U buồng trứng và thai

                                                                                                        TS. BS. Huỳnh Thị Thu Thủy
    Phó Giám đốc - BV Từ Dũ

    U buồng trứng  (UBT) là một loại bệnh phụ khoa rất thường gặp. UBT có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi đối tượng. Từ bé gái trước dậy thì đến bà cụ già đã mãn kinh từ rất lâu, từ người bình thường đến phụ nữ mang thai đều có thể bị UBT với các xuất độ và tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào từng loại khối u. Tỷ lệ UBT từ 5-10% trong cộmg đồng dân số nữ.

    Người ta lo lắng nhất khi có UBT là do những biến chứng của nó, trong đó biến chứng hóa ác hay hóa ung thư buồng trứng là một biến chứng rất nguy hiểm đe dọa tính mạng, sức khỏe, tuổi thọ và việc điều trị phức tạp, tốn kém và bất cứ khối UBT nào cũng có tiềm năng hóa ác tính.

    UBT có thể xuất hiện trước khi mang thai với kích thước nhỏ bé dưới 3 - 4cm đường kính và không gây triệu chứng gì nên người phụ nữ thường không đi khám và không được phát hiện. Đến khi có thai, đi khám thai, siêu âm và phát hiện được UBT.

    Các biến chứng của u BT khi có thai 

    • Biến chứng chèn ép khi đang mang thai: u to, dạng đặc có thể chèn ép lên tử cung cản trở sự phát triển của tử cung đang mang thai nhi, chèn ép lên ruột, bàng quang gây bí tiểu, tiểu lắt nhắt, chèn ép lên ruột làm tăng tình trạng táo bón của thai phụ. U có thể chèn ép lên niệu quản làm thận ứ nước gây viêm đài bể thận, suy thận.
    •  
    • U bị vỡ khi u là dạng dịch và u bị tử cung, các cơ quan vùng chậu chèn ép làm vỡ u.
    •  
    • UBT trở thành u tiền đạo gây đẻ khó phải mổ lấy thai.
    • Biến chứng xoắn: thường gặp với loại u có cuống, nhưng kích thước nhỏ mà tỷ trọng nặng như u bì buồng trứng. Biến chứng xoắn thường gặp ở thời kỳ hậu sản khi sản phụ vừa sanh xong, kích thước tử cung thu nhỏ lại làm ổ bụng trống và u sẽ dễ bị xoắn cuống.
    • Biến chứng hóa ác tính: tùy từng loại u mà biến chứng này có các tỷ lệ khác nhau. Tỷ lệ ung thư của UBT và thai từ 1/10.000  đến 1/25.000. Biến chứng hóa ác tính có thể xảy ra khi vừa có khối u xuất hiện hoặc sau một thời gian u nằm trong ổ bụng mà không được phát hiện và phẫu thuật cắt bỏ khối u sớm. Trong khi thai phụ mang thai, u vẫn có thể hóa thành ung thư buồng trứng theo diễn tiến của một ung thư buồng trứng và đây là một vấn đề phức tạp và tiên lượng xấu cho cả hai mẹ con.

    Triệu chứng hay các dấu hiệu khi có UBT

    UBT thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng nào khi chưa có biến chứng. Thường thai phụ chỉ cảm thấy đau trằn nhẹ bụng dưới, tức tức bụng hoặc đau lưng, mỏi lưng…. Các triệu chứng xuất hiện khi có biến chứng của UBT như: 

    • Không đi tiểu được, sốt cao, đau lưng khi u chèn ép gây nhiễm trùng đường tiết niệu, khó thở khi u to chèn ép cơ hoành.
    • Đột ngột đau bụng, sốt hoặc có dấu nhiễm độc khi u bị vỡ hoặc bị xoắn.
    • Gầy yếu, sụt cân, bụng to nhanh khi u hóa ác tính.

    Xử trí khi có thai và bị UBT

       
    • Chuẩn bị mang thai: Các chị em nên đi khám tổng quát, kiểm tra sức khỏe, trong đó phải khám phụ khoa và siêu âm vùng chậu.
    • Khám thai sớm ở 3 tháng đầu thai kỳ nếu phát hiện có khối UBT thực thể. Thực hiện các xét nghiệm huyết thanh, siêu âm dự đoán mức độ lành ác của khối u. Không phẫu thuật trong 3 tháng đầu nếu qua các đánh gía y học cho thấy u đang lành tính. Vì phẫu thuật ở 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ sẽ sẩy thai và sẽ không tốt cho bé vì mẹ sử dụng nhiều thuốc men ở thời điểm này. Sẽ phẫu thuật vào 3 tháng giữa thai kỳ. Trong trường hợp nghi ngờ u ác tính hoặc có biến chứng khác như vỡ, xoắn…thì sẽ phẫu thuật ngay, ở bất kỳ thời điểm nào của thai nghén.
    • Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là 3 tháng giữa thai kỳ: lúc này hoàng thể thai kỳ do buồng trứng tiết ra đã hết nhiệm vụ. Sự nuôi dưỡng thai nhi sẽ do bánh nhau đảm nhận. Trong 3 tháng giữa tử cung ít bị nhạy cảm để gây nên cơn gò tử cung, phẫu thuật sẽ an toàn hơn. Phải phẫu thuật UBT vì tính chất nặng nề của những biến chứng và y học không thể tiên lượng được đến thời điểm nào thì một khối UBT lành tính sẽ có những biến chứng, đặc biệt là biến chứng hóa ung thư. Vì vậy phải phẫu thuật, đem khối u ra khỏi ổ bụng và thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh lý, quan sát các tế bào khối u dưới kính hiển vi điện tử bằng phương pháp chuyên biệt mới khẳng định được là UBT loại nào, đã hóa ác tính hay chưa. Nếu kết quả giải phẫu bệnh lành tính, thai phụ sẽ tiếp tục dưỡng thai, quá trình thai nghén sẽ bình thường như những thai phụ không có khối UBT. Nếu kết quả là ung thư buồng trứng thì vấn đề quan trọng là cứu mẹ. Vì thời gian tính rất quan trọng trong quyết định tiên lượng sống còn và tuổi thọ của người mẹ. Do đó,  phẫu thuật lại để lấy thai, cắt buồng trứng còn lại và điều trị hóa chất, xạ trị cho là vấn đề phải cân nhắc và tính toán thật cụ thể, khoa học và cho cả tính nhân văn nữa.
    • Nếu UBT phát hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ: U dự đoán lành tính: chờ chuyển dạ tự nhiên, nhưng lưu ý UBT có thể trở thành u tiền đạo làm cản trở cuộc sanh, không sinh được phải mổ lấy thai. Trong khi mổ lấy thai, có thể mổ lấy luôn khối UBT. Nếu u dự đoán ác tính: sử dụng thuốc hỗ trợ phổi cho thai và tiến hành phẫu thuật lấy khối UBT khi thai đủ trưởng thành, có thể  sống, khỏe mạnh sau khi được sinh ra.
    • Sau sinh có UBT: UBT dễ có biến chứng trong thời kỳ hậu sản, thường phẫu thuật giai đoạn này an toàn cho mẹ và con hơn.

    Sau phẫu thuật,  khối UBT được gửi đến phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh lý để xác định là khối u lành tính hay ác tính, là loại khối u gì? Từ đó sẽ có hướng tiên lượng và điều trị thích hợp sau khi phẫu thuật.

    Bất cứ UBT thực thể nào cũng có tiềm năng hóa ác tính, là một biến chứng nguy hiểm nhất cho chị em phụ nữ nhất là phụ nữ mang thai có UBT. Việc phát hịện, chẩn đoán sớm để được điều trị kịp thời là một thách thức cho ngành y tế cũng như trong cộng đồng phụ nữ mang thai. Việc tầm soát không khó khăn và tương đối đơn giản bằng thăm khám và siêu  âm nhưng thường không được chị em phụ nữ nhất là chị em có thai chú ý và quan tâm. Chỉ cần chị em đi đến cơ sở y tế để khám kiểm tra phụ khoa trước khi mang thai và vào 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén là có thể an tâm chăm lo sức khỏe của cả hai mẹ con trong suốt quá trình mang thai 40 tuần lễ.

    Ngay cả những phụ nữ không mang thai, chị em cũng cần phải khám phụ khoa, siêu âm định kỳ để phát hiện sớm nếu có UBT và phẫu thuật lấy khối u kịp thời trước khi u gây ra những biến chứng nguy hiểm.

    TS. BS. Huỳnh Thị Thu Thủy

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ