tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào chị

Trước tiên xin chị cho biết thêm thông tin về tình trạng mang thai của chị: tuổi thai, số lần sanh, tiền căn có vết mổ cũ trên cơ tử cung, tỉnh/ thành phố nơi chị đang sống…

Tùy theo tuổi thai mà cách xử trí khác nhau. Mong chỊ cho biết thêm thông tin hoặc chị đến khám để xác định tình trạng thai tại khoa KHHGĐ – bệnh viện Từ Dũ nếu chị muốn bỏ thai. Thân mến


BS. CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Có lẽ thông tin của bạn có sự nhầm lẫn về ngày tiêm VGSV B và Rubella. Sau đó bạn tiêm tiếp VGSV B và trái rạ ngày 25/6, đến ngày 21/ 7 bạn trễ kinh 3 ngày và QS âm tính. Như vậy bạn có thể thử que lại sau 1 tuần hoặc đến BV khám để xác định tình trạng thai. Nếu thực sự có  thai bạn vẫn có thể tiếp tục thai kỳ.

Vì lần trước bé của bạn bị bệnh tim bẩm sinh nên lần mang thai sau bạn cần khám thai định kỳ và làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc trước sinh cũng như siêu âm hình thái học thai nhi để đánh giá kỹ tình trạng của bé. Mong kết quả tốt đẹp sẽ đến với gia đình bạn.
   TS. BS. Lê Thị Thu Hà
    Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Với chiều cao và cân nặng như trên thì bạn thuộc nhóm người gầy. Bạn cần tăng cường dinh dưỡng hơn nữa.

Bạn tiêm ngừa MMR ngày 12/6 (KC 7/6) là lúc chưa rụng trứng. Thông thường sau tiêm ngừa bạn được khuyên nên để 3 tháng sau đó hãy mang thai. Đến 12/7 bạn được chẩn đoán có thai giai đọan sớm, như vậy bạn thụ thai vào khoảng giữa tháng 6 (ngày rụng trứng), tức chỉ vài  ngày sau tiêm ngừa. Thuốc tiêm MMR là virus giảm độc lực, theo lý thuyết là có nguy cơ gây hội chứng Rubella cho thai nhi 1.6%. Tuy nhiên trên thực tế đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị Rubella bẩm sinh sau tiêm ngừa. Do vậy theo khuyến cáo chung vẫn không khuyên  bỏ thai nhưng cần theo dõi sát thai kỳ và ghi nhận bé sau sinh.

Nhân xơ tử cung của bạn là lớn và đa nhân xơ. Tình trạng đa nhân xơ tử cung như thế cũng có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ: sẩy thai, sinh non, thai chậm phát triển, băng huyết sau sinh.

Trước mắt đã có thai rồi thì bạn vẫn tiếp tục thai kỳ, có thể dùng thêm thuốc dưỡng thai vì nguy cơ sẩy thai cao. Bạn nên khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết cũng như siêu âm tiền sản ở tuổi thai 22 tuần để khảo sát tình trạng thai nhi. Khi sinh bạn nên đến bệnh viện lớn có khả năng phẫu thuật và truyền máu. Nếu chẳng may thai bị sẩy bạn nên khám phụ khoa để giải quyết nhân xơ tử cung trước khi mang thai lại. Thân chào.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào bạn,

Chương trình sàng lọc sơ sinh hiện đang triển khai  ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc. Trong tương lai gần sẽ thực hiện khắp quốc gia. Sàng lọc sơ sinh được thực hiện cho tất cả các trẻ mới sinh (từ 36 giờ tuổi đến 7 ngày sau sinh).
Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh nhằm sàng lọc các bệnh: thiếu G6PD, suy giáp bẩm sinh và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.

THIẾU G6PD LÀ GÌ?

Thiếu G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase) là một tình trạng thiếu men thường gặp ở người. Trên thế giới hiện nay có khoảng 400 triệu người mắc, vùng Nam-Á là một trong những vùng có tỉ lệ mắc bệnh tương đối cao 3-5%. Ngoài ra, người ta còn đặt tên cho bệnh này là "Favism" bởi vì các cá thể thiếu men G6PD bị dị ứng với loại đậu Fava.

Thiếu G6PD là rối  loạn di truyền liên kết với giới tính (nhiễm sắc thể X) nên nam giới có khả  năng mắc bệnh cao hơn nữ giới. 

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CON BẠN BỊ THIẾU G6PD?

Thiếu máu tán huyết và vàng da sơ sinh kéo dài là hai vấn đề lớn gặp phải trên cơ thể bị thiếu G6PD. G6PD rất cần thiết để xúc tác cho phản ứng sinh hóa trong hồng cầu giúp cho màng tế bào bền vững trước các tác nhân gây stress oxy hóa có trong một số thuốc, thức ăn, tác nhân bệnh truyền nhiễm. Nếu cơ thể thiếu men này, màng tế bào hồng cầu sẽ kém bền, dễ bị vỡ. Hậu quả tế bào hồng cầu bị vỡ đưa đến hiện tượng tán huyết. Nếu tán huyết kéo dài sẽ đưa đến thiếu máu. Mặt khác hồng cầu là tế bào vận chuyển oxy cho cơ thể. Hồng cầu khi bị vỡ sẽ phóng thích vào trong máu bilirubin tự do. Cơ thể bé sơ sinh bị thiếu G6PD, hoạt động tế bào gan giảm không kịp chuyển hóa để đào thải kịp chất này làm cho em bé bị vàng da và vàng mắt do nồng độ trong máu tăng cao. Nếu bilirubin tự do ứ nhiều sẽ thấm vào não gây ra biến chứng thần kinh không hồi phục sẽ ảnh hưởng đến phát triển trí não của bé về sau.

SUY GIÁP BẨM SINH LÀ GÌ?

Suy giáp bẩm sinh là một bệnh xảy ra do tuyến giáp không sản xuất đủ nội tiết tố đáp ứng đủ  nhu cầu của cơ thể. 

Bệnh xuất hiện từ 1/4000 đến 1/3000 em bé mới sinh. 

HẬU QUẢ TRÊN BÉ NHƯ THẾ NÀO NẾU KHÔNG PHÁT HIỆN SỚM,  ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI?

Nếu một bé sơ sinh bị suy giáp bẩm sinh và không được phát hiện điều trị kịp thời, trong vòng 2-3 tuần lễ đầu sau sinh, bệnh sẽ ảnh hưởng đến bé như sau:

     
  1. Trong giai đoạn sơ sinh: thường bị vàng da kéo dài hơn bình thường, màu da thường xám chì, tái. Bé thường ngủ nhiều, không linh hoạt với tiếng động môi trường bên  ngoài, ít khóc, bỏ bú hay bú ít, không tỉnh táo khi bú, chậm lên cân, tay chân lạnh, lưỡi thè ra ngoài...
  2.  
  3. Giai đoạn sau sơ sinh và trẻ nhỏ: Chậm phát triển về mặt thể chất (chậm lên cân và  phất triển chiều cao) và tinh thần (không linh hoạt, không học hành được...) so với người bình thường.
Nếu trẻ được phát hiện suy giáp bẩm sinh quá trễ, việc điều trị sẽ ít hiệu quả do các di chứng phát triển tâm thần, do thiếu nội tiết (tố) T4 kéo dài không hồi phục.

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM VÀ ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI CHO BÉ SƠ SINH BỊ SUY GIÁP BẨM SINH?
Bé bị suy giáp bẩm sinh chỉ hồi phục trở về bình thường khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 2 tuần đầu sau sinh.

Sau sinh 48 giờ, bé sẽ được lấy mẫu máu từ gót chân hay tĩnh mạch mu tay thấm vào giấy thấm để  làm xét nghiệm TSH và T4. Nếu TSH cao và T4 thấp bé sẽ được tư vấn và giới thiệu đến BS chuyên khoa nội tiết để điều trị và theo dõi.

Chính vì vậy, nếu bé được phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng phục hồi và phát triển tâm sinh lý như một người bình thường càng cao.

Kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng 48 giờ. Các trường hợp bé sơ sinh có kết quả nghi ngờ bị bệnh sẽ được thông báo cho gia đình biết hướng xử trí tiếp theo


TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Triệu chứng ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn thường gặp trong 3 tháng đầu do ảnh hưởng nội tiết thai kỳ. Bạn nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh nằm ngay sau ăn. Nên ăn thức ăn loãng dễ tiêu và uống nhiều  nước. Uống nước cam nhiều và thường xuyên là tốt và không ảnh hưởng đến thai. Nếu bạn có bệnh lý dạ dày tá tràng thì việc dùng vị chua nhiều sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của bạn, khi đó bạn sẽ thấy đau nhiều vùng thượng vị, xót ruột..

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

16tháng 08

Chào bạn,

Ngôi thai (mông, đầu hay ngang) là do thai nhi tự bình chỉnh. Việc bình chỉnh này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ngôi mông (ngôi nghịch) thường kèm theo 1 trong những  yếu tố sau: 

  1. Tuổi thai: tuổi thai càng gần ngày sinh, tỉ lệ ngôi đầu (thuận) càng cao.
  2.  
  3. Kích thước đầu và mông thai nhi: những thai nhi có đầu lớn hơn mông thường là ngôi mông.
  4.  
  5. Tử cung: dạng hai sừng hay hình tim, tử cung đôi, tử cung có nhân xơ, có  vách ngăn.
  6.  
  7. Nhau: bám thấp hay nhau tiền đạo.
  8.  
  9. Ối: lượng ối ít quá hay đa ối.
  10.  
  11. Dây rốn: quấn cổ, dây rốn ngắn.
  12.  
  13. Khung chậu: giới hạn, hẹp hay méo.
Ngôi mông hay ngôi nghịch là sinh khó. Do vậy, những năm trước 1960, có phương  pháp để chuyển ngôi mông thành ngôi đầu gọi là ngọai xoay thai. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh dùng hai tay đặt bên ngoài thành bụng mẹ để nắn phần thai và xoay dần từ ngôi mông thành ngôi đầu, sau đó ép hai gối hai bên và cột cố định lại. Phương pháp này dễ gây tai biến là nhau bong non hoặc suy thai, vì vậy ngày nay không  được dùng phương pháp ngoại xoay thai trong thực hành sản khoa nữa.

Thai bạn hiện tại 32 tuần, cơ hội thai tự bình chỉnh thành ngôi đầu vẫn còn. Nhiều trường hợp thai lớn lên có thể tự xoay lại thành ngôi thuận. Nếu đến ngày sinh vẫn là ngôi mông thì bạn cũng có thể sinh ngã âm đạo được với những điều kiện sau:

     
  1. Ước tính cân nặng thai không to (con so < 3000g, con rạ < 3200g).
  2.  
  3. Đầu thai nhi cúi tốt.
  4.  
  5. Chỉ số ối bình thường qua siêu âm.
  6.  
  7. Khung chậu mẹ bình thường.
  8.  
  9. Diễn tiến chuyển dạ thuận lợi (cổ tử cung mở tốt, không bị ối vỡ sớm,thai  không suy…)

Dây rốn nối liền từ bánh nhau đến rốn thai nhi nằm trước bụng, bên trong dây rốn có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Chiều dài dây rốn trung bình từ 30 – 60 cm. Nhiệm vụ dẫn các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai và đưa những chất thải từ thai qua mẹ. Do thai nhi xoay trở, cử động trong buồng ối nên dây rốn có thể quấn cổ, quấn thân thai nhi. Nếu dây rốn quấn cổ hoặc quấn thân thai nhi sẽ làm chiều dài từ nhau đến thai ngắn lại, ảnh hưởng đế sự bình chỉnh ngôi thai và tiến trình chuyển dạ. Nếu dây rốn quấn cổ quá chặt hoặc nhiều vòng gây ảnh hưởng sự lưu thông máu bên trong dây rốn và hậu quả là suy  thai.

Trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp dây rốn quấn cổ vẫn chuyển dạ bình thường, sau sinh bé khỏe. Nếu là ngôi mông có kèm dây rốn quấn cổ nên mổ lấy thai vì sợ đầu bé không cúi tốt dễ gây kẹt đầu hậu lúc sinh. Nếu là ngôi thuận có thể theo dõi chuyển dạ bình thường, cần theo dõi sát tim thai trong suốt tiến trình chuyển dạ. Trong thai kỳ, người mẹ cần theo  dõi cử động thai mỗi ngày. Chúc bạn và bé khỏe mạnh

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Rất mừng là hai bạn đã có baby sau thời gian chờ đợi. Bạn có thể yên tâm tiếp tục điều trị bệnh phổi mà không lo ngại sự ảnh hưởng của thuốc trên thai nhi. Em bé nằm trong tử cung người mẹ và được nuôi dưỡng từ mẹ. Nếu người mẹ không mắc bệnh và không phải điều trị thì không lo việc thuốc ảnh hưởng trên thai. Khi mang thai, việc khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm cũng như siêu âm sàng lọc những bất thường thai nhi là cần thiết. Do vậy, vợ bạn nên đi khám thai, tái khám theo hẹn và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm bác sĩ chỉ định.

Chúc baby của hai bạn thật mạnh khỏe và thông minh.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Việc tính tuổi thai càng sớm thì càng chính xác. Đối với các chị em không nhớ ngày kinh cuối hoặc kinh không đều thì tuổi thai được tính theo siêu âm 3 tháng đầu.

Sai số tuổi thai tính theo siêu âm như sau: với siêu âm 3 tháng đầu sai lệch từ 3 đến 5 ngày; với siêu âm 3 tháng giữa mức sai lệch sẽ là 7 – 10 ngày; và theo siêu âm 3 tháng cuối thì sai lệch từ 2 đến 3 tuần.

Rất may là bạn có kết quả siêu âm thai kỳ sớm. Theo siêu âm lần 1: ngày 30/01/2010 thai 6 tuần, và siêu âm lần 2: 11/ 03 thai 12  tuần, vậy dự sinh của bạn là 25/ 09/ 2010.

Theo kết quả siêu âm ngày 26 tháng 7 năm 2010 (lúc thai 31 tuần tuổi tính theo siêu âm 1) có cân nặng ước tính 2100g là trên mức bình thường (bình thường ở tuổi thai này khỏang 1800g). Như vậy thai bạn không bị suy dinh dưỡng. Bạn có thể yên tâm với sự phát triển thai nhi.

Hân hạnh được phục vụ bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Hoan nghênh bạn vì sự quan tâm đến việc chăm sóc trước sinh.

Các lớp học tiền sản tại BV Từ Dũ được tổ chức vào sáng chủ nhật cách tuần (từ 8 giờ đến 11 giờ). Nội dung các buổi học có khác nhau. Bạn có thể khám thai tại BV Từ Dũ và nhận thư mời tại phòng khám. Bạn cũng có thể tham dự tự do, liên hệ bằng các gọi điện thọai vào phòng khám thai để biết ngày tổ chức cụ thể trong tháng.

Địa điểm: Hội trường giao ban hoặc Hội trường dinh dưỡng. Riêng lớp hướng dẫn cách thở và  cách rặn khi sinh được tổ chức vào sáng thứ 5 tại Buồng khám thai trong giờ (từ 8 giờ đến 9 giờ). Tham dự lớp học miễn phí hoàn toàn. Đăng ký tự do.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Nhân xơ tử cung có thể ảnh hưởng trên thai kỳ. Việc ảnh hưởng trên thai kỳ tùy vào vị trí và kích thước nhân xơ. Những nhân xơ tử cung nằm vị trí dưới niêm mạc, trong lòng tử cung dễ gây sẩy thai. Những nhân xơ tử cung nằm gần cổ tử cung gọi là vị trí tiền đạo không thể sinh ngã âm đạo được mà phải mổ lấy thai. Nhân xơ tử cung nằm vị trí tai vòi có thể gây vô sinh. Nhân xơ tử cung có cuống nằm dưới thanh mạc dễ bị xoắn và khi ấy cần mổ cấp cứu để cắt nhân xơ. Nhân xơ có kích thước to (> 10 cm) dễ gây sinh non, băng huyết sau sinh, có nhiều trường hợp nhân xơ to hoại tử gây đau.

Riêng trường hợp của bạn, nhân xơ tử cung trong cơ đường kính 15mm là rất nhỏ, như thế không ảnh hưởng đến việc có thai. Hiện tại không cần điều trị gì đối với nhân xơ của bạn. Tuy nhiên, bạn cần khám sau 3 tháng để đánh giá sự tiến triển của nhân xơ. Nếu bạn bị đau bụng kinh hoặc rong kinh thì cần điều trị.

Kết quả xét nghiệm của bạn:
CMV IgG : DƯƠNG TÍNH  (1.90)          (N: <1 INDEX)
CMV IgM;  ÂM TÍNH   (0.60)                     (N:<1 INDEX)
RUBELLA IgG : dƯƠNG TÍNH (>500)     (N: <10 UL/ml)
RUBELLA IgM:  Âm tính  (0.70)                    (N: < 1 INDEX)
PROLACTIN : 51           (N:  2 ĐẾN 19 ng/mL)

Xét nghiệm CMV IgG dương tính và IgM âm tính là bạn đã từng bị nhiễm CMV. Tỉ lệ nhiễm CMV ở phụ nữ các nước đang phát triển khá cao, từ 80 – 90%.

Với Rubella IgM âm tính và Rubella IgG dương tính thì chứng tỏ đã từng bị nhiễm Rubella trong quá khứ, cơ thể tạo ra kháng thể. IgG sẽ tồn tại về sau. Bạn không phải tiêm ngừa Rubella nữa vì đã được bảo vệ, chỉ trừ trường hợp bạn vào vùng dịch tễ bệnh rubella đang lưu hành.

Giá trị Prolactin trong máu của bạn 51 ng/mL là cao hơn bình thường.Thông thường giá trị Prolactin cao có kèm tiết sữa hai vú và khó rụng trứng nên khó mang thai. Bạn có thể chụp hố yên thẳng và nghiêng hoặc CT Scan để xem có u tuyến yến hay không.

Có nhiều trường hợp không thấy u tuyến yên qua chẩn đoán hình ảnh. Chỉ cần điều trị nội khoa (bằng thuốc) là ổn.

Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Hoan nghênh sự quan tâm của  bạn. Với phụ nữ mang thai dùng thuốc đa sinh tố như Prenatal care là tốt. Liều dùng 1 viên mỗi ngày là phù hợp. Vitamin A không nên dùng quá 5000 đv mỗi ngày.  Liều acid folic cần thiết 400 mcg mỗi ngày là vừa  đủ.

Chúc bạn luôn khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Rất tiếc vì 2 lần mang thai không thành của bạn. Thai lưu giai đoạn sớm nhiều trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng gì cả. Việc muốn tìm nguyên vì sao thai lưu 2 lần là rất cần thiết. Cả bạn và chồng cần khám tổng quát, bạn cũng nên khám phụ khoa để xác định nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể gây sẩy thai: rối loạn nhiễm sắc thể, bệnh lý di truyền, nhiễm trùng,nhiễm siêu vi, bệnh nội tiết như tiểu đường, tuyến giáp, bệnh tự miễn, thiếu máu, nhân xơ tử cung…   Nếu có bệnh thì nên điều trị ổn định trước mang thai. Tùy vào nguyên nhân mà điều trị khác nhau, do vậy chi phí cũng sẽ khác nhau. Cũng có khoảng 25% trường hợp sẩy thai lưu nhưng  không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Chúc bạn thành công trong lần mang thai sau.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ