Mô hình chăm sóc trước khi mang thai: thăm khám, chẩn đoán và can thiệp
BS. Nguyễn Long, CN. Nguyễn Hoàng Bảo Sơn.
Với sự tiến bộ của y học, hiện đã có nhiều phương pháp đánh giá, chẩn đoán được một số dị tật dị dạng thai nhi ngay khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Các phương pháp chẩn đoán đó được gọi là chẩn đoán tiền sản.
Chẩn đoán tiền sản có mục đích chấm dứt thai kỳ sớm cho những trường hợp bé có đa dị tật, dị tật dị dạng lớn không thể sống được sau khi sinh hoặc dự trù các phương pháp cụ thể xử lý các dị tật sau sanh… tránh những trường hợp mang nặng đẻ đau ra những đứa bé như vậy và cha mẹ cũng có thể chuẩn bị tâm lý trước, chuẩn bị điều kiện để can thiệp, điều trị cho bé sau sanh cho những bé có dị tật ít và có thể điều trị được, có thể sống bình thường sau khi được sinh ra. Tuy nhiên, hiện nay, khuynh hướng xã hội cũng như khuynh hướng y học, người ta hướng tới những chẩn đoán để can thiệp sớm hơn chẩn đoán tiền sản nữa, đó là chẩn đoán trước khi mang thai (preconception) và sau này người ta còn có thể vươn tới dự phòng xa hơn nữa là chẩn đoán chăm sóc tiền hôn nhân.
Chăm sóc tiền thai liên quan đến các can thiệp nhằm mục đích để xác định và giảm nguy cơ y sinh học, hành vi và xã hội đối với sức khỏe của người phụ nữ hoặc kết quả thai kỳ bằng cách ngăn ngừa và điều trị. Mô hình chăm sóc tiền thai bao gồm: hỏi bệnh sử, thăm khám, xét nghiệm để xác định các nguy cơ liên quan đến thai kỳ tương lai; Thông tin, giáo dục để cải thiện thái độ, hành vi; lựa chọn phương pháp và các xử trí, can thiệp ban đầu có thể để giảm tác hại và giúp thai kỳ tương lai kết thúc tốt đẹp.
* Trích Tài liệu HN Sản Phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12, ngày 10-11/05/12