Những điều cần biết về ung thư cổ tử cung

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Cổ tử cung là một cấu trúc kết nối giữa âm đạo và tử cung ở người phụ nữ. Ung thư có nguồn gốc từ cổ tử cung là một trong những ung thư phụ khoa thường gặp nhất. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung gây ra do nhiễm vi-rút HPV kéo dài.

    Ung thư cổ tử cung thường diễn tiến chậm, có thể diễn tiến âm thầm vài năm cho đến khi gây nên các vấn đề nghiêm trọng. Do đó, những phụ nữ được tầm soát định kỳ có nhiều cơ hội phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có nhiều khả năng điều trị bệnh triệt để. Theo thống kê, số người bệnh tử vong hàng năm vì ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ vào sự phát triển của các phương tiện tầm soát bất thường sớm ở cổ tử cung như xét nghiệm Pap và HPV cũng như ý thức của người dân về vấn đề tầm soát định kỳ đã được nâng cao.

    Độ tuổi trung bình thường gặp ung thư cổ tử cung là khoảng 35-44 tuổi. Độ tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ ung thư cổ tử cung do thời gian phơi nhiễm HPV kéo dài. Hiện nay, do có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến hoạt động tình dục khiến người phụ nữ dễ bị nhiễm HPV sớm và kéo dài, do đó độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh viện Từ Dũ trong thời gian qua cũng đã điều trị cho một số bệnh nhân ung thư cổ tử cung gặp phải ở độ tuổi rất trẻ (28-30 tuổi).

    Các loại ung thư cổ tử cung (CTC) có thể gặp bao gồm:

    -         Ung thư biểu mô lát: Gặp ở 90% trường hợp ung thư CTC. Đây là lớp tế bào biểu mô lót ở cổ ngoài CTC.

    -         Ung thư biểu mô tuyến: Là ung thư phát triển ở lớp tế bào tuyến sản xuất chất nhầy CTC. Thường có ở vùng kênh CTC. Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, lớp tế bào tuyến đôi khi phát triển lộ ra vùng cổ ngoài CTC.

    -         Ung thư hỗn hợp với các đặc điểm của cả 2 loại trên.

    Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung:

       Ung thư CTC bắt nguồn từ các biến đổi bất thường trong tế bào CTC do vi-rút HPV gây ra. Nguy cơ nhiễm HPV bắt đầu kể từ khi bạn có quan hệ tình dục lần đầu tiên. Nhiễm HPV kéo dài gây nên các biến đổi không hồi phục của các tế bào CTC và diễn tiến dần đến ung thư.

    Yếu tố nguy cơ của ung thư CTC:

    • Quan hệ tình dục lần đầu trước 16 tuổi.
    • Có quan hệ tình dục với nhiều người hoặc bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người.
    • Hút thuốc lá.
    • Suy giảm hệ miễn dịch.
    • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

    Triệu chứng của ung thư cổ tử cung có thể gặp bao gồm:

    • Đau khi quan hệ tình dục.
    • Xuất huyết âm đạo bất thường như ra máu sau quan hệ, ra máu giữa chu kỳ kinh hoặc ra máu âm đạo sau mãn kinh.
    • Âm đạo tiết dịch bất thường như dịch đục hôi, dịch nhầy máu hoặc tiết dịch kéo dài.
    • Ung thư lan đến các cơ quan khác có thể gây ra: đau vùng chậu, rối loạn đi tiêu tiểu, phù chân, suy thận, đau xương, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn…

    Phần lớn người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm không biểu hiện triệu chứng cho đến khi ung thư đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Do đó, phụ nữ sau khi đã có quan hệ tình dục được khuyên nên tầm soát phụ khoa định kỳ cho bệnh lý ung thư cổ tử cung thay vì đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám.

    Chẩn đoán ung thư cổ tử cung bằng cách nào?

     

    Hình minh họa - nguồn internet

    Một tiến bộ quan trọng giúp tầm soát sớm ung thư cổ tử cung ngày nay là sử dụng rộng rãi các xét nghiệm tế bào học (Pap test) và xét nghiệm tìm HPV nguy cơ cao. Xét nghiệm phết tế bào CTC (Pap smear) đã dần trở thành xét nghiệm thường qui khi khám phụ khoa định kỳ.

       Khám lâm sàng là bước quan trọng để bác sĩ nhận diện được các tổn thương đại thể trên cổ tử cung. Nếu quan sát thấy có các sang thương ở CTC nghi ngờ ung thư hoặc có bất thường kết quả Pap smear hoặc HPV nguy cơ cao, bạn sẽ được soi cổ tử cung, sinh thiết vùng mô nghi ngờ và gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định liệu có phải mô ung thư hay không. Sau đó, khoét chóp CTC bằng dao điện (LEEP) hoặc cắt bằng dao lạnh sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn rõ hơn về các loại tế bào bất thường ở cổ tử cung và xác định mức độ lan rộng của tế bào ác tính.

       Khi nghi ngờ ung thư đã lan rộng hoặc di căn xa, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét ghiệm khác để xác định giai đoạn ung thư, bao gồm: Chụp X-quang ngực, chụp CT scan, MRI hoặc PET scan để tìm các di căn hạch bạch huyết, gan, đường tiết niệu hoặc trực tràng. Các xét nghiệm này hỗ trợ phân giai đoạn ung thư theo độ lớn, độ sâu và mức độ lan rộng của tổn thương.

    Điều trị ung thư cổ tử cung:

       Ung thư CTC hoàn toàn có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ sống sót là gần 100% khi người bệnh được phát hiện và điều trị các biến đổi tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm. Tiên lượng sống còn của ung thư cổ tử cung xâm lấn sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư:

    • Hơn 90% phụ nữ ung thư CTC giai đoạn 0 sống hơn 5 năm sau khi phát hiện và điều trị.
    • Ung thư CTC giai đoạn I có tỉ lệ sống còn 5 năm khoảng 80-93%
    • Ung thư CTC giai đoạn II có tỉ lệ sống còn 5 năm khoảng 58-63%
    • Tỉ lệ sống còn 5 năm với ung thư CTC giai đoạn III là khoảng 32-35%
    • Ít hơn 16% người bệnh ung thư CTC giai đoạn IV sống đến 5 năm.

       Nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm và mới chỉ có ở bề mặt cổ tử cung, bác sĩ có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư bằng phương pháp khoét chóp bằng dao điện (LEEP) hoặc dao lạnh, có thể bảo tồn tử cung nếu người bệnh còn trẻ và chưa đủ con. Sau đó, người bệnh cần được theo dõi và tái khám định kỳ để xác định nếu có nguy cơ tái phát.

       Phẫu thuật và xạ trị là những phương pháp thường được áp dụng để điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn xâm lấn. Một số phương pháp khác bao gồm hóa trị và các liệu pháp sinh học (liệu pháp miễn dịch nhắm trúng đích).

    Với những trường hợp ung thư lan rộng, bạn sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt tận gốc tử cung, có thể kết hợp xạ trị và các phương pháp khác. Với các trường hợp ung thư giai đoạn muộn vượt quá chỉ định phẫu thật, các phương pháp khác như xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp sinh học sẽ được áp dụng. Tuy nhiên ung thư phát hiện ở giai đoạn càng muộn, tiên lượng sống còn của người bệnh sẽ càng thấp.

    Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung bằng cách nào:

    - Khám phụ khoa định kỳ, tầm soát và phát hiện sớm các bất thường tiền ung thư cổ tử cung và điều trị các bất thường này là biện pháp hữu hiệu nhất để dự phòng ung thư cổ tử cung.

    - Giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục lành mạnh và an toàn, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

    - Chích ngừa vắc-xin HPV cho cả nam giới và phụ nữ, tốt nhất nên chích trong độ tuổi tử 9 đến 26 tuổi và trước khi có quan hệ tình dục lần đầu (theo khuyến cáo của FDA)

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ