Dị tật ống thần kinh

    ThS. BS. Nguyễn Khắc Hân Hoan
    K. XNDTYH - BV Từ Dũ

    Ống thần kinh là một cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai và sẽ phát triển thành não và cột sống. Cấu trúc này ban đầu chỉ là một dải mô nhỏ, gấp vào phía trong để tạo thành hình dạng một cái ống vào ngày thứ 28 sau khi thụ thai. Nếu như hiện tượng này không xảy ra đúng và ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn thì sẽ dẫn đến khiếm khuyết ở não và cột sống.

    Thể phổ biến nhất của khiếm khuyết ống thần kinh là tật cột sống chẻ đôi hay còn gọi là hở ống sống và tật vô sọ.

    Tật cột sống chẻ đôi

    Ống thần kinh phần tạo thành tủy sống và cột sống không đóng lại hoàn chỉnh gây tổn thương cho sự phát triển của tủy sống bên trong.

    Các cá thể bị cột sống chẻ đôi thường bị liệt các dây thần kinh phía dưới vùng tủy sống bị tổn thương. Làm cho bệnh nhân vận động khó khăn hoặc thậm chí không thể vận động được. Bệnh nhân cũng có thể bị các vấn đề liên quan đến hiện tượng tăng áp lực trong sọ và tiêu tiểu không kiểm soát được. Một số trẻ tử vong sớm sau sinh do bị chẻ cột sống quá nặng.

    Tật vô sọ

    Tật vô sọ là loại khiếm khuyết ống thần kinh rất nghiêm trọng. Ở tình trạng này, não hầu như không phát triển. Các bé bị tật vô sọ đều chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay sau khi sinh.

    Có cách nào để phòng ngừa khiếm khuyết ống thần kinh?

    Các nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng đủ axít folic trước và trong suốt thai kỳ có thể phòng ngừa khiếm khuyết ống thần kinh. Các phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nếu có thể sẽ mang thai thì nên uống 0,4mg axít folic mỗi ngày.

    Ống thần kinh phát triển rất sớm trong 4 tuần đầu của thai kỳ và thường trước khi các thai phụ biết mình mang thai. Vì thế tốt hơn hết là tất cả các phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên sử dụng axít folic.

    Điều trị khiếm khuyết ống thần kinh như thế nào?

    Điều trị thay đổi phụ thuộc vào loại khiếm khuyết của ống thần kinh. Một số trường hợp bị cột sống chẻ đôi nhẹ có thể chỉ điều trị rất ít. Một số thể nặng khác cần phải phẫu thuật. Các trường hợp tật vô sọ thì chưa có phương pháp điều trị. Trong một số trường hợp trẻ cần được vật lý trị liệu để tập đi.

    ThS. BS. Nguyễn Khắc Hân Hoan

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ