Bánh nhau ăn sâu gây nứt tử cung
Ca phẫu thuật hoàn tất lúc 3g10 phút sáng 26/4/2019 |
Lúc 2g20 rạng sáng 26/4/2019, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã kịp thời phẫu thuật cấp cứu 1 trường hợp thai phụ bị nứt góc trái tử cung do nhau ăn sâu vào cơ tử cung. Sản phụ N.T.N.N 34 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều khi thai còn gần 7 tuần nữa mới tới ngày dự sinh. Do sản phụ có 1 lần mổ lấy thai năm 2015 nên các bác sĩ nghi ngờ tình trạng trên là do doạ vỡ tử cung trên đường rạch cơ tử cung trước đây. Nhanh chóng, sản phụ được chuyển phòng mổ. Điều bất ngờ là khi vào ổ bụng, kíp mổ thấy có 300 ml máu đỏ tươi nhưng vết mổ cũ nguyên vẹn. Ngay lập tức, bác sĩ phẫu thuật để cho chào đời 1 bé trai nặng 2,1 kg. Nguyên nhân chảy máu lại là do 1 vết nứt ở góc trái tử cung, dường như nhau ăn gần hết lớp cơ tử cung, khiến vị trí này chỉ còn 1 lớp mỏng, nhìn thấy được cả bánh nhau. Bác sĩ đã may lại góc nứt, thắt động mạch cấp máu chính cho tử cung để hạn chế nguy cơ chảy máu lại.
Tình trạng nhau ăn sâu vào vào cơ tử cung gây nên nguy cơ nhau không thể bong sau khi em bé đã sinh, làm chảy máu không cầm, hoặc làm thủng cả tử cung, gọi là nhau cài răng lược. Nếu thai phụ từng có vết mổ cũ mổ lấy thai, nhau thường ăn vào dấu ấn cũ này, có thể xuyên qua lớp này ăn tới bàng quang. Trong trường hợp của chị N, thai không làm tổ gần đường mổ, nhau bám cao ở đáy tử cung, nhưng lại xuyên rất sâu vào góc tử cung, tạo nên một vị trí rất yếu. Dưới tác động của các cơn gò thưa thớt của giai đoạn thai trên 32 tuần, nơi mỏng manh này bị nứt, vỡ. May mắn là sản phụ đã đến bệnh viện kịp thời, vì việc chảy máu nhanh của tử cung có thể làm thai suy cấp trước khi ảnh hưởng đến tính mạng mẹ.
Một trong những nguyên nhân của nhau cài sâu vào tử cung là do việc can thiệp bằng dụng cụ để bỏ thai trước đây. Vì vậy, với các sản phụ có tiền căn nạo thai do thai lưu, bỏ thai, có mổ trên tử cung do lấy thai, bóc nhân xơ tử cung, cắt đốt nhân xơ nằm trong lòng tử cung... cần nhanh chóng đến bệnh viện có phòng mổ sản để kịp thời can thiệp nguy cơ nứt, vỡ tử cung. Đây cũng là lý do cần hạn chế mổ lấy thai, nạo phá thai.
Th.S. Bs. CK2 Lê Ngọc Diệp