Hội nghị tổng kết Đề án đào tạo cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số
Từ năm 1999, với nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Bà mẹ trẻ em vùng dân tộc thiểu số - khởi nguồn từ mong muốn đền ơn đáp nghĩa và tâm huyết của tập thể cán bộ công chức Bệnh viện Từ Dũ, đứng đầu là GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Ban Giám Đốc Bệnh viện Từ Dũ - đã là những người đầu tiên khai phá, tìm ra cách thức tốt nhất, phù hợp nhất trong hoàn cảnh thực tế - đó là đào tạo ra lực lượng Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số. Những cô đỡ thôn bản này đã áp dụng những kiến thức được học từ Bệnh viện Từ Dũ, thông qua ngôn ngữ của chính dân tộc mình đã góp phần quan trọng và việc giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trong thôn bản, trong cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống.
Ông Nguyễn Bá Thủy Thứ trưởng Bộ Y Tế phát biểu khai mạc hội nghị |
Theo điều tra mới nhất 11/2010 tại tất cả các tỉnh tham gia đào tạo cô đỡ thôn bản kể cả giai đoạn thí điểm, có tổng cộng 841 cô đỡ thôn bản được đào tạo, trong đó:
- 113 cô đỡ thôn bản của giai đoạn thí điểm
- 728 cô đỡ thôn bản trong chương trình đào tạo với tài trợ của GSK
Sau khi không tính đến số cô đỡ thôn bản xác định là không hoạt động do đặc thù địa lý của đồng bằng Sông Cửu Long (56/841 cô đỡ thôn bản) còn lại 785 cô đỡ thôn bản của các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
Trong 554 cô đỡ thôn bản còn hoạt động, các hình thức hoạt động gồm:
- Y tế thôn bản: 422 chiếm 76,3%
- Cộng tác viên: 32 chiếm 5,7%
- Hoạt động độc lập: 85 chiếm 15,3%
- Khác: 15 chiếm 2,7%
Trong điều tra mới nhất phối hợp giữa Bệnh viện Từ Dũ và ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, kết quả hoạt động chuyên môn của cô đỡ thôn bản 12 tỉnh Tây nguyên và miền Trung năm 2010 (1/1-31/10/2010) như sau:
- Khám thai và tư vấn: 13.423 lượt, trong đó:
- Tại nhà: 8.001 lượt – 59,6 %
- Tại TYT: 5.422 lượt – 40,4 %
- Chuyển tuyến đúng: 1.324 ca
- Số đỡ sanh: 2.753 ca, trong đó:
- Tại nhà: 1.493 ca – 54,23 %
- Tại rẫy: 47 ca – 1,7 %
- Tại TYT: 1.213 ca – 44,06%
Số đẻ tại nhà và tại rẫy do cô đỡ thôn bản đỡ chỉ chiếm 6,5% (1.540/23.629) tổng số trường hợp sanh mà không sanh tại cơ sở y tế của 12 tỉnh trên.
- Tai biến khi sanh: 0
Cung cấp túi đỡ đẻ sạch: tính đến 12/2010, Bệnh viện Từ Dũ đã cung cấp túi đỡ đẻ sạch cho 12 tình Tây nguyên và miền Trung là 12.284 túi.
Hội nghị đã được nghe, được thấy những tấm lòng cao cả vì các cô đỡ thôn bản, vì người dân tộc thiểu số của lãnh đạo và cán bộ công chức của Bệnh viện Từ Dũ trong việc chăm lo từng miếng cơm manh áo, tập cho các em từng cách sử dụng nhà vệ sinh, cách sinh hoạt tập thể giữa đô thị quá xa lạ đối với các em. Rồi cầm tay chỉ việc từng công việc nhỏ nhất đến khi các em có thể tự tin đỡ sanh một ca trọn vẹn, đem lại tiếng khóc trẻ thơ trong tiếng cười vui hạnh phúc của người nhà và cộng đồng dân cư trong thôn bản. Những kiệt tác ấy, nếu không xuất phát từ tấm lòng yêu thương các em như con cháu trong nhà, tấm lòng vì người bệnh như người nhà của tập thể anh hùng thì hôm nay chúng ta không có được những cô đỡ thôn bản tự tin, tâm huyết và làm việc hiệu quả tại thôn bản của mình.
Phát biểu tại hội nghị, GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chuyên gia cao cấp ban tuyên giáo trung ương – Nguyên thứ trưởng BYT nhấn mạnh:
Đào tạo CĐTB cũng là biểu hiện uyển chuyển phù hợp nhu cầu về CSSK, không còn hành chính hóa, không cứng nhắc. Tôi nhiệt liệt chúc mừng kết quả hoạt động của các đồng chí”.
GS. Phạm Mạnh Hùng cũng chỉ đạo: “Cần tổ chức đào tạo và nhân ra rộng là một việc làm hợp lý vì còn những tập tục còn rất lạc hậu, nhu cầu đào tạo cô đỡ thôn bản là vẫn còn cho đến hiện nay và nhiều năm sau nữa. Nhưng cần có kế hoạch đào tạo cho bao nhiêu xã, cho những ai, và đào tạo như thế nào.
Cần nắm nội dung và vấn đề đào tạo, lưu ý khái niệm đào tạo CĐTB người dân tộc thiểu số và đào tạo CĐTB; xây dựng những quy chế sử dụng đối với CĐTB: những việc gì CĐTB được làm hoặc những gì CĐTB không được làm; đây là vấn đề quan trọng và cần thiết vì nếu không quan tâm đúng mức thì tất yếu có sai lầm; quy định những CĐTB nào thì được tiếp tục thực hành chăm sóc sản phụ; xây dựng chế độ đãi ngộ đối với CĐTB”.
Phát biểu với hội nghị, TS. Nguyễn Bá Thủy – Thứ trưởng BYT nhấn mạnh: “đội ngũ cô đỡ thôn bản thực sự mang lại nhiều lợi ích cho chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Chủ trương đào tạo CĐTB được đánh giá cao dù còn tồn tại về chế độ đãi ngộ chưa hợp lý. Bộ y tế đề xuất chức danh cho cô đỡ thôn bản ở các vùng núi, vùng khó khăn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị trong nước”.
Đến với hội nghị, đại diện công ty tài trợ chính – công ty GlaxoSmithKline (GSK)– BS. Nguyễn Thị Tường Vi, GĐ kinh doanh cũng bày tỏ: “Một trong những sứ mệnh GSK góp phần cải thiện sức khoẻ cộng đồng nên bên cạnh nghiên cứu sản phẩm, GSK đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng thông qua bộ phận chuyên thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng trên thế giới như: Chống phù voi, tẩy giun, giáo dục phòng chống HIV/AIDS, sốt rét, nghiên cứu HIV, lao, sốt rét. Trong thời gian làm việc cùng GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và tập thể Bệnh viện Từ Dũ, hình ảnh khốn cùng của các bà mẹ Tây nguyên ngày càng được chăm sóc tốt hơn với lực lượng cô đỡ thôn bản. Như vậy sau 7 năm thực hiện, ý nghĩa của dự án thực sự rất to lớn cho sức khoẻ nhân dân tây nguyên”.
Hiện nay, nhu cầu đào tạo cô đỡ thôn bản là rất lớn và lâu dài, chúng ta tiếp tục cần sự hỗ trợ đầy tình người của các tố chức, cá nhân, các mạnh thường quân trong xã hội để cùng Đảng, nhà nước, BYT và Bệnh viện Từ Dũ phát triển hơn nữa, mở rộng ra phạm vi toàn quốc công tác đào tạo này.
Lúc này chúng ta có thể khẳng định: việc đào tạo cô đỡ thôn bản của Bệnh viện Từ Dũ là việc làm hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội dành cho vùng người dân tộc thiểu số, là đi đúng con đường mà Đảng và nhà nước ta đã vạch ra trong chủ trương chính sách dành sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Việc làm này còn mang ý nghĩa xã hội – chính trị sâu sắc!
Đào tạo cô đỡ thôn bản theo cách làm của Bệnh viện Từ Dũ còn là minh chứng cho chính sách xã hội hóa hết sức đúng đắn của Đảng và nhà nước ta. Chúng ta cũng không quên ơn của những cá nhân, tập thể, tổ chức, cơ quan đã cùng Bệnh viện Từ Dũ tham gia vào đề án này. Đặc biệt lãnh đạo Bộ Y tế muốn gửi lời cám ơn tới những nhà tài trợ như công ty GlaxoSmithKline – Tài trợ chính – Quỹ dân số liên hiệp quốc, chính phủ Hà Lan thông qua Chương trình Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh của BYT, các tổ chức, cá nhân khác đã đóng góp quan trọng về kinh phí cho công tác đào tạo của đề án.
Bệnh viện Từ Dũ trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo của BYT, của các SYT, các Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, các trung tâm y tế huyện và cả những trạm y tế xã nơi có các cô đỡ thôn bản được đào tạo và đang hoạt động. Tất cả đã chung sức, chung lòng vì sức khỏe Bà mẹ trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Một số hình ảnh của buổi lễ tổng kết đề án đào tạo cô đỡ thôn bản