Những người "truyền lửa" cho thế hệ trẻ
Ngày ngày ông Nguyễn Đức Vũ vẫn say mê đọc sách báo, truyền lửa cho thế hệ trẻ. |
Chuyện của hai CCB Nguyễn Đức Vũ và Hoàng Đức Lộc chỉ là một phần trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện đẹp về tấm lòng của họ đối với Bác Hồ kính yêu.
Xây nhà thờ Bác...
Từ quốc lộ 1A, theo con đường bê tông đến đường đất đỏ vào thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng (Triệu Phong) dài chừng 5 km, giữa làng quê tưởng chừng hiu hắt này có một ngôi nhà mà chủ nhân là CCB già, với tâm niệm luôn giữ lửa và truyền tình cảm yêu thương đến với thế hệ trẻ. Ông đã một đời chắt chiu, gom góp những đồng tiền lương của mình để xây dựng nhà lưu niệm thờ Bác Hồ, đồng thời làm nơi sinh hoạt chi bộ Đảng và chi đoàn thanh niên của thôn.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Triệu Phong anh hùng, thời trai trẻ bước chân của Nguyễn Đình Vũ đã đến nhiều nơi, từ Nam ra Bắc và ngược lại. Gần 40 năm công tác trong quân đội, năm 1990, ông từ Huyện Đội Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế được nghỉ hưu theo chế độ.
Về lại quê hương sau bao năm xa cách, ông được tín nhiệm bầu vào BCH CCB tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch CCB huyện Triệu Phong. Với chiếc ba lô cũ, ông xông xáo đi đến nhiều nơi, không chỉ 8 xã đồng bằng mà cả 6 xã miền biển và miền núi của huyện Triệu Phong.
Lúc bấy giờ giao thông đi lại khó khăn, ông cùng đồng đội, đồng chí góp sức xây dựng phong trào CCB trên địa bàn trở thành một trong những đơn vị vững mạnh.
Năm 1995, ông không còn tham gia công tác Hội CCB do tuổi già, sức yếu. Được nghỉ công tác Đảng trong lòng ông vẫn đau đáu ước muốn làm một ngôi nhà lưu niệm thờ Bác Hồ để bạn bè xa, gần, bà con lối xóm, các cháu thanh thiếu niên đến viếng Người trong những dịp lễ, tết.
Sau một thời gian chuẩn bị vật liệu, ông Nguyễn Đức Vũ đã chọn ngày sinh nhật Bác 19/5/2006 khởi công xây dựng và đến ngày 2/9/2006 đã hoàn tất với tổng kinh phí 36 triệu đồng.
Ngày khánh thành nhà lưu niệm thờ Bác Hồ của ông Vũ, lãnh đạo xã Triệu Thượng đã tổ chức lễ đặt lư hương, UBND và Hội Nông dân xã tặng tượng Bác Hồ và bức ảnh Bác Hồ viết báo
Từ thời trai trẻ, ông Nguyễn Đức Vũ đã thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: Đọc sách, báo là liều thuốc tinh thần; đọc sách báo là diệt ngu dốt; đọc sách, báo là yêu nước... ông đã thu thập nhiều loại sách, báo, tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên trong thôn Nhan Biều tham khảo để có thêm kiến thức và hiểu biết thêm về các lĩnh vực KT- XH.
Từ ngày có nhà lưu niệm thờ Bác Hồ do ông xây dựng, nơi đây trở thành điểm sinh hoạt chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên của thôn. Đối với lớp trẻ, sinh hoạt định kỳ chi đoàn mỗi tháng một lần còn được ông hỗ trợ suất ăn trưa 10.000đ/người.
Ông Vũ còn là người rất quan tâm đến việc học hành của con em trong thôn. Ba năm gần đây số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng, năm 2006 có 3 em, năm 2007 có 5 em và năm 2008 đã tăng lên 15 em. Mỗi em thi đỗ được ông thưởng 100.000đ, số tiền tuy không lớn song đã động viên, kích thích các em vươn lên trong học tập. Những ngày nghỉ hè và đặc biệt dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các em trong thôn lại tụ họp về trong ngôi nhà ấm cúng chúc sức khỏe ông Vũ và thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ.
Người kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Gặp ông nhiều lần tại Tòa soạn Báo Quảng Trị, có bài gửi cộng tác hay không có bài, ông vẫn đều đặn có mặt những ngày ra báo trong tuần. Hình như Báo Quảng Trị là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông.
Một ngày giao mùa cuối đông sang xuân, tôi tìm về khu phố 8, phường 1, thị xã Đông Hà, tìm gặp ông để được nghe ông trò chuyện về cuộc đời và những đam mê của ông.
Đặc biệt hai năm gần đây, thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông miệt mài nghiên cứu để có thêm những tư liệu hay, trình bày trong những buổi báo cáo mà ông được giao nhiệm vụ thực hiện.
Sau 48 năm liên tục công tác trong quân đội, trở về với cuộc sống như bao người khác, ông lại tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Công việc ông gắn bó nhiều nhất là báo cáo viên của Thị ủy Đông Hà và CCB tỉnh Quảng Trị. Để có những buổi nói chuyện hấp dẫn người nghe, ngoài những tài liệu được ông nghiên cứu kỹ, ông còn dùng tiền lương chi phí cho các chuyến đi thực tế, tham quan.
Cuối năm 2007, sau khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, ông lặn lội ra tận Nghệ An, về làng Sen và một số địa phương khác để tìm hiểu, sưu tầm thêm nhiều tư liệu quý về Bác Ông còn trực tiếp tham gia kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp phường, cấp thị xã và đạt giải khuyến khích.
Về phía gia đình, ông tập trung con cháu để phát động thi đua, có theo dõi uốn nắn. Trong số 6 người con của ông, hai người theo nghiệp bố công tác trong quân đội, bốn người còn lại theo các nghề giáo viên, bác sĩ, làm khoa học. Tuy các con mỗi người một nghề, sinh sống ở các tỉnh khác nhau nhưng ông thường xuyên theo sát từng bước đi, chia sẻ khó khăn hay động viên kịp thời những thành công mà các con có được. Nhờ sự quan tâm giáo dục của ông bà, bố mẹ nên các cháu nội, ngoại của ông đều chăm ngoan, học giỏi.
Một mùa xuân mới lại về, trong sự vươn lên của bao chồi non, lộc biếc sẽ còn đọng lại mãi mãi những "Giọt nắng mùa đông".