tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào chị,

MamaNatal® và Femolbin® đều là thuốc bổ đa sinh tố và khoáng chất giúp bổ sung nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày cho phụ nữ mang thai. Hơn nữa hai thuốc này còn chứa sắt, acid folic, các vitamine nhóm B giúp phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt. Nếu chị có chế độ ăn đầy đủ, hợp lý và không bị thiếu máu thiếu sắt qua thăm khám, chẩn đoán của bác sĩ và kết quả công thức máu (nếu có), thì chỉ cần uống một trong 2 loại thuốc bổ trên.
 
Vageston® 100 chứa progesterone, một hormon nữ do hoàng thể tiết ra, có tác dụng trợ thai, kháng estrogen, kháng androgen nhẹ và kháng aldosteron.

Với tác dụng như vậy, progesteron thường được các bác sĩ sản khoa chỉ định trong các trường hợp dọa sẩy thai, sẩy thai liên tiếp, liều dùng từ 200 – 400 mg mỗi ngày, tùy theo các triệu chứng lâm sàng trong từng trường hợp cụ thể.

Phụ nữ mang thai khi phải dùng thuốc cần rất thận trọng nhưng không có nghĩa là không dùng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là khi có bệnh lý kèm theo. Do đó, thầy thuốc sẽ cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích để có chỉ định phù hợp. Chị nên tiếp tục sử dụng thuốc theo toa và trong quá trình dùng thuốc nếu có dấu hiệu bất thường gì, chị cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có điều chỉnh, cũng như trao đổi thêm về tình trạng bệnh của mình.

Chúc chị có thai kỳ khoẻ mạnh.

DS. Nguyễn Thị Thúy Anh
Khoa Dược - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Thùy Linh thân mến,

Chúng tôi rất vui khi bạn đặt niềm tin vào bệnh viện Từ Dũ. Vì bạn ở xa nên nếu vỡ ối tốt nhất bạn nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhà và xin ý kiến ngay thời điểm khám. Với trường hợp ối vỡ có thể xảy ra 1 số nguy cơ như sa dây rốn, thai suy, chuyển dạ nhanh. Nếu cơ sở khám ban đầu nhận định có thể chuyển được đến BV Từ  Dũ thì sẽ chuyển theo yêu cầu của gia đình.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Mỹ Hạnh thân mến,

Bạn có triệu chứng “mơ hồ” của rubella vào tuần 14, đến tuần 18 xét nghiệm IgM= 1 (ở mức biên giới dương và âm) giá trị này không có ý nghĩa của nhiễm rubella nguyên phát thời điểm 14 tuần, IgG= 54U/ml chứng tỏ đã từng nhiễm trong quá khứ. Hiện tại thai 24 tuần, siêu âm 4D chưa thấy bất thường, bạn hãy vui vẻ và  tiếp tục thai kỳ. Chúc mẹ con bạn khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

trần hạ phi

Thưa Bác sĩ, em năm nay 23 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng. Hiện thai đã được 13 tuần 2 ngày, em xét nghiệm và được kết quả là: rubella IgM 0.2 âm tính và rubella IgG 500.0 dương tính. Vậy thai trong bụng có sao ko ? và có bị dị tật gì ko bác sĩ? Mong bác sĩ giúp em.


Chào bạn,

Với kết quả IgM âm tính và IgG dương tính 500 chứng tỏ bạn đã từng bị nhiễm rubella. Vì IgM âm tính nên thời gian bạn nhiễm cách thời điểm xét nghiệm tối thiểu 8 tuần (tức trước khi thai được 5 tuần 3 ngày). Nếu bạn nhiễm trước khi mang thai thì không nguy hiểm gì cho bé, nếu bạn nhiễm lúc thai 5 tuần thì nguy cơ thai nhi bị hội chứng rubella bẩm sinh đến 90%.

Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ: có triệu chứng sốt phát ban hoặc nổi hạch cổ lúc thai 5  tuần, tiếp xúc với người mắc bệnh rubella thì cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán như xét nghiệm dịch ối làm PCR rubella.

Tốt nhất là nên tiêm ngừa MMR (Sởi- quai bị- rubella) trước khi lập gia đình hoặc trước khi mang thai. Nếu chưa tiêm MMR thì khi mang thai, xét nghiệm rubella tốt nhất lúc thai 7-8 tuần. Đến thai 13 tuần trở đi xét nghiệm sẽ gây khó khăn  phần nào cho việc biện luận như trường hợp của bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,
Bạn cung cấp thiếu một số thông tin sau

- Tuổi của sản phụ, nhịp tim trên điện tim
- Tiền căn bệnh lý tim mạch có trước khi có thai và có bị ngất trước khi có thai hoặc trong khi có thai
- Huyết áp hiện nay
- Các dấu hiệu của tim mạch đi kèm .Ví dụ khó thở về đêm, khó thở khi lên cầu thang hoặc khi hoạt động, tức ngực, tim đập nhanh khi nằm ngữa ...

Nếu bác sĩ khẳng định phải đi khám tim mạch BV 115 thì nên đi, không thể vì lý do nhà xa mà bỏ quên sức khỏe mình và con mình, vì có những bệnh tim tìm ẩn không thể nói mà không khám được và cũng không thấy được điện tim nên không biết thấp như thế nào. Vì vậy bạn nên đi khám tim mạch theo y lệnh bác sĩ

BS.CKI. Nguyễn Thị Hồng Vân
Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Từ Dũ

Em Thanh Thúy thân mến,

Dây rốn là bộ phận nối liền giữa mẹ và thai. Thai trong tử cung luông cử động, xoay trở vì vậy có khả năng dây rốn quấn cổ, quấn quan thân người, thậm chí dây rốn thắt nút. Siêu âm có thể chẩn đóan được dây rốn quấn cổ và số vòng quấn. Trog dây rốn có mạch máu lưu thông máu giữa mẹ  và thai. Nếu dây rốn quấn cổ lỏng, không chèn ép mạch máu và không cản trở sự lưu thông máu giữa mẹ và thai thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu dây rốn xiết chặt gây ngưng lưu thông máu mẹ - thai sẽ gây thai chết lưu. Điều cần thiết là người mẹ phải theo dõi cử động thai. Nếu bé ngộp do thiếu máu nuôi, thai nhi sẽ quẫy đạp mạnh sau đó máy yếu dần và ngưng máy hẳn. Có khá nhiều  trường hợp thai nhi có dây rốn quấn cổ nhưng vẫn sinh ngã âm đạo được.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em Mỹ Xuyên thân mến,

Xin đón nhận sự tin tưởng của em khi chọn noi sinh là BV Từ Dũ.
Phí dịch vụ như sau: 

  • Sinh thường: 1.500.000 đ
  •  
  • Sinh giúp:  //          +  600.000 đ
  •  
  • Sinh dịch vụ gia đình: //  + 500.000đ (có 1 người thân vào phòng sinh khi chuyển dạ để chia sẻ cùng sản phụ)
  •  
  • Giảm đau sản khoa: // +  600.000 đ công gây tê ngòai màng cứng + 410.000 thuốc.
  •  
  • Sinh mổ:2000.000  đ (nếu có mổ ở bụng trước đây thì mỗi lần mổ + 500.000 đ).
  •  
  • May thẩm mỹ tầng sinh môn: // + 1.500.000  đ

Đó là chưa tính tiền phòng nằm và chi phí thuốc men, xét nghiệm.
Tiền phòng thay đổi từ 200.000đ đến 500.000đ/ ngày.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em Elise Pham thân mến,

Em đã có kháng thể IgG của rubella bảo vệ. Kết quả xét nghiệm sàng lọc nguy cơ 1/300 ở thai phụ 37 tuổi là nguy cơ thấp. Với nguy cơ thấp về đột biến nhiễm sắc thể nghĩa là ít nghĩ đến và không cần làm xét nghiệm chẩn đoán là chọc ối. Vì những xét nghiệm chẩn đoán như chọc ối, sinh thiết gai nhau, chọc máu rốn là có tính xâm lấn và có nguy cơ sẩy thai cũng như nhiễm trùng bào thai nên chỉ áp dụng trong những trường hợp nguy cơ cao mà thôi. Với kết quả nguy cơ thấp cũng  cần phải khám định kỳ và siêu âm theo các giai đọan tuổi thai để khảo sát hình  thái cũng như đánh giá sự phát triển thai nhi. Giúp mẹ và bé khỏe nhé.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em Anh Đào thân mến,

Em đừng quá lo lắng. Theo nhiều nghiên cứu thấy rằng: khi hai vợ chồng đều bình thường, khả năng mang thai phụ thuộc vào thời gian hai vợ chồng sống chung nhau, tuổi vợ chồng, và số lần giao hợp / tuần. Nghiên cứu của MacLeod J: nếu giao hợp 1 lần trong tuần khả năng mang thai sau 6 tháng là 17%, nếu giao hợp 3- 4 lần trong tuần thì khả năng mang thai sau 6 tháng là 51%. Do vậy, nếu hai vợ chồng sống chung nhau và quan hệ thường xuyên sau 12 tháng nhưng vẫn chưa thai mới được xem là hiếm muộn và cần khám.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em Tuyết Trinh thân mến,

Kết quả xét nghiệm huyết đồ của em là bình thường. Em có HbsAg (+), em cần làm thêm xét nghiệm HbeAg và men gan SOT và SGPT để đánh giá khả năng lây truyền mẹ - con và sự ảnh hưởng đến gan. Rubella IgM và IgG đều âm tính chứng tỏ em chưa từng nhiễm rubella và cũng chưa tiêm ngừa bệnh này. Ngay sau sinh bé này em nên tiêm ngừa rubella nhé, nhằm bảo vệ thai kỳ sau và cho những người chung quanh.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em Thu Thuy thân mến,

Em nhiễm rubella ngày 14/03/2011 và đến ngày 22/06/2011 thai được 5 tuần tuổi thai. Tính ra ngày thụ thai (ngày rụng trứng) là 1/06/2011. Biết rằng khả năng lây truyền rubella có thể trước và sau 7 ngày phát ban, tức sau ngày 21/03 là hết khả năng lây. Như vậy em hòan tòan có thể yên tâm về bệnh rubella không ảnh hưởng đến thai kỳ này. Kết quả xét nghiệm chứng tỏ em đã có kháng thể bảo vệ bệnh rubella.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em Goldriver thân mến,

KC của em là 07/03/2011 tính đến ngày 28/05 thai được12 tuần và đến 21 /6/2011 là 15 tuần. Trên siêu âm trong 3 tháng đầu sai số cho phép 3- 4 ngày. Với số đo siêu âm như vậy không phải đáng lo lắm. Canxi hóa nhau là 1 tiến trình xảy ra suốt thai kỳ với 6 tháng đầu canxi hóa vi thể và 3 tháng sau canxi hóa đại thể. Thai 15 tuần canxi hóa độ 1 không đáng lo. Canxi hóa có thể liên quan đến nồng  độ canxi trong máu mẹ, canxi hóa nhau hầu như không liên quan đến bệnh lý khác. Tóm lại, bạn cần yên tâm, thoải mái, tránh căng thẳng lo âu quá mức và đừng quên khám thai định kỳ theo hẹn nhé.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ