Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ, được tái công nhận là trung tâm hỗ trợ sinh sản công lập Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế về Hỗ trợ sinh sản (RTAC Code of Practice) phiên bản quốc tế 2018.

    Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) bao gồm các giai đoạn kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, thụ tinh trứng với tinh trùng, sau đó phôi được nuôi cấy và chuyển vào buồng tử cung người mẹ.

    Với kỹ thuật  sinh thiết phôi được công nhận và đưa vào nhóm kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 22/1/2019, Khoa Hiếm muộn được tái công nhận là trung tâm hỗ trợ sinh sản công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế về Hỗ trợ sinh sản  (RTAC Code of Practice) 2018. Đây là những nỗ lực không ngừng của tập thể  y bác sĩ - kỹ thuật viên Khoa Hiếm muộn nói riêng và tập thể Bệnh viện Từ Dũ nói chung, nhằm nâng cao chất lượng điều trị sau khi đạt chuẩn RTAC lần đầu năm 2017.

    Thành quả này có được thông qua việc triển khai thành công kỹ thuật  sinh thiết phôi trong năm 2018, của khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Từ Dũ trên 24 ca, với 8 ca đến thời điểm thử thai đạt 6 ca thụ thai, được chuyên gia thẩm định của Ủy ban Kiểm định Công nghệ Sinh sản (RTAC - Reproductive Technology  Accreditation Committee) thuộc Hội đồng Sinh sản Úc đánh giá cao về hiệu quả thực tiễn.  Bên cạnh đó, trong thời gian làm việc tại Khoa Hiếm muộn, chuyên gia thẩm định cũng đã chú trọng đến các chi tiết nghiêm ngặt của quá trình thực hành trên chu kỳ lớn, quản lý các nguy cơ trong điều trị hỗ trợ sinh sản dựa trên Quy tắc thực hành dành cho các trung tâm sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) tại các quốc gia ngoài Úc và New Zealand.

    (Minh Tâm)

    CN. Nguyễn Thị Minh Tâm

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ