Có nên hơ than cho mẹ và bé sau sinh?
TS.BS.Lê Thị Thu Hà
BV Từ Dũ
Mở đầu
Hơ than cho mẹ và bé sau sinh là tập tục dân gian nước ta đã có từ lâu đời và cho đến nay một số mẹ vẫn còn áp dụng. Điều này đã gây bàn cãi khá nhiều. Vậy chúng ta thử tìm hiểu vì sao có tập tục này? Hơ than sau sinh có nguy cơ gì và có nên duy trì hay không?
Vì sao có tập tục hơ than cho mẹ và bé sau sinh?
Mất máu khi sinh
Hình mình họa - nguồn internet |
Khi chuyển dạ và sinh, bao giờ người mẹ cũng mất một lượng máu đáng kể, trung bình khoảng 300ml, có người mất trên 500ml (được gọi là băng huyết sau sinh). Băng huyết sau sinh có thể gây tử vong cho người mẹ nếu không xử trí kịp thời. Để phòng ngừa băng huyết sau sinh, có các biện pháp như xoa đáy tử cung, dùng thuốc co hồi tử cung,..và để xử trí kịp thời băng huyết sau sinh cần tích cực điều trị như bù máu, dùng các loại thuốc co hồi tử cung, đôi khi phải phẫu thuật cầm máu hoặc có thể phải cắt tử cung. Các biện pháp xử trí kể trên cần được thực hiện bởi nhân viên y tế chuyên ngành sản phụ khoa. Thời xưa, khi nền y tế nước nhà chưa phát triển, chưa có các bệnh viện có khoa sản, chưa có nhà hộ sinh, việc sinh đẻ thường diễn tiến tại nhà, và nhờ “bà mụ” đến đỡ đẻ. Vậy “bà mụ” là ai? “bà mụ” là người chuyên thực hiện việc đỡ đẻ cho các sản phụ trong khu vực, có khi chỉ là người thân quen của gia đình đã từng nhìn thấy một «bà mụ» khác làm việc này. “Bà mụ” chưa hề qua trường lớp y khoa, chưa được đào tạo gì về chuyên khoa sản, và tất nhiên chưa hiểu rõ nguyên tắc vô trùng và những tai biến sản khoa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời bấy giờ là như thế, nếu có hậu quả không may xảy ra với mẹ và bé thì đó cũng là số trời. Vì thế, những cách để làm giảm lượng máu mất sau sinh như ngày nay là không thể thực hiện, và lượng máu mất trung bình có khả năng nhiều hơn 300ml.
Máu là một chất dịch lưu thông khắp cơ thể có các chức năng rất quan trọng và phức tạp, bao gồm: hô hấp, dinh dưỡng, …và điều hoà thân nhiệt. Khi mất máu, do thiếu dinh dưỡng cho các mô và cơ thể cảm giác lạnh, vì thế nhu cầu làm ấm là tất yếu.
Thói quen ở cử
Thêm vào đó, sau sinh, các bà mẹ lại bị “cách ly” trong một căn chòi lá hoặc một nhà tạm, không chắn được khí lạnh từ bên ngoài vào, nhất là ban đêm hoặc khi thời tiết lạnh. Điều kiện vệ sinh lúc này thời bấy giờ chưa cao nên hơ than cũng giúp giảm mùi tanh của máu và sản dịch.
Đối với bé, khi còn nằm trong bụng mẹ thì lúc nào cũng được giữ ấm nhờ thân nhiệt mẹ. Khi chào đời, bé sẽ bị lạnh do nhiệt độ bên ngoài thấp hơn.
Lúc bấy giờ, chưa có máy điều hòa nhiệt độ, chưa có lò sưởi và các thiết bị hiện đại nên việc đốt bếp than để hơ ấm cho mẹ và bé là cách đơn giản và dễ thực hiện để giúp làm ấm cho mẹ và bé.
Việc hơ than có nguy cơ gì không?
Ngoài việc làm ấm cơ thể của mẹ và bé, hơ than có khá nhiều nguy cơ:
1. Than được đốt lên tạo ra khi CO và CO2 có thể gây ngộ độc cho mẹ và bé. Đây là khí độc không tốt cho mẹ, đặc biệt có thể khiến cho bé ngạt thở hoặc thậm chí gây tử vong, nhẹ nhất cũng gây những ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, gây viêm phổi cho cả mẹ và bé.
2. Nhiệt độ từ bếp than tỏa ra không đều, vị trí đặt bếp than thường bên dưới giường nằm của bà mẹ. Điều này có thể gây bỏng cho mẹ và bé. Đặc biệt, da của bé còn rất non nớt, than nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Đã từng có những trường hợp bà mẹ và bé bị bỏng phải nằm viện điều trị vì hơ than sau sinh.
3. Gây hỏa hoạn: lửa than bén lên giường, nệm gây cháy và làm bỏng bé.
4. Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng giống nhau. Có lúc nóng hừng hực, có lúc tắt ngấm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể yếu và mệt mỏi hơn.
5. Ngoài ra, tro than bám vào người của mẹ và bé, kèm với mồ hôi do môi trường quá nóng trong phòng nằm than làm cho cả mẹ và bé bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Hình minh họa - nguồn internet
Có cách nào làm ấm cơ thể nhưng tránh được những rủi ro nêu trên không?
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, có khá nhiều cách giúp làm ấm mẹ và bé khá an toàn và tiện lợi:
- Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, khăn choàng cổ, đi tất, mang bao tay, nằm trong phòng kín gió. Tuy nhiên, tùy vào khí hậu và thời tiết mà các mẹ cần sử dụng đồ ấm hay không.
- Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ chất.
- Xông hơ, massage cơ thể bằng rượu gừng, rượu nghệ, dầu hoặc các sản phẩm xông tắm bà bầu.
- Sử dụng các thiết bị sưởi, máy điều hòa.
- Các chị em sau sinh cần giữ vệ sinh cơ thể chứ không phải kiêng tắm gội như quan niệm trước đây. Nên tắm gội bằng nước ấm và lau khô ngay sau khi tắm gội.
- Việc vận động sớm sau sinh cũng giúp các cơ quan hoạt động và sinh nhiệt, từ đó cơ thể cũng ấm và máu huyết lưu thông thông tốt, cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tóm lại, việc hơ than cho mẹ và bé sau sinh phù hợp với dân gian thời xưa, khi nền y tế và công nghệ còn lạc hậu. Tuy nhiên, việc hơ than sau sinh chứa đựng khá nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Ngày nay, với sự tiến bộ nhiều mặt của xã hội, các gia đình có khá nhiều biện pháp để giữ ấm an toàn và tiện lợi cho mẹ và bé.