Vắc-xin ngừa HPV dự phòng ung thư cổ tử cung

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
    P. Công tác xã hội 

    HPV là gì?

     

    Human papillomavirus (HPV) là một loại vi-rút. Giống như tất cả các loại vi-rút khác, HPV gây nhiễm bằng cách xâm nhập vào các tế bào của cơ thể. Khi đã ở bên trong tế bào, HPV sẽ kiểm soát và sử dụng nó để tạo ra các bản sao của chính mình. Các bản sao này sau đó sẽ lây nhiễm sang các tế bào lân cận khác. Nhiễm HPV là một quá trình diễn tiến chậm. Ở hầu hết các trường hợp bị nhiễm, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ loại bỏ HPV trước khi nó gây bệnh.

     

    Nhiễm HPV có thể gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) hoặc gây ra những thay đổi bất thường trong tế bào dẫn đến ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung.

    HPV lây truyền bằng cách nào?

    HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Hầu hết những người có quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.

    Có khoảng 40 chủng HPV thường gây nhiễm ở bộ phận sinh dục của cả nam và nữ. Các chủng HPV này rất dễ lây lan khi tiếp xúc da với da khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Ngoài ra, bạn vẫn có thể bị nhiễm HPV sinh dục ngay cả khi không quan hệ tình dục.

    Nhiễm HPV thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, do đó hầu hết người bị nhiễm vi-rút HPV không biết mình đang mắc bệnh. Đây là một trong những lý do tại sao HPV lây lan dễ dàng.

    HPV gây mụn cóc sinh dục (sùi mào gà)

    Mụn cóc sinh dục là những khối u xuất hiện ở âm đạo hoặc dương vật, có thể lây lan sang vùng da lân cận như quanh hậu môn, âm hộ hoặc cổ tử cung. Mụn cóc có thể gây ngứa hoặc đau, đôi khi chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

    Những chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục được gọi là "chủng nguy cơ thấp" vì chúng không gây ung thư. Hầu hết các trường hợp mụn cóc sinh dục do hai chủng HPV nguy cơ thấp gây ra là HPV 6 và 11.

    Mụn cóc có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

    HPV gây ung thư cổ tử cung

    Có ít nhất 13 chủng HPV liên quan đến ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, dương vật, miệng và hầu họng, được gọi là “chủng nguy cơ cao”. Trong đó, chủng HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư liên quan đến HPV.

    Trong hầu hết các trường hợp nhiễm HPV, hệ miễn dịch sẽ chống lại vi-rút và loại bỏ chúng khỏi cơ thể, quá trình này thường hoàn tất trong vòng 2 năm. Nhưng đôi khi nhiễm trùng HPV có thể kéo dài hơn do cơ thể không đủ khả năng loại bỏ chúng. Nếu bị nhiễm các chủng HPV “nguy cơ cao” một thời gian dài, tế bào bị nhiễm có thể chuyển thành ung thư. 

    Có thể mất từ ​​3 đến 7 năm để những thay đổi bất thường trong các tế bào cổ tử cung trở thành ung thư. Tế bào chỉ mới ở giai đoạn biến đổi bất thường có thể được điều trị dễ dàng hơn và có tiên lượng hồi phục tốt hơn so với ung thư. Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện nhằm mục tiêu phát hiện sớm các biến đổi bất thường này trước khi nó diễn tiến thành ung thư.

    Vắc-xin HPV là gì?

    Chủng ngừa HPV là một cách để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm HPV. Vắc-xin đã được chứng minh tính an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại một số chủng HPV thường gặp. Hàng triệu người trên thế giới đã chủng ngừa HPV mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

    Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành loại vắc-xin tứ giá, ngừa được 4 chủng HPV thường gặp là HPV 6, 11, 16 và 18. Vắc-xin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mụn cóc sinh dục và ung thư liên quan đến HPV lên đến 99% sau khi tiêm tất cả các mũi được khuyến cáo.

    Khi nào tiêm ngừa HPV

    Độ tuổi lý tưởng để tiêm phòng HPV cho trẻ em gái và trẻ em trai là 11 hoặc 12 tuổi, để đảm bảo rằng trẻ được bảo vệ trước khi có nguy cơ phơi nhiễm với loại vi-rút này. Tại Việt Nam, bộ y tế khuyến cáo tiêm vắc-xin cho độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi.

    Tiêm phòng có hiệu quả tốt nhất khi một người chưa có hoạt động tình dục và chưa tiếp xúc với HPV. Tuy nhiên, tiêm phòng vẫn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HPV cho những người đã hoạt động tình dục. Hoặc nếu bạn đã nhiễm một chủng HPV nào đó, vắc-xin vẫn có thể giúp bạn ngừa các chủng HPV khác. 

    Lịch tiêm vắc-xin HPV:

    • Đối với trẻ từ 9 đến 14 tuổi, nên tiêm hai mũi vắc-xin. Mũi thứ hai nên được tiêm sau mũi thứ nhất từ ​​6 đến 12 tháng.
    • Đối với những người từ 15 đến 26 tuổi, nên tiêm ba mũi vắc-xin. Mũi thứ hai nên được tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3 nên tiêm sau mũi thứ nhất 6 tháng.

    Khoảng cách tiêm giữa hai liều vắc-xin có thể dài hơn khuyến cáo nhưng không được ngắn hơn. Khoảng cách tối thiểu giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 4 tuần, giữa liều thứ hai và liều thứ ba là 12 tuần, giữa liều thứ nhất và liều thứ ba là 5 tháng.

    Tác dụng phụ phổ biến nhất của vắc-xin HPV là đau nhức và mẩn đỏ nơi tiêm. Không có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng xấu với vắc-xin.

    Tôi có thể tiêm ngừa HPV khi đã có quan hệ tình dục không?

    Có thể. Nếu bạn đã quan hệ tình dục, bạn có thể đã bị nhiễm một hoặc nhiều chủng HPV. Nhưng vắc-xin vẫn có thể bảo vệ bạn chống lại các chủng HPV mà bạn chưa nhiễm.

    Tôi có cần tiếp tục tầm soát ung thư CTC nếu đã chủng ngừa HPV?

    Có, bạn cần tiếp tục tầm soát ung thư CTC.

    Tiêm phòng giúp ngăn ngừa nhiễm HPV trong tương lai, nhưng nó không phải là cách chữa khỏi bệnh do nhiễm HPV mà bạn đã có. Ngoài ra, bên cạnh 4 chủng HPV được chủng ngừa, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm các “chủng nguy cơ cao” khác. Do đó, phụ nữ đã tiêm phòng vẫn cần phải tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên. Hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn về thời gian và tần suất bạn nên được kiểm tra.

    Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay:

    • Xét nghiệm Pap - Là xét nghiệm trong đó các tế bào được lấy từ cổ tử cung và xem xét dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này có thể phát hiện những thay đổi bất thường trong các tế bào của cổ tử cung. Nếu xét nghiệm cho thấy những thay đổi bất thường có nguy cơ cao dẫn đến ung thư, thì có thể tiến hành điều trị trước khi ung thư phát triển. Phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap bắt đầu từ năm 21 tuổi.
    • Xét nghiệm HPV - Có thể được làm cùng với xét nghiệm Pap ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Đây được gọi là đồng kiểm (co-testing). Xét nghiệm HPV cũng có thể được sử dụng như một xét nghiệm theo dõi cho phụ nữ từ 21 tuổi trở lên có xét nghiệm Pap bất thường. Xét nghiệm HPV giúp xác định tình trạng nhiễm của hầu hết các chủng HPV gây ung thư ngay cả trước khi có những thay đổi rõ ràng trong tế bào cổ tử cung.

    Xem thêm http://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-dung-de-qua-muon/

    Tham khảo:

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/hpv-vaccination

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ