnh hưởng của nội tiết nên các bà mẹ dễ táo bón, chất xơ giúp tránh táo bón. Các chất xơ có trong rau, cải, đậu, trái cây.

    Ngoài ra các bà mẹ cần uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2,5 - 3lít/ngày.

    Trong thời gian mang thai các bà mẹ không nên uống rượu, bia, cafein, hút thuốc lá, ma túy, không ăn quá mặn hay nhiều gia vị.

    Khoa Khám bệnh

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ