Miền đất đỏ yêu thương
Tháng 5/2016
NHS Võ Thị Tra
P.Chỉ Đạo tuyến
“Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đóng góp.
Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời mà là những gì bạn đã cho đi”.
Trích truyện: “ Cuộc sống”
Cũng như nhà thơ Tố Hữu viết:
“…Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Sống trên đời ai cũng thế
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…”
Quả thật vậy, chúng tôi - nhân viên y tế không chỉ nhìn cuộc sống bằng đôi mắt mà còn dùng trái tim yêu thương của chúng tôi bởi vì chỉ có tình yêu thương mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống và cho người bệnh.
Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hơn 200km, chúng tôi đi qua những đoạn đường dóc núi, đá đỏ, những rừng cao su bạc ngàn của vùng đất miền đông, gần 4 giờ đồng hồ đoàn chúng tôi đã đến nơi. Đến đây mọi việc đã sẵn sàng: từ việc chuẩn bị bệnh nhân khám đến dụng cụ bàn ghế, chúng tôi không ai bảo ai, liền bắt tay vào công việc của mình theo sự phân công của trưởng đoàn
TT Bảo trở Xã hội Bình Đức – Bình Phước
Công tác chuẩn bị
Đối tượng nơi đây đa phần là những người sống lang thang cơ nhỡ, gái mại dâm, buôn bán ma túy…tuổi đời từ 20 đến ngoài 60 tuổi. Sống chung một tập thể, một cộng đồng người có cùng cảnh ngộ, nhìn họ cũng rất đáng thương, họ cũng biết lắng nghe, cũng biết sợ và kính nể những người quản giáo của mình.
Những bệnh nhân đã sẵn sàng
Mặc dù chỉ có hơn 50 người nhưng cả đoàn chúng tôi phải mất gần 3 giờ đồng hồ cho việc khám, vì họ vừa sợ vừa e ngại nên mất 15-20 phút/một người.
Đến 13g00 chiều đoàn chúng tôi đã kết thúc và hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ tiêu giao và quay trở về nơi phố thị ồn ào náo nhiệt.
Đoàn BVTD và Nhân viên TT Bình Đức – Bình Phước
Như những cánh chim không mỏi, chúng tôi đã khép lại một ngày cho vùng đất đỏ miền đông, sáng hôm sau cả đoàn lại hành trình về tỉnh lân cận cùng được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ đó làTrung Tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định tỉnh Bình Dương. Đoàn chúng tôi gồm 25 tình nguyện viên của bệnh viện đến từ các khoa khác nhau đều với tinh thần vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết lên đường cho chuyến công tác này.
Khác với Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức tỉnh Bình Phước thì Trung tâm này cách Tp Hồ Chí Minh 90 km, Trung tâm có hơn 200 nhân viên và 1.300 bệnh nhân chia theo 9 khu điều trị khác nhau, trong đó có khoảng 500 là bệnh nhân nữ, chia làm 3 khu:
+ Khu E: đối tượng bệnh tâm thần nhẹ kèm các bệnh lý: cao huyết áp, tim mạch… mà chúng tôi tạm gọi là “Đội áo vàng”
Bệnh nhân ngồi theo thứ tự chờ khám
+ Khu F: là những người bệnh tâm thần trung bình, có những lúc lên cơn nặng nhưng họ vẫn nhớ được mình là ai, chúng tôi tạm gọi là “Đội áo xanh”.
Bệnh nhân đã khám xong ngồi chờ để được đưa về phòng nghỉ
+ Cuối cùng là khu G: khu này là bệnh nhân tâm thần rất nặng và cùng mặc áo màu xanh.
BN đã được khám xong và vui vẻ trở về phòng
Sau gần 3 giờ đồng hồ xe chạy, băng qua nhiều cánh đồng cao su, chúng tôi đã đến Trung Tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định tại Bình Dương. Khung cảnh vào bệnh viện trồng nhiều cây ăn trái và đặ biệt là bạc ngàn rừng cao su. Chúng tôi được Bác sĩ phụ trách y tế giải thích : “từng loại cây ở đây, ngoài tạo khuôn viên cho bệnh viện, thì còn dùng để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân”. Xe chúng tôi chạy qua nhiều khu điều trị có cửa sổ song sắt, nhiều khuôn mặt và những ánh mắt vô hồn nhìn ra cửa sổ. Tâm trạng của chúng tôi thật khó tả.
Sau 7 phút chạy xe, chúng tôi đã tới được nơi mà các bệnh nhân đã đến từ rất sớm để chờ đợi chúng tôi. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng chuyển dụng cụ, thuốc men bắt tay vào công việc chính của mình.
Tôi được may mắn phụ khám cùng bác sĩ. Vì đặc trưng các bệnh nhân ở đây là bị tâm thần. Trí nhớ của các bệnh nhân không ổn định. Có người nhớ mang máng, có người không nhớ gì. Có người chỉ nhớ từng đoạn thời gian trong cuộc đời và có người không nhớ tên của mình.Vì thế có những cái tên như “Vô Danh Nữ Trắng” hay “ 50D”… Có những bệnh nhân bác sĩ đang hỏi bệnh, tự nhiên đứng lên chúc bác sĩ năm mới ...thế mới thấy được cái tâm của người thầy thuốc nơi đây. Những Y - Bác sĩ nơi đây ngoài việc chăm sóc bệnh tật mà còn phải chăm lo tinh thần, vật chất cho từng người bệnh. Họ chăm sóc người bệnh ngoài trách nhiệm của một bác sĩ thì nhân viên ở đây chăm sóc những bệnh nhân này như một người mẹ, một người con, một người anh, người chị, người em với cái tâm của mình không chút than phiền. Có thể nói phải có lòng kiên nhẫn và sự thấu hiểu thấu đáo từng hoàn cảnh mới có thể gắn bó nơi đây lâu dài.
BS Hồ Thị Hoa – Trưởng đoàn khám ghi phiếu khám bệnh
Gần 3 giờ chiều cả đoàn ai cũng đói và mệt, bỗng tôi nghe có một câu nói giữa 2 bệnh nhân đang nói chuyện với nhau: “Tội nghiệp bác sĩ quá, bác sĩ lo khám bệnh cho mình mà giờ này vẫn chưa được ăn, bác sĩ ơi, đói không vậy bác sĩ”, cả đoàn chưa ai kịp trả lời thì bỗng một người khác tiếp lời: “ năm mới chúc bác sĩ mạnh khỏe dồi dào, tiền vô như nước…” họ đọc lời chúc rất dài và rất có ý nghĩa nhưng tôi không thể nhớ hết. Nghe xong, không chỉ riêng tôi mà ai trong đoàn đều quên đi cái mệt, cái đói và khát giữa trời nắng gắt. Thương nhất và ghi nhớ nhất là những cái vẫy tay chào tạm biệt với bác sĩ sao mỗi đợt khám và những lời hứa hẹn vừa vô tư vừa chân tình.
BN chào tạm biệt Bác sĩ
Sau 7 giờ làm việc mệt mỏi, chúng tôi kết thúc công việc khám và chữa bệnh cho tại nơi này. Bác sĩ Hồ Thị Hoa- trưởng đoàn đã trao tặng một số thuốc còn lại và cần thiết cho Trung tâm. Đoàn chúng tôi tạm biệt vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ. Sau chuyến công tác tuy chỉ có 2 ngày nhưng để lại tôi nhiều suy nghĩ. Mỗi cây mỗi hoa mỗi người một hoàn cảnh, những con người nơi đây thật đáng thương, cuộc sống của họ không được may mắn, không được trọn vẹn. Và đáng thương nhất những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng chịu hy sinh gắn bó với những mảnh đời kém may mắn này. Đối với tôi, khám bệnh và cấp phát thuốc vẫn chưa đủ, họ còn rất cần nhiều thứ, những vật dụng cá nhân rất cần thiết
Trên đường về, cả đoàn chúng tôi đều im lặng vì cố che giấu sự xúc động. Một điều mà tôi cảm nhận được của các thành viên là ai cũng có niềm vui trong lòng vì mình đã có cơ hội làm một công việc có ý nghĩa .
Bản thân tôi là một người đoàn viên thanh niên trẻ, may mắn được làm việc trong môi trường đầy đủ tiện nghi, tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi hy vọng tôi sẽ có được những chuyến công tác như thế để tôi rèn luyện thêm bản thân và phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Và tôi muốn gởi thông điệp đến các bạn đoàn viên thanh niên ngoài công việc chuyên môn tại Bệnh viện nên thể hiện tinh thần nhiệt huyết của mình thông qua những chuyến công tác thiện nguyện như thế này.