Hành trình bệnh viện Từ Dũ chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho BVĐK Hạnh Phúc (An Giang)
Bệnh viện Từ Dũ với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Sản Phụ khoa, phụ trách chỉ đạo tuyến khu vực phía Nam (không chỉ có bệnh viện công lập mà còn ngoài công lập, là sự phối hợp công tư), giúp xã hội công bằng, người dân ở đâu cũng được hưởng lợi từ dịch vụ y tế.
Từ năm 2015, Bệnh Viện Đa Khoa Hạnh Phúc đã có ý tưởng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để đáp ứng nhu cầu điều trị vô sinh, hiếm muộn cho người dân trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và tại tỉnh An Giang nói riêng, giúp người dân dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở và nâng cao khả năng lựa chọn điều trị hiếm muộn. Bệnh Viện Đa Khoa Hạnh Phúc (An Giang) đã gởi công văn và có nhiều buổi làm việc với Bệnh viện Từ Dũ, đến tháng 8/2017, Bệnh viện Từ Dũ đã ký hợp đồng chuyển giao kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho Bệnh Viện Đa Khoa Hạnh Phúc theo đúng quy định, tiến hành khảo sát (2 đợt) trước chuyển giao, quy trình theo dõi, quản lý theo phác đồ của Bệnh viện Từ Dũ, hướng dẫn hội chẩn trực tuyến đọc kết quả siêu âm, xem kết quả xét nghiệm, điều chỉnh liều thuốc, hẹn ngày chọc hút trứng, chuyển phôi, theo dõi diễn tiến...tất cả đều được Bác sĩ Khoa Hiếm Muộn -Bệnh viện Từ Dũ theo dõi sát.

Sau gần 3 năm, trãi qua nhiều khó khăn, Bệnh Viện Đa Khoa Hạnh Phúc phải xoay trở, chỉnh sửa lại phòng Lab theo đúng góp ý của Bệnh viện Từ Dũ, phải truyền thông, xây dựng qui trình, bảng giá, tư vấn... Về phía Bệnh viện Từ Dũ, đặc biệt là Khoa Hiếm Muộn cũng có khó khăn vừa phải sắp xếp nhân sự tại khoa và vừa phải đi chuyển giao nhiều nơi, nhưng xuất phát từ tâm huyết của 2 bệnh viện với lao động miệt mài, có ca là Khoa Hiếm Muộn - Bệnh viện Từ Dũ sắp xếp lên đường đi công tác đến BVĐK Hạnh Phúc (An Giang), với 25 chuyến, 122 lượt nhân sụ tham gia (BS, KS Lab, HS). Ê kíp chuyển giao của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc đã tiến hành chọc hút ca đầu tiên vào tháng 6/2019 đến nay được 17 ca, chuyển phôi 10 ca, thai sinh hóa: 5 ca (50%), thai lâm sàng: 4 (40%), 2 bé đầu tiên đã chào đời.
Ngày 19/6/2020, đoàn Bệnh viện Từ Dũ đến Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc cùng đón em bé đầu tiên ra đời bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là kỹ thuật áp dụng thành công đầu tiên tại tỉnh An Giang, do Bệnh viện Từ Dũ chuyển giao.
![]() |
TS. BS. Lư Quốc Hùng – Tổng Giám Đốc Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc phát biểu “Xuất phát từ cái tâm mang tính nhân văn, Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc luôn muốn người dân hưởng lợi ích, ban đầu chấp nhận lỗ vốn để đầu tư triển khai kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm”.
Theo BS. CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám Đốc Bệnh viện Từ Dũ thay mặt đoàn Bệnh viện Từ Dũ chúc mừng Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc đón em bé đầu tiên ra đời bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc. TP. Long Xuyên là thành phố lớn không thể không có các kĩ thuật cao, trong đó có kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc là Bệnh viện ngoài công lập với triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với giá cả và chất lượng cao, phù hợp với người dân địa phương là bước đi đúng hướng. Kết quả đạt được ở trên là điều khích lệ cho 2 bệnh viện để động lực tiếp tục hoàn thành quá trình chuyển giao theo kế hoạch. Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc có thể tự hào bước đầu triển khai thành công. Với kế hoạch là Trung Tâm Hỗ Trợ Sinh Sản thứ 3 tại Đồng Bằng Sông Cửu Long thì Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc cần tiếp tục nổ lực truyền thông nhiều hơn nữa để Sở Y Tế, cộng đồng BS tại An Giang biết, ủng hộ để thu hút người dân trong tỉnh cũng như các khu vực lân cận biết đến dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm của bệnh viện. Chúc Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc tiếp tục thành công cao hơn nữa, ngày mai tốt hơn hôm nay nữa, mang lại niềm vui thiêng liêng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Ban Giám Đốc, Khoa Hiếm Muộn, Phòng Chỉ Đạo Tuyến - Bệnh viện Từ Dũ sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ Bệnh Viện Đa Khoa Hạnh Phúc (An Giang) hoàn tất chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nhân dân./.