Dinh dưỡng đối với thai phụ bị thiếu máu

    Khi nào các mẹ bầu được chẩn đoán là thiếu máu?

    Phụ nữ có thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu thấp <11g/dl.

    Có nhiều nguyên nhân có thể gây thiếu máu nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai là thiếu máu thiếu sắt. Đây là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu.

    Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này. Chính vì vậy việc duy trì hemoglobin trong giới hạn bình thường là rất quan trọng.

    Tại sao các mẹ bầu bị thiếu máu thiếu sắt?

    Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến.

    Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.

    Thiếu máu trong thai kỳ sẽ gây nên những ảnh hưởng gì?

    Thiếu máu ở phụ nữ mang thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não...có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con.

    Đối với mẹ: dễ sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản.

    Đối với con: nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.

    Vì vậy, các bác sĩ đã coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.

    Làm cách nào để cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt?

    Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất dinh dưỡng mẹ bầu cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt sét.

    • Sắt có nhiều trong thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau ranh...

    • Sắt từ thức ăn nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn gốc thực vật.
    • Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, can xi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Mỗi tuần mẹ bầu có thể ăn từ 3-4 quả trứng gà.
    • Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt từ nguồn thức ăn động vật, còn cần phối hợp với các loại trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như: cam, bưởi, thanh long, táo... sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn.

    • Hạn chế những chất ức chế hấp thu sắt như: tannin, phytat có trong ngũ cốc thô, trà...
    • Cần tránh dùng chung thuốc sắt với canxi; hay sắt và thuốc chống loét dạ dày sẽ làm giảm hấp thu sắt (những thuốc trên khi kết hợp với nhau cần uống cách nhau ít nhất 2 giờ). Không dùng chung thuốc chứa sắt với trà, cà phê hay sữa sẽ làm giảm hấp thu sắt.
    • Cần thực hiện uống viên sắt và acid folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

    Bổ sung Sắt-acid folic/ viên đa vi chất:

    Liều dùng như sau:

    • + Mỗi ngày uống 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 60mg sắt và 400mcg acid folic.
    • + Nếu phụ nữ mang thai có thiếu máu: cần uống theo chỉ định của bác sĩ.

    Lưu ý:

    • Uống viên sắt – acid folic có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn nhưng không gây hại gì và thường mất đi sau vài tuần. Để giảm bớt cảm giác khó chịu do tác dụng phụ của thuốc, nên uống thuốc vào một giờ nhất định; Ăn thêm rau, quả và uống nhiều nước.

    (TH – tổng hợp)

    Tài liệu tham khảo:

    Hướng dẫn quốc gia “Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú” – Bộ Y tế Việt Nam.

    Cẩm nang theo dõi sức khỏe trẻ em – Bộ Y tế.

    Tư liệu tư vấn dinh dưỡng – Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Từ Dũ.

    Phạm Thu Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ