Những điều cần biết về kinh nguyệt không đều
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Kinh nguyệt không đều là tình trạng khá phổ biến và thường không quá nghiêm trọng. Chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi nhẹ về độ dài mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu chu kỳ ngắn hơn 24 ngày, dài hơn 38 ngày hoặc thay đổi thất thường mỗi tháng, đó là dấu hiệu của kinh nguyệt không đều.
Tình trạng này có thể xảy ra trong các giai đoạn như dậy thì, cho con bú hoặc tiền mãn kinh. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác như căng thẳng, thuốc, các vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tâm lý cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt được điều chỉnh bởi các hormone như estrogen, progesterone, LH, FSH. Khi sự cân bằng hoặc chu kỳ hoạt động của các hormone này bị rối loạn, kinh nguyệt có thể trở nên thất thường.
Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Thay đổi hormone tự nhiên
- Sử dụng hoặc ngưng thuốc tránh thai nội tiết
- Căng thẳng, vận động quá sức, sụt cân
- Các vấn đề sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn ăn uống, bệnh tuyến giáp...
Thay đổi hormone tự nhiên
- Dậy thì: Hormone chưa ổn định, có thể mất vài năm để chu kỳ đều đặn.
- Sau sinh và cho con bú: Hormone thay đổi mạnh, đặc biệt là cho con bú hoàn toàn có thể làm mất kinh tạm thời (gọi là vô kinh do cho bú).
- Tiền mãn kinh: Giai đoạn trước khi mãn kinh, hormone giảm dần và kinh nguyệt thưa dần đến khi ngừng hẳn.

Sử dụng hoặc ngưng thuốc tránh thai
- Khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai nội tiết, cơ thể có thể chảy máu bất thường trong vài tháng đầu. Sau đó chu kỳ thường ổn định hoặc mất hẳn kinh.
- Khi ngưng thuốc, cơ thể cần thời gian để điều chỉnh lại hormone tự nhiên. Có thể mất đến 3 tháng để chu kỳ quay về bình thường, nhất là với người từng bị kinh không đều.
Một số bệnh lý ảnh hưởng đến chu kỳ kinh
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Là một tình trạng rối loạn nội tiết toàn thân gây ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng, trứng không rụng đều đặn và xuất hiện nhiều nang nhỏ trong buồng trứng. Người bệnh thường gặp phải tình trạng kinh thưa, có thể bị mụn, rậm lông, khó thụ thai, đề kháng insulin.
- Rối loạn ăn uống: Như chán ăn, cuồng ăn hoặc ăn rồi cố nôn ra. Những người giảm cân quá mức hoặc tập luyện quá sức dễ mất kinh.
- Lạc nội mạc tử cung: Khi mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài buồng tử cung, có thể gây đau bụng kinh, kinh ra nhiều, chảy máu giữa kỳ kinh, khó mang thai.
- Bệnh tuyến giáp: Tuyến giáp sản xuất hormone có ảnh hưởng đến hoạt động chức năng buồng trứng. Cường giáp (quá nhiều hormone) hoặc suy giáp (quá ít hormone) đều gây kinh không đều và các triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, rụng tóc...
- Các bệnh khác: Tiểu đường type 1, hội chứng Cushing, suy buồng trứng sớm, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, u tiết hormone... đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt không đều không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng nếu kéo dài có thể gợi ý cho những tình trạng như:
- Thiếu máu thiếu sắt: do ra kinh nhiều
- Khó mang thai: do không rụng trứng thường xuyên
- Loãng xương: vì thiếu estrogen duy trì xương chắc khỏe
- Bệnh tim mạch: có thể bị tăng nguy cơ do thiếu estrogen
- Tăng sản nội mạc tử cung, có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung nếu không điều trị.

Điều trị
Không phải ai bị kinh nguyệt không đều cũng cần điều trị. Những thay đổi do dậy thì, tiền mãn kinh hay ngưng thuốc tránh thai thường là tạm thời.
Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ khi:
- Kinh nguyệt không đều kéo dài không rõ nguyên nhân
- Có triệu chứng đi kèm như đau vùng chậu
- Mong muốn có thai
- Có liên quan đến thuốc đang dùng hay bệnh lý nền
Phương pháp điều trị có thể bao gồm
- Liệu pháp hormone: thuốc tránh thai chứa estrogen và progesterone giúp điều hòa chu kỳ kinh và giảm triệu chứng.
- Giảm cân hoặc tăng cân hợp lý: duy trì cân nặng vừa phải giúp cải thiện rụng trứng, nhất là trong hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Tư vấn dinh dưỡng: người cần tăng hoặc giảm cân nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo cân bằng hormone.
- Hỗ trợ tâm lý: nếu nguyên nhân liên quan đến stress, lo âu, rối loạn ăn uống → nên gặp nhà trị liệu tâm lý hoặc nhóm hỗ trợ.
- Thuốc hỗ trợ khác: ví dụ metformin cho bệnh nhân PCOS.
Kinh nguyệt không đều ảnh hưởng đến việc mang thai thế nào?
Người bị kinh nguyệt không đều có thể gặp khó khăn trong việc mang thai và canh thời điểm rụng trứng. Tuy nhiên, vẫn có thể mang thai nếu theo dõi chu kỳ đúng cách. Các phương pháp gồm:
- Ghi chú ngày có kinh mỗi tháng để phát hiện quy luật
- Quan sát chất nhầy cổ tử cung: gần rụng trứng, dịch nhầy sẽ trong, trơn, dai như lòng trắng trứng
- Đo thân nhiệt cơ bản mỗi sáng: nhiệt độ tăng nhẹ sau khi rụng trứng
- Dùng que thử rụng trứng
Nếu bạn khó mang thai nhưng các cách trên không hiệu quả, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn.
Kinh nguyệt không đều là hiện tượng khá phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thay đổi hormone sinh lý, stress, thuốc hoặc bệnh lý. Nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng sống.
Nếu bạn lo lắng hoặc muốn có thai mà gặp tình trạng này, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.